Bài 13. Lực ma sát

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

 LỰC MA SÁT

I. Lực ma sát trượt

Khi một vật trượt trên một bề mặt, thì bề mặt tác dụng lên vật (tại chỗ tiếp xúc) một lực ma sát trượt cản trở chuyển động của vật trượt trên mặt đó.

1. Cách xác định độ lớn của ma sát trượt

Móc lực kế vào vật rồi kéo theo phương ngang cho vật trượt gần như thẳng đều. Khi đó, lực kế chỉ độ lớn của lực ma sát trượt tác dụng vào vật.

2. Đặc điểm của độ lớn của ma sát trượt

  •  Không phụ thuộc vào diện tích tiếp xúc và tốc độ của vật.
  • Tỉ lệ với độ lớn của áp lực.
  • Phụ thuộc vào vật liệu và tình trạng của hai mặt tiếp xc.

3. Hệ số ma sát trượt

  \({{\mu }_{t}}=\dfrac{{{F}_{mst}}}{N}\)  

Trong đó \(N\) là áp lực lên mặt tiếp xúc

Hệ số ma sát trượt phụ thuộc vào vật liệu và tình trạng của hai mặt tiếp xúc.

4. Công thức của lực ma sát trượt: \(F_{mst} = \mu _t.N \)

II. Lực ma sát lăn

Lực ma sát lăn xuất hiện khi một vật lăn trên một vật khác, để cản lại chuyển động lăn của vật.

Lực ma sát lăn thường rất nhỏ so với lực ma sát trượt.

III. Lực ma sát nghỉ

1. Thế nào là lực ma sát nghỉ

Khi tác dụng vào vật một lực song song với mặt tiếp xúc nhưng vật chưa chuyển động thì mặt tiếp xúc đó tác dụng vào vật một lực ma sát nghỉ cân bằng với ngoại lực.

2. Những đặc điểm của lực ma sát nghỉ

  • Lực ma sát nghĩ có hướng ngược với hướng của lực tác dụng song song với mặt tiếp xúc, có độ lớn bằng độ lớn của lực tác dụng, khi vật còn chưa chuyển động.
  • Ma sát nghĩ có một giá trị cực đại đúng bằng ngoại lực tác dụng song song với mặt tiếp xúc khi vật bắt đầu trượt.
  • Khi vật trượt, lực ma sát trượt nhỏ hơn ma sát nghĩ cực đại.