31. Sự chuyển hóa năng lượng

Nội dung lý thuyết

I. Sự chuyển hóa năng lượng

Trong mọi hoạt động, đều có sự chuyển hóa năng lượng từ dạng này sang dạng khác hoặc truyền năng lượng từ vật này sang vật khác. Ví dụ:

  • Năng lượng nhiệt từ nhiên liệu truyền cho nước trong nồi.

  • Năng lượng từ quả bóng màu đỏ truyền cho các quả bóng trắng khi va chạm.

  • Vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên cũng là một quá trình biến đổi năng lượng: ánh nắng Mặt Trời chiếu xuống khiến nước biển nóng lên, cây cối phát triển, hơi nước thoát ra lại bay lên cao rồi chuyển thành mưa rơi xuống, chảy theo sông, suối,...về lại các đại dương.

 

@370031@@369661@

II. Năng lượng hao phí

Mọi quá trình có sự truyền năng lượng hoặc chuyển dạng năng lượng đều kèm theo năng lượng hao phí. Ví dụ:

  • Khi đèn được bật sáng, năng lượng điện chuyển thành năng lượng ánh sáng- là năng lượng có ích. Tuy nhiên, một phần năng lượng điện chuyển thành năng lượng nhiệt làm nóng đèn và tỏa ra môi trường xung quanh. Đây là phần năng lượng hao phí.

  • Khi đun bếp, nhiệt năng được truyền từ nhiên liệu tới nồi, tuy nhiên cũng luôn có một phần nhiệt năng bị mất đi, tỏa ra môi trường làm nóng không khí xung quanh. Đây là phần năng lượng hao phí

III. Tiết kiệm năng lượng

Càng ngày, chúng ta càng sử dụng nhiều năng lượng hơn. Tuy nhiên, những nhiên liệu như dầu hỏa, khí đốt, than đá,...là hữu hạn và có nguy cơ cạn kiệt. Do vậy việc sử dụng tiết kiệm năng lượng là cần thiết.

Hiện nay, trong khoa học và sản xuất, con người ngày càng sử dụng nhiều công nghệ tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn.

Tại mỗi gia đình, ta có thể thực hiện tiết kiệm năng lượng bằng cách: tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, lựa chọn các thiết bị có hiệu suất cao, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo,...

IV. Bảo toàn năng lượng

Một quả bóng rơi từ trên cao xuống, khi chạm mặt đất nó nảy lên, tuy nhiên không thể lên tới độ cao như ban đầu.

Phân tích quá trình rơi của quả bóng, ta thấy ban đầu nó có thế năng hấp dẫn. Khi rơi xuống, thế năng giảm dần, chuyển hóa thành động năng và năng lượng nhiệt (truyền cho sàn và không khí). Khi thế năng hấp dẫn chuyển hết thành năng lượng nhiệt, quả bóng không còn động năng nữa, do đó nó sẽ nằm yên trên mặt sàn.

@370200@@370521@

1. Năng lượng có thể chuyển từ dạng này sang dạng khác, hoặc truyền từ vật này sang vật khác. Trong các quá trình đó luôn có sự hao phí năng lượng.

2. Định luật bảo toàn năng lượng: Năng lượng không tự sinh ra và không tự mất đi. Năng lượng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác hoặc truyền từ vật này sang vật khác.