Bài 12 : Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1925

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

 PHONG TRÀO DÂN TỘC DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM TỪ 1919 ĐẾN 1925

I. Những chuyển biến mới về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất

1. Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp

* Hoàn cảnh lịch sử

- Các nước đế quốc thắng trận đã cùng nhau phân chia lại thế giới, thiết lập một trật tự hòa bình, an ninh mới.

- Hậu quả của chiến tranh, khủng hoảng kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga (Tháng 11 – 1917)

- Giai cấp công nhân các nước đã thành lập những tổ chức riêng của mình. Các Đảng cộng sản ở các nước tư bản chủ nghĩa, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa lần lượt ra đời.

- Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ ba) được thành lập ở Mát-xcơ-va (3/1919) đảm nhận sứ mệnh tập hợp lãnh đạo phong trào cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước trên thế giới.

=> Các điều kiện khách quan đó của thế giới đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.

* Nguyên nhân:

- Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm cho nền kinh tế của Pháp bị tổn thất nặng nề.

- Đề hàn gắn và khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, nhà cầm quyền Pháp vừa tìm cách thúc đẩy sản xuất trong nước, vừa tăng cường đầu tư khai thác thuộc địa, trước hết là các nước ở Đông Dương.

* Nội dung khai thác

- Trong cuộc khai thác lần này Pháp tăng cường đầu tư với tốc độ nhanh, quy mô lớn : vốn đầu tư tăng (1924 – 1929) lên 4 tỉ Phrăng.
- Trong nông nghiệp: thu hút vốn nhiều nhất chủ yếu đầu tư vào đồn điền cao su, cà phê. 
Đồn điền Cao su
Đồn điền Cao su


- Trong công nghiệp: coi trọng việc khai thác mỏ (mỏ than), ngoài ra mở mang một số ngành chế biến muối, xay xát, dệt...

- Thương nghiệp: có bước phát triển mới, nhưng do Pháp nắm độc quyền, nhất là ngoại thương.

- Giao thông vận tải: Pháp rất chú trọng vào phát triển giao thông đường sắt, đường bộ để phục vụ vận chuyển hàng hóa.

- Tài chính: Pháp còn tăng thuế để tăng ngân sách Đông Dương. Lập ra Ngân hàng Đông Dương, nắm trọn quyền chỉ huy kinh tế Đông Dương, phát hành giấy bạc và cho vay lãi. 

* Nhận xét:

- Pháp hạn chế phát triển công nghiệp nặng.

- Những chính sách chỉ nhằm khai thác, bóc lột, phục vụ cho lợi ích tư bản Pháp (chính sách thực dân), kìm hãm sự phát triển kinh tế Việt Nam.

2. Chính sách về chính trị, văn hóa, giáo dục của thực dân Pháp

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, chính sách thống trị của Pháp về chính trị, văn hóa, giáo dục cơ bản không khác trước. Chúng nắm hết mọi quyền hành, tiến hành khủng bố, đàn áp phong trào yêu nước, kìm hãm nhân dân ta trong sự dốt nát, lạc hậu. Tuy nhiên, thực dân Pháp cũng có một số cải cách nhằm xoa dịu phong trào đấu tranh của nhân dân ta.

* Chính trị

- Pháp thực hiện chính sách chuyên chế, mọi quyền hành đều nằm trong tay thực dân Pháp và bọn tay sai trung thành của chúng. Bộ máy đàn áp, cảnh sát, mật thám, nhà tù vẫn tiếp tục được củng cố và hoạt động ráo riết. Một số tổ chức chính trị, an ninh, kinh tế được thành lập.

- Thực dân Pháp thi hành một vài cải cách chính trị - hành chính để đối phó với những biến động đang diễn ra ở Đông Dương, như mở rộng các công sở cho người Việt, tăng thêm số người Việt trong các phòng thương mại và canh nông ở các thành phố lớn, lập Viện dân biểu Trung Kì (2/1926), Viện dân biểu Bắc Kì (4-1926)… Ở làng xã, chúng thông qua bộ phận cầm đầu ở hương thôn để nắm sâu xuống các địa phương.

* Về văn hóa, giáo dục

- Hệ thống giáo dục được mở rộng gồm các cấp tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học. Mô hình giáo dục có tính hiện đại đang hình thành ở Đông Dương.

- Cơ sở xuất bản, in ấn, xuất hiện ngày càng nhiều với hàng chục tờ báo, tạp chí chữ Pháp và chữ Quốc ngữ.

- Nhà cầm quyền Pháp sử dụng báo chí, văn hóa… để phục vụ công cuộc khai thác và thống trị của chúng.

- Các trào lưu tư tưởng, khoa học – kĩ thuật phương Tây có điều kiện tràn vào Việt Nam. Các yếu tố văn hóa truyền thống, văn hóa mới tiến bộ và ngoại lai nô dịch cùng tồn tại, đan xen, đấu tranh với nhau.

3. Những chuyển biến mới về kinh tế và giai cấp ở Việt Nam

* Kinh tế:

- Qua cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, nèn kinh tế của tư bản thực dân Pháp tiếp tục được mở rộng, song vẫn duy trì và bao trùm lên là nền kinh tế phong kiến Việt Nam.

- Cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn mất cân đối. Sự chuyển biến ít nhiều về kinh tế có tính chất cục bộ. Ở một số vùng vẫn còn trong tình trạng nghèo nàn lạc hậu.

- Kinh tế Đông Dương bị cột chặt vào nền kinh tế Pháp và Đông Dương vẫn là thị trường độc chiếm của tư bản Pháp.

* Xã hội: 

- Do tác động của chính sách khai thác thuộc địa trên quy mô lớn và chính sách thống trị của thực dân Pháp, cơ cấu giai cấp xã hội ở Việt Nam có những chuyển biến mới:

+  Giai cấp địa chủ bị phân hóa thành ba bộ phận: tiểu địa chủ, trung địa chủ và đại địa chủ. Trong đó, một số ít trung và tiểu địa chủ có tinh thần dân tộc.

+ Giai cấp nông dân bị thống trị, tước đoạt ruộng đất, bần cùng hóa, không có lối thoát. Mâu thuẫn giữa nông dân (lực lượng lớn trong xã hội) – với đế quốc Pháp và tay sai hết sức gay gắt. Đây là cơ sở của sự bùng nổ các cuộc đấu tranh của nông dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

+ Giai cấp tiểu tư sản thành thị (những người buôn bán nhỏ, chủ xưởng nhỏ, học sinh, sinh viên…) có sự phát triển nhảy vọt về số lượng. Có tinh thần dân tộc, chống thực dân Pháp và tay sai, đặc biệt là sinh viên, trí thức hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc.

+ Giai cấp tư sản: ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã đi vào con đường phát triển kinh tế tư bản dân tộc, nhưng không có vị trí trong xã hội. Tư sản dân tộc có khuynh hướng dân tộc và dân chủ. Họ là lực lượng đóng vai trò đáng kể, một thành phần trong mặt trận đoàn kết dân tộc.

+ Giai cấp công nhân: ngày càng đông đảo. Bị ba tầng áp bức (đế quốc, tư sản bản xứ, phong kiến), có quan hệ mật thiết với giai cấp công nhân, có truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc, sớm chịu ảnh hưởng của trào lưu cách mạng vô sản trên thế giới nên đã nhanh chóng vươn lên để trở thành một động lực mạnh mẽ của phong trào dân tộc theo khuynh hướng cách mạng tiên tiến của thời đại.

Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến những năm đầu của thế kỉ XX, nước ta đã diễn ra những biến đổi quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và giai cấp. Mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc, chủ yếu là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và tay sai phản động. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc và tay sai diễn ra ngày càng gay gắt.

II. Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ 1919 - 1925

1. Hoạt động của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và một số người Việt Nam ở nước ngoài

* Phan Bội Châu

- Cách mạng tháng Mười Nga làm thay đổi quan điểm cách mạng của Phan Bội Châu => Từ đó ông chuyển sang nghiên cứu, tìm hiểu cách mạng tháng Mười.

- Tháng 6/1925, Phan Bội Châu bị bắt (tại Trung Quốc) rồi bị kết án và cuối cùng đưa về an trí tại Huế.

Phan Bội Châu
Phan Bội Châu


* Phan Châu Trinh

- Tiếp tục các hoạt động cách mạng yêu nước tại Pháp.

- Năm 1925 về nước tiếp tục hoạt động theo đường lối cũ.

Phan Châu Trinh
Phan Châu Trinh


* Người Việt Nam yêu nước tại nước ngoài.

- Tại Pháp: nổi bật nhất là những hoạt động cách mạng theo khuynh hướng vô sản của Nguyễn Ái Quốc, ngoài ra còn có hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường,...tham gia chuyển tài liệu, sách báo tiến bộ về nước, góp phần thức tỉnh nhân dân.

- Tại Trung Quốc: nhóm thanh niên yêu nước: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Công Viễn thành lập Tâm Tâm xã (1924). Ngày 19/6/1924, tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái gây tiếng vang lớn nhưng cuối cùng thất bại. Hành động của Phạm Hồng Thái là "Chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân"

2. Hoạt động của tư sản dân tộc, tiểu tư sản và công nhân Việt Nam

* Tư sản dân tộc

- Sau chiến tranh tư sản Việt Nam mở cuộc vận động tẩy chay hàng ngoại dùng hàng nội.

- Năm 1923, địa chủ, tư sản đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn và xuất khẩu gạo ở Nam Kì của tư bản Pháp.

- Năm 1923, tư sản và địa chủ Nam Kì còn thành lập Đảng Lập hiến (1923), đưa ra khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ. Khi Pháp nhượng bộ, họ ngừng đấu tranh.

* Tiểu tư sản, Trí thức: 

- Do cuộc sống bị chèn ép và bị thực dân Pháp khinh rẻ nên tiểu tư sản, trí thức Việt Nam tham gia đấu tranh rất sôi nổi. Họ thành lập tổ chức chính trị như: Việt Nam Nghĩa đoàn, Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên… Hoạt động với nhiều hình thức phong phú, sôi nổi: mít tinh, biểu tình, bãi khóa … lập nhà xuất bản, ra sách báo tiến bộ.

- Tiêu biểu nhất có cuộc đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925) và để tang Phan Châu Trinh (1926).

* Công nhân: 

- Những năm đầu, công nhân Việt Nam đấu tranh lẻ tẻ, mang tính tự phát. Năm 1920, công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã thành lập Công hội do Tôn Đức Thắng đứng đầu.

- Tháng 8/1925: Công nhân xưởng đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) bãi công, ngăn cản thực dân Pháp đưa binh lính người Việt sang đàn áp cách mạng Trung Quốc. Công nhân cũng đòi tăng lương 20%. Kết quả, thực dân Pháp phải nhượng bộ, tăng lương 10%. Thắng lợi của cuộc bãi công Ba Son đã đánh dấu một bước tiến mới của phong trào công nhân nước ta, từ đây công nhân Việt Nam bắt đầu chuyển sang đấu tranh tự giác.

Công nhân Ba Son - Tranh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
Công nhân Ba Son - Tranh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông

2. Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc

- Ngày 05/06/1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

- Sau bao năm bôn ba tại nước ngoài, đến cuối năm 1917, Nguyễn Ái Quốc trở lại Pháp, gia nhập Đảng Xã hội Pháp (1919), là đảng tiến bộ ở Pháp lúc bấy giờ.

- Ngày 18/6/1919, Người gửi tới Hội nghị Vecxai Bản yêu sách của nhân dân An Nam, đòi các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng cho nhân dân Việt Nam.

Bản Yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Vecxai
Bản Yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Vecxai


- Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc bản Luận cương Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, từ đó Người quyết định lựa chọn con đường cứu nước đi theo khuynh hướng cách mạng vô sản.

- Tháng 12/1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp, Người đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp


- Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng với một số người yêu nước khác, thành lập hội Liên hiệp các thuộc địa ở Pari để tuyên truyền, tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc. Nguyễn Ái Quốc cũng tham gia sáng lập  ra báo Người cùng khổ làm cơ quan ngôn luận của hội, viết bài cho các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, đặc biệt viết cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp. Sách báo này đều được bí mật đưa về nước.

- Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô dự Đại hội Quốc tế Nông dân (10/1923) và dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần V (1924).

Nguyễn Ái Quốc cùng với một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (7-1924)

- Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), chuẩn bị lựa chọn những thanh niên yêu nước để thành lập tổ chức tiền thân của Đảng.

=>  Đây chính là công lao đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc

+ Tìm thấy con đường cứu nước mới cho dân tộc Việt Nam.

+ Chuẩn bị về tư tưởng, chính trị cho sự ra đời của Đảng cộng sản sau này.


Danh sách các phiên bản khác của bài học này. Xem hướng dẫn
Komorebi đã đóng góp một phiên bản khác cho bài học này (12 tháng 2 2022 lúc 17:01) 0 lượt thích