Bài 18: Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

Nội dung lý thuyết

1. Một số quy định cơ bản của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

loading...

- Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú.

- Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

- Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở:

+ Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi tự ý xâm phạm trái phép chỗ ở của công dân.

+ Các cơ quan chức năng chỉ được khám xét chỗ ở của công dân trong trường hợp được pháp luật cho phép và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Khi khám xét phải tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Chủ cho thuê nhà trọ gọi điện thông báo cho người thuê trọ trước khi dùng chìa khoá dự phòng mở cửa phòng trọ để sửa chữa đường ống nước.

2. Hậu quả của hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

loading...

Hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân gây nên nhiều hậu quả tiêu cực.

- Đối với xã hội:

+ Gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

+ Xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước.

+ Gây ảnh hưởng xấu đến uy tin của cơ quan nhà nước...

- Đối với cá nhân:

+ Khiến công dân mất chỗ ở.

+ Ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công dân và gia đình.

+ Gây thiệt hại về tinh thần, sức khỏe, tính mạng, kinh tế, danh dự của công dân...

Người vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị:

- Xử lý kỷ luật.

+ Xử lý hành chính.

+ Xử lý hình sự.

+ Phải bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Hành vi lẻn vào nhà người khác để trộm cắp sẽ gây nên những tổn thất về kinh tế cho người bị xâm phạm chỗ ở, người trộm cắp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của học sinh trong việc thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

loading...

- Học sinh không được tự ý vào chỗ ở của người khác khi chưa được sự đồng ý.

- Cần tích cực học tập, tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân.

- Có ý thức tôn trọng chỗ ở của người khác.

- Tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

- Đấu tranh, phê phán, tố cáo các hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

- Tham gia tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở đến mọi người xung quanh...