Bài 17 : Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ sau ngày 02-09-1945 đến trước ngày 19-12-1946

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA TỪ SAU NGÀY 2/9/1945 ĐẾN TRƯỚC NGÀY 19/12/1946

I. Tình hình nước ta sau cách mạng tháng Tám năm 1945

1. Thuận lợi

- Có chính quyền cách mạng của nhân dân. 

- Nhân dân làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm bảo vệ chế độ mới.

- Có sự lãnh đạo sáng suốt, dày dạn kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Đông Dương và Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

- Phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh. 

 2. Khó khăn

a. Về đối nội

Ngay sau khi giành được độc lập, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa phải đối mặt với muôn vàn khó khăn:

*Chính trị: Chính quyền cách mạng vừa mới thành lập, chưa được củng cố, lực lượng vũ trang còn yếu, trang bị thô sơ, thiếu kinh nghiệm chiến đấu

* Kinh tế

- Hậu quả nạn đói năm 1945 vẫn chưa khắc phục nổi. Đê vỡ do lũ lụt đến tháng 8/1945 vẫn chưa khôi phục, hạn hán làm cho 50% diện tích đất không thể cày cấy.

Nạn đói ở Thái Bình
Nạn đói ở Thái Bình

- Công thương nghiệp đình đốn, giá cả sinh hoạt đắt đỏ. 

-  Nạn đói mới có nguy cơ xảy ra trong năm 1946.

* Tài chính

 - Ngân sách quốc gia trống rỗng: Còn 1,2 triệu đồng, trong đó có đến một nửa là tiền rách không dùng được.

- Hệ thống ngân hàng vẫn còn bị Nhật kiểm soát.

- Quân Tưởng đưa vào lưu hành đồng “Quốc tệ”, “Quan kim” làm rối loạn nền tài chính nước ta.

* Xã hội: các tệ nạn xã hội với tàn dư văn hóa do chế độ thực dân, phong kiến để lại, hơn 90% dân ta không biết chữ.

b. Về đối ngoại

* Miền Bắc (từ vĩ tuyến 16 trở ra)

+ 20 vạn quân Tưởng và các đảng phái tay sai của chúng như: Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng chí hội (Việt Cách) tràn vào nước ta với mưu đồ tiêu diệt Đảng Cộng Sản Đông Dương, lập nên chính quyền tay sai của chúng.

* Miền Nam (từ vĩ tuyến 16 trở vào)

+ Quân đội Anh đã dọn đường cho thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam.

+ Các lực lượng phản động thân Pháp như Đảng Đại Việt, một số giáo phái...hoạt động trở lại và chống phá cách mạng.

+ Ngoài ra, còn có 6 vạn quân Nhật trên khắp đất nước.

+ Những khó khăn về đối nội và đối ngoại trên là một thách thức quá lớn đối với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang còn non trẻ lúc bấy giờ. 

=> Việt Nam lúc này như đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”

II. Bước đầu xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng

1. Xây dựng chính quyền cách mạng 

a. Về chính trị 

- Ngày 6/1/1946, hơn 90% cử tri trong cả nước đi bỏ phiếu bầu Quốc hội. 

Cử tri đi bỏ phiếu bầu Quốc hội
Cử tri đi bỏ phiếu bầu Quốc hội

- Ngày 2/3/1946, Quốc hội thông qua danh sách “Chính phủ liên hiệp kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, lập ra Ban dự thào Hiến pháp.

- Ngày 9/11/1946, Ban hành Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 

- Các địa phương thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ bầu cử hội đồng nhân dân các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu  

b. Quân sự  

- Lực lượng vũ trang được xây dựng. 

- Việt Nam giải phóng quân đổi thành Vệ quốc đoàn (9/1945), rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (22/ 5/1946). Cuối năm 1945, lực lượng dân quân tự vệ tăng lên hàng chục vạn người. 

2. Giải quyết nạn đói 

a. Biện pháp tạm thời

- Hồ Chủ tịch kêu gọi “nhường cơm sẻ áo”, lập “ Hũ gạo cứu đói”, tổ chức “Ngày đồng tâm”.

- Quyên góp, điều hòa thóc gạo giữa các địa phương trong cả nước, nghiêm trị những kẻ đầu cơ tích trữ, không dùng gạo, ngô, khoai, sắn để nấu rượu.

Nhân dân Nam Bộ quyên góp gạo giúp đồng bào bị đói ở Bắc Bộ (10/1945)
Nhân dân Nam Bộ quyên góp gạo giúp đồng bào bị đói ở Bắc Bộ (10/1945)

b. Biện pháp lâu dài

- Tăng gia sản xuất “Tấc đất tấc vàng”, “ Không một tấc đất bỏ hoang”. 

- Bỏ thuế thân và các thứ thuế vô lý. 

- Giảm tô, thuế ruộng đất 25 %, chia lại ruộng đất công. 

=> Sản xuất nông nghiệp nhanh chóng được phục hồi, nạn đói bị đẩy lùi một bước.

3. Giải quyết nạn dốt  

+ Hơn 90% dân số không biết chữ.

+ Các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc...tràn lan.

- Ngày 8/9/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh lập Nha Bình dân học vụ, kêu gọi nhân dân xóa nạn mù chữ.  Đến ngày 8/9/1946, trên toàn quốc gần 76 nghìn lớp học, xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người . 

Lớp học Bình dân học vụ
Lớp học Bình dân học vụ

- Trường học các cấp phổ thông và đại học sớm khai giảng, nội dung và phương pháp giáo dục được đổi  mới theo tinh thần dân tộc dân chủ.

4. Giải quyết khó khăn về tài chính 

- Kêu gọi tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân cả nước qua “Quỹ  độc lập” và “Tuần lễ vàng”, thu được 370 kg vàng, 20 triệu đồng vào “Quỹ độc lập”, 40 triệu đồng vào “Quỹ đảm phụ quốc phòng”. 

- Ngày 23/11/1946, Quốc hội quyết định cho lưu hành tiền Việt Nam trong các nước, thay cho tiền Đông Dương của Pháp trước đây. 

Tiền giấy năm 1946
Tiền giấy năm 1946

 

III. Đấu tranh chống ngoại xâm và nội phản, bảo vệ chính quyền cách mạng

1. Kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược ở miền Nam  

- Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, Pháp đã có những hành động vi phạm trắng trợn độc lập, chủ quyền của dân tộc:

+ Ngày 2/9/1945, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn tổ chức mít tinh chào mừng “ngày độc lập”, Pháp xả súng vào đám đông là nhiều người chết và bị thương.

- Đêm 22 rạng sáng 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, chính thức xâm lược nước ta lần thứ hai . 

- Quân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược, bao vây Pháp trong thành phố.  Nhưng từ 5/10/1945, khi được tăng viện trợ, Pháp phá vòng vây Sài Gòn – Chợ Lớn, mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Quân và dân Nam Bộ với gậy tầm vông đứng lên chiến đấu khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, tháng 9-1945.
Quân và dân Nam Bộ với gậy tầm vông đứng lên chiến đấu
khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, tháng 9-1945
.

- Trước tình hình đó, Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch lãnh đạo cả nước chi viện cho Nam Bộ và Nam Trung bộ kháng chiến: huy động các “đoàn quân Nam tiến” sát cánh cùng nhân dân Nam Trung Bộ chiến đấu; tổ chức quyên góp giúp nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ kháng chiến.

Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ, ngày 1/10/1945.
Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam
chi viện cho mặt trận Nam Bộ, ngày 1/10/1945.

* Tác dụng và ý nghĩa : Quân Pháp bị chặn đứng ở nhiều nơi, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian củng cố nền độc lập dân tộc mới giành lại được và chuẩn bị tổ chức kháng chiến lâu dài.

2. Đấu tranh với Trung Hoa Dân Quốc và bọn phản cách mạng ở miền Bắc 

- Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch chủ trương “tạm thời hòa hoãn, tránh xung đột” với quân Trung Hoa Dân Quốc để tránh một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, nhằm tập hợp lực lượng để đánh Pháp ở miền Nam.

- Do vậy, chúng ta nhân nhượng một số chính sách về kinh tế, chính trị cho quân Trung Hoa Dân Quốc.

+ Cho tay sai của quân Tưởng 70 ghế trong Quốc hội cùng 4 ghế Bộ trưởng trong Chính phủ liên hiệp, cho Nguyễn Hải Thần (lãnh tụ Việt Cách) giữ chức Phó Chủ tịch nước.

+ Kinh tế: cung cấp một phần lương thực thực phẩm, phương tiện giao thông vận tải, nhận tiêu tiền Trung Quốc. 

- Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự giải tán” (11/11/1945), nhưng thật ra là tạm thời rút vào hoạt động “bí mật” tiếp tục lãnh đạo đất nước, lãnh đạo chính quyền cách mạng..

- Đối với các tổ chức phản cách mạng, tay sai: ta kiên quyết vạch trần âm mưu và hành động chia rẽ, phá hoại của chúng, ban hành một số sắc lệnh trấn áp bọn phản cách mạng. 

=> Ý nghĩa: hạn chế mức thấp nhất các hoạt động chống phá của Trung Hoa Quốc dân đảng và tay sai, làm thất bại âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của chúng. 

3. Hòa hoãn với Pháp nhằm đẩy quân Trung Hoa Dân quốc ra khỏi nước ta 

a. Nguyên nhân việc ta hòa hoãn với Pháp (Hoàn cảnh ký kết Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp (06 /03/1946)

- Ngày 28/2/1946, Pháp và Trung Hoa Quốc dân đảng ký Hiệp ước Hoa – Pháp, theo đó Pháp nhượng một số quyền lợi kinh tế, chính trị cho Trung Hoa để thay quân Trung Hoa Dân quốc giải giáp quân Nhật ở Bắc Kỳ. 

- Hiệp ước Hoa – Pháp đã đặt nhân dân ta trước sự lựa chọn: hoặc cầm súng chiến đấu chống thực dân Pháp, hoặc hòa hoãn, nhân nhượng Pháp để tránh tình trạng phải đối phó một lúc với nhiều kẻ thù. 

- Đảng quyết định chọn con đường hòa hoãn với Pháp, ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ ngày 06-3-1946 với đại diện Pháp Sainteny. Ông Hoàng Minh Giám đọc bản hiệp định
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ ngày 06-3-1946 với đại diện Pháp Sainteny.
Ông Hoàng Minh Giám đọc bản hiệp định

b. Nội dung Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946

- Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam là quốc gia tự do, có Chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng và là thành viên của Liên bang Đông Dương trong khối Liên hiệp Pháp . 

- Chính phủ Việt Nam thỏa thuận cho 15.000 quân Pháp giải giáp quân Nhật ở miền Bắc

- Hai bên ngừng xung đột ở miền Nam, tạo thuận lợi đi đến đàm phán chính thức . 

c. Ý nghĩa Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946

- Ta tránh được việc phải đương đầu cùng lúc với nhiều kẻ thù, đẩy được 20 vạn quân Trung Hoa Quốc dân đảng và tay sai ra khỏi nước ta. 

- Có thêm thời gian hòa bình để củng cố, chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài chống Pháp. 

d. Tạm ước Việt – Pháp ngày 14 /9/1946 

- Sau hiệp định Sơ bộ, Pháp tăng cường các hoạt động khiêu khích, chống phá ta, quan hệ Việt – Pháp căng thẳng, có nguy cơ xảy ra chiến tranh.

- Hồ Chủ tịch ký với Pháp Tạm ước 14/9/1946, nhân nhượng cho Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hóa, tạo điều kiện cho ta có thêm thời gian xây dựng, củng cố lực lượng, chuẩn bị vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp lâu dài.

* Ý nghĩa của những biện pháp trên đối với cuộc kháng chiến chống Pháp

- Đề ra chủ chủ trương sáng suốt, tài tình (cứng rắn về nguyên tắt, mềm dẻo về phương pháp, biết lợi dụng mâu thuẫn kẻ thù, không cho chúng tập trung lực lượng chống ta…) đưa nước ta vượt qua mọi khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

- Xây dựng và củng cố được chính quyền cách mạng từ trung ương đến địa phương – lực lượng chỉ đạo kháng chiến sau này.

- Xây dựng và củng cố được lực lượng kháng chiến (vệ quốc đoàn, dân quân, tự vệ).

 - Xây dựng được cơ sở kinh tế - xã hội phục vụ kháng chiến.

- Thắt chặt hơn nữa khối đoàn kết – kiến quốc.

- Củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng.

* Bài học kinh nghiệm được rút ra từ cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền thời kì từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946

+ Bài học về việc biết dựa vào sức mạnh quần chúng nhân dân, biết phát huy cao độ sức mạnh sáng tạo của quần chúng nhân dân.

+ Bài học về việc biết lợi dụng và khai thác triệt để mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, xác định đúng kẻ thù chủ yếu, trước mắt, cô lập và tập trung lực lượng đánh đúng kẻ thù.

+ Bài học về việc biết tranh thủ khả năng hoà bình và phương pháp đàm phán thương lượng để giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng, đồng thời phải luôn chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với khả năng chiến tranh lan rộng, quyết liệt và kéo dài.

+ Bài học về việc kết hợp giữa nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, xây dựng đi đôi với bảo vệ tổ quốc.


Danh sách các phiên bản khác của bài học này. Xem hướng dẫn
Komorebi đã đóng góp một phiên bản khác cho bài học này (12 tháng 2 2022 lúc 18:05) 0 lượt thích