BÀI 24. Việt Nam trong những năm chiến tranh Thế giới thứ nhất ( 1914-1918)

Nội dung lý thuyết

BÀI 24. VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT (1914 - 1918)

I. Tình hình kinh tế xã hội

- Năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Pháp tham chiến. Chính sách cai trị thời chiến của thực dân Pháp tiếp tục làm thay đổi tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam.

- Pháp củng cố, mở rộng chỗ dựa xã hội cho chúng như nới rộng quyền hạn cho chính phủ Nam triều, tiến hành một số cải cách nhằm củng cố hệ thống quan lại ở Bắc Kỳ.

- Tăng cường mọi hoạt động đề phòng phong trào cách mạng bùng nổ . Một mặt chúng tập trung lực lượng đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân ta, mặt khác chúng thương thuyết với Chính phủ Trung Hoa để tiêu diệt các tổ chức cách mạng của Việt Nam trên đất Trung Quốc.

- Ngoài ra, chúng còn ra sức bắt lính người Việt đi làm bia đỡ đạn cho chúng. Trong 4 năm chiến tranh, gần 10 vạn thanh niên Việt Nam bị thực dân Pháp bắt đưa sang chiến trường châu Âu làm lính chiến hay lính thợ.

1. Những biến động về kinh tế

- Chiến tranh bùng nổ, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố: “ Nhiệm vụ chủ yếu của Đông Dương là phải cung cấp tối đa nhân lực, vật lực và tài lực…” để phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc mà Pháp tham gia.

- Chúng tăng các thứ thuế, bắt nhân dân ta mua công trái (184 triệu Phrăng trong 4 năm chiến tranh).

- Vơ vét lúa gạo, kim loại đưa về nước Pháp.

- Trong nông nghiệp: Pháp ra sức cướp đoạt ruộng đất làm đồn điền, bắt nông dân chuyển từ độc canh cây lúa sang trồng cây công nghiệp phục vụ chiến tranh.

- Trong công nghiệp: Pháp tăng cường đầu tư khai mỏ, nhất là mỏ than. Một số công ty than mới xuất hiện: Công ty than Tuyên Quang (1915), Đông Triều (1916). Mặt khác, Pháp nới lỏng độc quyền, cho tư bản người Việt kinh doanh tự do hơn. Nhờ đó, các xí nghiệp của người Việt được mở rộng nhiều, nhiều xí nghiệp mới ra đời. Nhìn chung, công thương nghiệp, giao thông vận tải nước ta có bước phát triển hơn.

2. Tình hình phân hóa xã hội

- Chính sách của Pháp và những biến động về kinh tế ở Việt Nam trong 4 năm chiến tranh đã tác động mạnh đến tình hình xã hội Việt Nam.

- Do nạn bắt lính, nạn cướp đoạt ruộng đất, mất mùa, thiên tai… làm cho sức sản xuất ở nông thôn giảm sút nghiêm trọng. Nông dân ngày càng bị bần cùng.

- Công nhân tăng lên về số lượng (do công nghiệp thời chiến phát triển hơn). Công nhân mỏ tăng từ g12.000 năm 1913 lên 17.000 năm 1916. Công nhân cao su tăng gấp 5 lần. Công nhân các công ty, xí nghiệp của tư sản Việt Nam cũng tăng.

- Tư sản, tiểu tư sản tăng về số lượng nhưng chưa thực sự trở thành giai cấp. Họ lập các cơ quan ngôn luận riêng như: Diễn đàn bản xứ, Đại Việt… nhằm bênh vực quyền lợi cho mình.

- Lực lượng chủ chốt trong phong trào đấu tranh dân tộc thời kỳ này vẫn là công nhân và nông dân.

Lính người Việt bị đưa sang Pháp
Lính người Việt bị đưa sang Pháp

II. Phong trào đấu tranh vũ trang trong chiến tranh

1. Hoạt động của Việt Nam Quang phục hội

- Sau những hoạt động không thành công trong năm 1913 , Việt Nam Quang phục hội hầu như không hoạt động. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, trước sự thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, Hội đã tổ chức nhiều cuộc bạo động.

- Địa bàn hoạt động: Dọc biên giới Việt Trung và một số tỉnh Trung Kỳ.

- Tháng 9/1914, hội viên Đỗ Chân Thiết đã thành lập chi hội ở Vân Nam (Trung Quốc). Họ dự định liên kết với binh lính Việt Nam để đánh thành Hà Nội, kế hoạch bị lộ, Đỗ Chân Thiết và 58 người khác bị bắt.

- Từ cuối năm 1914, Việt Nam Quang phục hội chuyển hướng hoạt động về trong nước. Hội đã tiến hành một số cuộc bạo động như: tấn công binh lính Pháp ở tỉnh lị Phú Thọ, đột kích Lục Nam (Bắc Giang)…

- Năm 1914, Hội vận động tù chính trị ở Lao Bảo (khoảng 200 người) nổi dậy phá nhà lao, rồi rút vào rừng chiến đấu.

- Cuối cùng, Việt Nam Quang phục hội tan rã sau đợt khủng bố lớn của giặc Pháp và tay sai vào năm 1916.

2. Cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân (1916)

- Tranh thủ sự phản ứng của người Việt khi bị đưa sang chiến trường châu Âu, Trần Cao Vân và Thái Phiên đã vận động nhân dân, binh lính và mời vua Duy Tân tham gia khởi nghĩa chống Pháp.

Vua Duy Tan năm 1930
Vua Duy Tân năm 1930

 

- Lực lượng là nhân dân và binh lính ở Trung Kì, có sự lãnh đạo của vua Duy Tân. Dự định phối hợp với binh lính Việt, chủ yếu ở miền Trung nổi dậy khởi nghĩa nhưng thất bại.

- Cả ba ông bị bắt. Ở Thừa Thiên, Quảng Ngãi có những cuộc nổi dậy, nhưng thiếu lãnh đạo nên nhanh chóng thất bại.

 3. Khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên

- Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến (vốn là hội viên của Việt Nam Quang phục hội).

Trịnh Văn Cấn
Trịnh Văn Cấn
  
Lương Ngọc Quyến
Lương Ngọc Quyến

 

- Lực lượng là tù chính trị và binh lính người Việt

- Hoạt động:

+ Đêm 30 rạng 31.08.1817, quân khởi nghĩa kiểm soát toàn bộ thị xã (trừ trại lính Pháp), giương cờ “Nam binh phục quốc”.

+ Phát hịch tuyên bố Thái Nguyên độc lập, đặt quốc hiệu là Đại Hùng, vạch tội ác của giặc Pháp, kêu gọi khôi phục nền độc lập của đất nước.

+ Pháp đưa 2000 lính đàn áp nghĩa quân chiến đấu anh dũng trong 6  tháng thì thất bại.

- Thất bại: đánh một đòn mạnh vào chính sách “Dùng người Việt trị người Việt” của thực dân Pháp 

 4. Những cuộc khởi nghĩa vũ trang của đồng bào các dân tộc thiểu số

- Thủ lĩnh các dân tộc ít người (Giàng Tả Chay, Nơ-trang Lơng)

- Dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên

- 1914 - 1915: khởi nghĩa của người Thái ở Tây Bắc.

- 1918, người Mông ở Lai Châu khởi nghĩa

- 1918 - 1919, ở Đông Bắc, binh lính đồn Bình Liêu nổi dậy, lôi cuốn đông đảo các dân tộc Nùng, Dao...

- Ở Tây Nguyên, lớn nhất là khởi nghĩa của đồng bào Mơ-nông do Nơ-trang Lơng chỉ huy, dài hơn 20 năm.

- Tất cả đều thất bại nhưng đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc.

5. Phong trào Hội kín ở Nam Kì

- Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở hầu hết các tỉnh Nam Kì xuất hiện nhiều hội kín như Thiên địa hội, Nghĩa hòa hội, Phục hưng hội, núp dưới hình thức tôn giáo, mê tín để vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, chủ yếu là nông dân, đứng lên chống Pháp.

- Hoạt động có tiếng vang nhất là cuộc đột nhập vào Sài Gòn, mưu phá khám lớn giải thoát cho Phan Xích Long. Quân Pháp phản công, nghĩa quân tan vỡ, nhiều hội kín ở các tỉnh lân cận bị đàn áp.

Phan Xích Long
Phan Xích Long

 

- Phong trào Hội kín ở Nam Kì thực chất là phong trào đấu tranh của nông dân, nhưng vì thiếu sự lãnh đạo của giai cấp tiên tiến nên đã nhanh chóng thất bại.

*Nhận xét về các phong trào đấu tranh ở Việt Nam trong những năm diễn ra Chiến tranh thế giới thứ nhất:

- Những nét chung:

+ Phong trào đấu tranh lan rộng khắp cả nước, lôi kéo nhiều thành phần xã hội tham gia, hình thức đấu tranh chủ yếu là vũ trang.

+ Kết quả: thất bại do bế tắc về đường lối đấu tranh.    

- Những nét riêng:

+ Cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân có sự tham gia của vua Duy Tân. Cuối năm 1916 ông đã liên lạc với Thái Phiên và Trần Cao Vân (hai nhà chí sĩ của Việt Nam Quang phục hội. Phan Bội Châu chủ xướng) bàn mưu khởi nghĩa song do bị lộ nên cả ba người đã bị thực dân Pháp bắt. Thực dân Pháp tìm đủ cách dụ dỗ ông quay lại ngai vàng song ông kiên quyết từ chối, không chịu khuất phục trước quân Pháp và tay sai. Duy Tân đã bị lưu đày sang đảo Rêuyniông cùng vua cha là Thành Thái

+ Cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên có nhiều nét độc đáo: Đây là cuộc vùng dậy mãnh liệt của binh lính người Việt trong quân đội Pháp, dùng súng giặc giết giặc, tạo nên truyền thống tốt đẹp của những binh sĩ cứu quốc Việt Nam sau này.

+ Các cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra trên những địa bàn rộng lớn; lợi dụng địa hình rừng núi gây cho địch nhiều thiệt hại, buộc địch phải rút lui hoặc nhân nhượng một số quyền lợi.

III. Sự xuất hiện khuynh hướng cứu nươc mới

1. Phong trào công nhân

Trong chiến tranh, các cuộc đấu tranh của công nhân tiếp tục diễn ra.

- Hình thức đấu tranh: Chính trị kết hợp vũ trang.

- Mục tiêu: Chủ yếu đòi quyền lợi kinh tế.

- Hoạt động chính:

+ Năm 1916, nữ công nhân nhà máy sàng Kế Bào (Quảng Ninh) bỏ việc bảy ngày chống cúp phạt lương, công nhân mỏ Hà Tu đánh trả lính khố xanh.

+ Năm 1917, nhiều cuộc đấu tranh diễn ra: 22 công nhân mỏ bôxít Cao Bằng bỏ trốn, 47 công nhân Thái Bình chống lại bọn cai thầu, nhiều công nhân than Phấn Mễ và Na Dương tham gia khởi nghĩa Thái Nguyên. Công nhân mỏ than Hà Tu biểu tình đồi thả công nhân bị bắt.

+ Năm 1918, 700 công nhân mỏ than Hà Tu đốt nhà tên cai thầu Bang Sâm hống hách, hay ngược đãi công nhân.

- Ý nghĩa: Phong trào thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật của giai cấp công nhân. Tuy còn hoàn toàn mang tính tự phát, song đây là phong trào đấu tranh của một lực lượng xã hội mới, đang trưởng thành nhanh chóng ở Việt Nam.

2. Buổi đầu hoạt động của Nguyễn Ái Quốc

- Nguyễn Ái Quốc hồi nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, sau đổi tên là Nguyễn Tất Thành, sinh ngày 17/5/1890 tại Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước, lớn lên ở miền quê có truyền thống đấu tranh cách mạng, từ sớm Nguyễn Ái Quốc đã có chí đuổi giặc Pháp.

- Người khâm phục tinh thần yêu nước của các chí sĩ Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh nhưng thấy phong trào do họ lãnh đạo đều thất bại, bế tắc. Vì vậy, Người không tán thành con đường đấu tranh của họ mà quyết định sang phương Tây tìm con đường cứu nước mới với tư tưởng đúng đắn: muốn đánh thắng kẻ thù thì phải hiểu rõ kẻ thù, đồng thời Người còn muốn xem các nước Pháp và các nước khác làm thế nào rồi quay về giúp đồng bào mình.

- Ngày 5/6/1911, Nguyễn Ái Quốc rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước.

- Từ năm 1911 đến năm 1917, Người bôn ba qua nhiều nước, nhiều châu lục, làm nhiều nghề, tiếp xúc với nhiều người. Qua đó, Người nhận thấy ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác, ở đâu người lao động cũng bị áp bức và bóc lột dã man.

- Khoảng cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp, tích cực hoạt động tố cáo thực dân Pháp và tuyên truyền cho cách mạng Việt Nam, tham gia phong trào công nhân Pháp, tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, từ đây, tư tưởng của Người có những biến chuyển mạnh mẽ.

- Ý nghĩa của những hoạt động: Những hoạt động yêu nước của Người tuy mới chỉ bước đầu, nhưng là cơ sở quan trọng để Người xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Ngày 5-6-1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước
Ngày 5-6-1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville,
người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước

 

Hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh
Hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh