Nội dung lý thuyết
Nhiên liệu là những chất cháy được và khi cháy tỏa nhiều nhiệt. Đó là gỗ, than, dầu mỏ, xăng,... Nhiệt tỏa ra khi đốt cháy nhiên liệu được sử dụng để sưởi ấm, nấu ăn, chạy động cơ và phát điện.
Nhiên liệu có thể tồn tại ở thể rắn (than đá, gỗ,...), thể lỏng (xăng, dầu hỏa,...), thể khí (các loại khí đốt). Hầu hết các loại nhiên liệu nhẹ hơn nước (trừ than đá) và không tan trong nước (trừ cồn).
Than đá
Than đá, dầu mỏ và khí thiên nhiên được tạo thành cách đây hàng triệu năm do sự phân hủy của các thảm thực vật ở điều kiện không có oxygen. Ở nước ta, than đá tập trung nhiều nhất ở tỉnh Quảng Ninh (Cửa Ông, Vàng Danh,...). Than đá chứa nhiều tạp chất nên khi đốt cháy sinh ra nhiều chất độc hại, do đó được khuyến cáo là loại nhiên liệu gây ô nhiễm nhất trong các nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Dầu mỏ và khí thiên nhiên thường tồn tại cùng nhau trong mỏ dầu. Ở Việt Nam, các mỏ dầu có trữ lượng lớn được phát hiện ở biển Đông (Bạch Hổ, Lan Tây,…). Khi chưng cất dầu thô ta thu được các nhiên liệu là dầu hỏa, xăng và khí đốt.
Sơ đồ chưng cất dầu thô
Tất cả các hoạt động của chúng ta, từ sinh hoạt hằng ngày đến lao động sản xuất hay vui chơi giải trí, đều cần đến năng lượng. Do đó, mỗi quốc gia đều phải có chương trình đảm bảo đủ năng lượng cho mọi hoạt động.
Các nguồn năng lượng thông thường là than đá, dầu mỏ và khí thiên nhiên (nhiên liệu hóa thạch), phải mất hàng triệu năm để hình thành (không tái tạo), do đó sẽ cạn kiệt cần.
Để thay thế nguồn năng lượng không tái tạo, người ta đã nghiên cứu các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, địa nhiệt, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học,…
1. Nhiên liệu là những chất cháy được và tỏa nhiều nhiệt. Một số nhiên liệu thường dùng là gỗ, than đá (rắn); dầu hỏa, xăng (lỏng); khí thiên nhiên…
2. Nhiên liệu hóa thạch có hạn và dần cạn kiệt, cần sử dụng tiết kiệm và tìm các nguồn năng lượng thay thế khác.
3. Hiểu biết về tính chất của các nhiên liệu giúp em biết sử dụng nhiên liệu an toàn và biết dập tắt các đám cháy nhiên liệu.