Bài 24. Địa lí một số ngành công nghiệp

Nội dung lý thuyết

I. Công nghiệp khai thác than và dầu khí

1. Công nghiệp khai thác than

- Đặc điểm

+ Than là nguồn năng lượng truyền thống và cơ bản, được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống.

+ Than được dùng làm nhiều liệu cho các nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim, công nghiệp hoá chất để sản xuất ra chất dẻo, sợi nhân tạo, dược phẩm,...

+ Than được phân thành nhiều loại tuỳ thuộc vào khả năng sinh nhiệt, hàm lượng cac-bon và độ tro.

- Phân bố

+ Các mỏ than được phân bố chủ yếu ở bán cầu Bắc.

+ Những nước đứng đầu về sản lượng khai thác than là những nước có trữ lượng than lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ,...

- Nhược điểm: Quá trình khai thác và sử dụng đã làm cạn kiệt trữ lượng than, gây suy thoái và ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.

Phân bố mỏ than của một số nước

2. Công nghiệp khai thác dầu khí

- Đặc điểm

+ Dầu khí là nhiên liệu quan trọng cho sản xuất điện, giao thông vận tải; làm nguyên liệu cho công nghiệp hoá chất để sản xuất ra nhiều sản phẩm khác nhau.

+ Dầu mỏ được ví như “vàng đen” của nhiều nước.

+ Sau khi chế biến, dầu khí tạo ra nhiều sản phẩm như: xăng, dầu hoả, dầu ma-dut,...

- Phân bố

+ Các mỏ dầu khí phân bố ở cả hai bán cầu.

+ Các nước đứng đầu về sản lượng khai thác đều có trữ lượng dầu khí lớn như: A-rập Xê-út, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, I-rắc, I-ran,...

- Hiện trạng: Do mức độ khai thác quá lớn gắn với sự phát triển của ngành giao thông vận tải, công nghiệp hoá chất, đặc biệt là hoá dầu đã dẫn tới sự cạn kiệt nguồn tài nguyên này.

- Ưu điểm: Dầu khí có khả năng sinh nhiệt cao (cao hơn than), dễ vận chuyển và sử dụng, nhiên liệu cháy hoàn toàn và không tạo thành tro.

- Nhược điểm: Quá trình khai thác, vận chuyển và sử dụng dầu mỏ gây ô nhiễm môi trường nước, biển, không khí,...

Bản đồ phân bố công nghiệp khai thác dầu mỏ

II. Công nghiệp điện lực

- Vai trò:

+ Điện là cơ sở để phát triển nền công nghiệp hiện đại, động lực quan trọng của sản xuất cơ khí hoá, tự động hoá.

+ Nền tảng cho mọi sự tiến bộ kĩ thuật trong công nghiệp và các ngành kinh tế khác.

+ Đáp ứng nhu cầu đời sống văn hoá, văn minh của con người.

- Đặc điểm:

+ Sản lượng điện bình quân đầu người là một trong những tiêu chí quan trọng để đo trình độ phát triển và văn minh của các nước.

+ Điện được sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau như: nhiệt điện (dầu mỏ, than đá, khí đốt), thuỷ điện, điện nguyên tử và các nguồn năng lượng tái tạo).

+ Các nhà máy điện yêu cầu khác nhau về vốn, thời gian xây dựng, lao động, giá thành.

+ Cơ cấu sản xuất điện năng ở các nước phụ thuộc vào nguồn sản xuất điện.

- Phân loại:

+ Công nghiệp điện lực: Phát triển rất nhanh do nhu cầu của nền kinh tế và mức sống ngày càng cao của dân cư. Sản xuất điện tập trung chủ yếu ở các nước phát triển và các nước công nghiệp hoá.

+ Nhiệt điện chạy bằng than: Gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất, tạo ra mưa a-xit và hiện tượng nóng lên toàn cầu.

+ Điện nguyên tử: Những sự cố xảy ra làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và sức khoẻ con người.

- Định hướng: Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm được năng lượng hoá thạch ngày càng phổ biến.

Bản đồ phân bố sản xuất và sản lượng điện bình quân đầu người

III. Công nghiệp khai thác quặng kim loại

- Vai trò:

+ Quặng kim loại có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội loài người.

+ Quặng kim loại là nguyên liệu không thể thay thế được của một số ngành công nghiệp.

- Đặc điểm:

+ Quặng kim loại rất đa dạng. Các nước tập trung chủ yếu vào khai thác quặng kim loại đen và kim loại màu.

+ Quặng kim loại đen có trữ lượng lớn nhất, trong đó quặng sắt chiếm trên 90%.

+ Các quặng kim loại màu trong tự nhiên thường tồn tại dưới dạng đa kim, trữ lượng ít.

+ Việc khai thác khó khăn, tiêu hao nhiều năng lượng và đòi hỏi trình độ kĩ thuật cao.

Khai thác quặng sắt
Khai thác quặng sắt

- Phân bố:

+ Sự phân bố của ngành công nghiệp khai thác quặng kim loại rất khác nhau.

+ Các nước khai thác quặng kim loại đen nhiều là những nước có trữ lượng lớn như: Liên bang Nga, U-crai-na, Trung Quốc, Bra-xin, Ô-xtrây-lia, Ấn Độ, Hoa Kỳ,...

+ Khai thác quặng kim loại màu tập trung ở các nước đang phát triển như: quặng đồng ở Chi-lê, Mê-hi-cô, Dăm-bi-a, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a, quặng bô-xit ở Ghi-nê,...

- Tác động: Khai thác quặng kim loại làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tác động đến nguồn nước mặt và nước ngầm.

- Định hướng: Việc sản xuất các vật liệu thay thế, sử dụng lại các phế liệu là biện pháp nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

IV. Công nghiệp điện tử - tin học

- Vai trò:

+ Giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống sản xuất công nghiệp hiện đại.

+ Góp phần làm cho nền kinh tế thế giới chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức.

+ Là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kĩ thuật của các nước trên thế giới.

- Đặc điểm:

+ Không cần diện tích rộng, không tiêu thụ nhiều kim loại, điện và nước,

+ Đòi hỏi lực lượng lao động trẻ, có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao, cơ sở hạ tầng kĩ thuật phát triển, vốn đầu tư nhiều.

- Sản phẩm: Sản phẩm của ngành này rất phong phú và đa dạng như: máy tính, thiết bị điện tử, điện tử dân dụng, thiết bị viễn thông,...

Công nghiệp điện tử - tin học
Công nghiệp điện tử - tin học

- Phân bố

+ Tập trung phần lớn ở các nước phát triển và các nước công nghiệp hoá như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bra-xin,...

+ Nhiều nước đang phát triển đẩy mạnh sản xuất một số sản phẩm phục vụ nền kinh tế và xuất khẩu (thiết bị bưu chính viễn thông, linh kiện điện tử,...).

- Tác động: Tạo thêm gánh nặng cho môi trường trong việc xử lý rác thải chứa các tạp chất, hoá chất độc hại.

V. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng

- Vai trò:

+ Ngành dùng không thể thiếu trong cơ cấu ngành công nghiệp của mỗi quốc gia.

+ Tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, huy động sức mạnh của các thành phần kinh tế.

+ Tạo ra được nhiều loại hàng hoá thông dụng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.

- Đặc điểm:

+ Sử dụng ít nhiên liệu, điện năng và chi phí vận tải.

+ Vốn đầu tư không nhiều, sử dụng nhiều lao động.

+ Phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ và nguồn nguyên liệu.

Công nghiệp sản xuất giấy
Công nghiệp sản xuất giấy

- Cơ cấu: Bao gồm nhiều ngành khác nhau như dệt - may, da - giày, sản xuất sản phẩm từ gỗ, sản xuất giấy,...

- Phân bố:

+ Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phân bố rộng khắp thế giới.

+ Những nước phát triển mạnh là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc,...

- Tác động:

+ Sự phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có tác động tới môi trường.

+ Nước thải từ hóa chất dệt nhuộm, giặt khô gây ô nhiễm nguồn nước, rác thải nhựa không được xử lí gây ô nhiễm môi trường đất, nước,…

VI. Công nghiệp thực phẩm

Công nghiệp sản xuất thực phẩm
Công nghiệp sản xuất thực phẩm

- Vai trò:

+ Đáp ứng nhu cầu hằng ngày về ăn, uống của con người.

+ Góp phần làm tăng thêm chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp.

+ Tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu, tích luỹ vốn, giải quyết việc làm.

+ Góp phần giải phóng công việc nội trợ cho phụ nữ.

+ Vai trò chủ đạo trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp ở nhiều nước.

- Đặc điểm:

+ Đòi hỏi vốn đầu tư ít, quy trình sản xuất không phức tạp.

+ Sản phẩm rất phong phú và đa dạng (bánh kẹo, rượu bia, thịt cá hộp, sữa,…).

+ Nguyên liệu chủ yếu là các sản phẩm từ nông nghiệp và thuỷ sản.

- Phân bố:

+ Phân bố tương đối linh hoạt và có mặt ở mọi quốc gia.

+ Các nước phát triển thường tiêu thụ rất nhiều thực phẩm chế biến.

- Tác động:

+ Việc phát triển công nghiệp thực phẩm gây tác động đến nguồn nước.

+ Tạo ra lượng rác thải lớn, đòi hỏi phải có hệ thống xử lí.

VII. Định hướng phát triển công nghiệp

- Tiếp tục giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến.

- Phát triển các ngành công nghiệp gắn với khoa học công nghệ có hàm lượng kĩ thuật cao, ít gây ô nhiễm môi trường.

- Đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

- Tăng trưởng xanh theo hướng sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và nguyên liệu, giảm phát thải chất thải.

Xây dựng các khu công nghiệp xanh
Xây dựng các khu công nghiệp xanh