Tuyên ngôn độc lập

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
0
4 coin

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

 

1.     Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu tính mệnh đã hi sinh của những người con anh dũng Việt Nam… Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hi vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam.

(Trần Dân Tiên)

2.       Tuyên ngôn Độc lập là một bài văn chính luận. Văn chính luận thuyết phục người ta bằng những lí lẽ, nếu đánh địch thì cũng đánh bằng những lí lẽ. Lợi khí của nó là những lí lẽ đanh thép, những lập luận chặt chẽ, những bằng chứng không ai chối cãi được…

(Nguyễn Đăng Mạnh)

 

3. Cảm nhận về Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.

Trong 4 000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên nhiều trang sử vẻ vang với những chiến công chói lọi chống xâm lược và chống ách thống trị của nước ngoài. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vẻ vang, chói lọi nhất, là một trong những bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Sáu mươi ba năm đã trôi qua, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trở thành ngày hội lớn nhất, vinh quang nhất của dân tộc Việt Nam.

Thật vậy, sau cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình – Hà Nội, trước cuộc mít tinh của gần 1 000 000 người, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập và tự do ra đời.

Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lí lịch sử:

Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tuyên ngôn Độc lập vạch rõ đó là lẽ phải không ai chối cãi được. Lẽ phải đó được ghi trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ và trong bản Tuyên ngôn nhân quyền của cách mạng Pháp năm 1789. Các bản Tuyên ngôn ấy khẳng định quyền tự do, bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.

Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam không có quyền tự do, bình đẳng và không có quyền mưu cầu hạnh phúc. Khẩu hiệu vĩ đại “Tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng Pháp đã bị giai cấp tư sản phản bội khi chúng lên nắm chính quyền. Thực dân Pháp núp dưới chiêu bài của cách mạng Pháp để tiến hành cướp bóc các nước thuộc địa và tước đoạt độc lập, tự do của các dân tộc ấy.

Bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Từ mùa thu năm 1940, nước ta trở thành thuộc địa của Nhật. Pháp hai lần quỳ gối đầu hàng Nhật, chịu làm tay sai cho Nhật đàn áp và bóc lột nhân dân ta. “Khi Nhật đầu hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập… đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.

Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam đã thành một nước tự do, độc lập. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”. Việt Nam tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

Tuyên ngôn Độc lập kết thúc bằng một quyết tâm sắt đá, tiêu biểu cho ý chí của dân tộc Việt Nam: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn Độc lập với ngày 2/9/1945 mãi mãi đi vào lịch sử Việt Nam, được đọc đi đọc lại trên nhiều hệ thống truyền thông khác nhau mỗi khi đến ngày quốc khánh của dân tộc Việt Nam. Bởi Tuyên ngôn Độc lập là áng văn bất hủ do chính tự tay Người soạn thảo, bút danh còn lưu lại đầy đủ vào thời điểm vô cùng hệ trọng của đất nước. Đó là sản phẩm của một trí tuệ uyên thâm kết tinh tri thức và văn hóa Đông Tây, thấm đẫm một tư tưởng nhân văn cao cả, một tâm hồn thuần hậu Việt.

Tên nước – Việt Nam Dân chủ cộng hòa – mãi mãi là một sự lựa chọn của một tầm nhìn xa trông rộng tuyệt vời, sự thức thời mang tính linh ứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự thông tuệ và tầm vóc lãnh tụ ấy cùng với tâm hồn và nhân cách sống trong con người Hồ Chí Minh đã có sức lan tỏa và thuyết phục lớn lao như một cái nhân đầy hấp lực, lôi cuốn mạnh mẽ hàng triệu triệu con người tự nguyện xả thân, tự nguyện đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ vô cùng chông gai và gian khổ, hoàn thành sứ mệnh lớn lao – giải phóng và thống nhất đất nước. Đây là lẽ tất nhiên của cuộc sống.

Yếu tố đó lý giải tại sao năm xưa, trong thời khắc nền độc lập còn mong manh trứng nước, vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, vẫn có hàng ngàn lớp lớp người chấp nhận hi sinh tất cả. Họ sẵn sàng hiến dâng vì hướng đạo cho cả một dân tộc là một lãnh tụ, một người cha tinh thần như thế, và phía sau đó có cả một thế hệ tài ba với cái tâm trong sáng, được tôi luyện trong những thử thách khắc nghiệt, đầy thăng trầm của đất nước, được tôi luyện ngay trong gian khổ lao tù.

Quả là may mắn, ngay khi giành độc lập, đất nước đã có được nền chính trị lành mạnh. Thời đó không có đất nẩy nở một nền “chính trị đồng tiền” (một khái niệm mới nhất nói về tình trạng mua quan bán tước phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á hiện nay) làm xói mòn niềm tin và sức mạnh của dân tộc. Ngăn chặn và hạn chế cái nguy hại của xu hướng “chính trị đồng tiền”, xây dựng và bồi đắp một nền “chính trị trong sạch” như Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người năm xưa đã đạt được luôn luôn là bài học mà hậu thế phải vươn tới.

Vì vậy mới có “Tuần lễ vàng”, bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình, dòng họ dốc cả gia tài tích cóp suốt một đời để góp phần chống “giặc đói”, “giặc ngoại xâm”. Có những thanh niên Hà Nội tuổi đời mười tám đôi mươi quên thân mình, ôm bom ba càng lao vào xe tăng quân xâm lược. Bao nhiêu nhà trí thức lớn như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum v.v… quyết tâm đi theo chính phủ kháng chiến, mang tri thức và tấm lòng yêu nước phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Bao nhiêu văn nghệ sĩ lớn như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Tô Ngọc Vân, Diệp Minh Châu v v…và v v…giã từ cuộc sống phồn hoa thành phố quyết “ra đi đầu không ngoảnh lại” để vào bưng biền, lên chiến khu theo đoàn quân “Tây Tiến”, đem tiếng đàn, tiếng hát, câu thơ…cổ vũ bộ đội vượt qua gian nguy, giành chiến thắng để “lớp lớp đoàn quân tiến về” Hà nội…

Đất nước còn mãi tự hào về một lớp trí thức tuyệt vời cả tài năng và nhân cách lớn như Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ… Những người để lại phía sau nền văn minh Tây Âu và phòng thí nghiệm hiện đại, từ bỏ tiền đồ và danh vọng khoa học rộng lớn, lặn lội về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến cùng dân tộc. Họ đã hành động như vậy theo tiếng gọi yêu nước và cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quả như cổ nhân đã nói: Gieo nhân nào gặt quả đó. Lẽ tất nhiên cuộc sống muôn đời là vậy.

Sự nghiệp dựng nước của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh là một chương hùng tráng và bi tráng nhất trong pho sử Việt Nam thế kỷ 20, và Hồ Chí Minh là nhân vật trung tâm với Tuyên ngôn Độc lập là áng văn bất hủ của pho sử đó.

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam, bắt đầu với Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập và tự do, trước hết và chủ yếu là thắng lợi của việc xây dựng một Đảng Mác-Lênin có đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn ngay từ đầu và không ngừng được bổ sung, bảo đảm thông suốt và quán triệt đường lối đó trong thực tiễn, phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn. Tính chất đúng đắn đó bắt nguồn từ chỗ Đảng đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, thấm nhuần nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lênin, phân tích đúng đắn thực tế xã hội thuộc địa nửa phong kiến, kịp thời tổng kết kinh nghiệm để rút ra những quy luật của cách mạng dân tộc dân chủ, trước hết là quy luật đấu tranh giành chính quyền.

Đảng luôn luôn tìm mọi cách làm cho toàn bộ đường lối chiến lược và sách lược thông suốt đến từng đảng viên và quần chúng cách mạng. Đảng luôn luôn nêu cao ý chí kiên cường bất khuất, căm thù địch, nêu cao khí tiết người cộng sản, lòng trung thành với cách mạng, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ hi sinh. Với đường lối chính xác, với tổ chức khoa học và với công tác tư tưởng sắc bén, dù số lượng đảng viên chỉ có gần 5000 người, Đảng đã lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước giành thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và tính thời đại sâu sắc.

Giữ vững tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập cũng là giữ vững và không ngừng nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong tiến trình cách mạng hiện nay, là điều kiện để cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên và giành những thắng lợi ngày càng to lớn hơn trong thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tóm lại, quảng trường Ba Đình và ngày 2 tháng 9. Địa danh ấy, mốc thời gian này, gắn kết với nhau, đồng hành bên nhau mãi cùng dòng chảy lịch sử Việt Nam, gắn liền với một nhân vật trung tâm của đất nước trong thế kỷ 20, một người con vĩ đại của dân tộc – Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác giả thiên cổ hùng văn Tuyên ngôn Độc Lập.

Mãi mãi nhớ mùa thu lịch sử của dân tộc – mùa thu đổi đời, mùa thu tái sinh, mùa thu hi vọng, mùa thu tương lai… Nhân dân Việt Nam đổi đời không thể nào quên:

       Trước quảng trường dân hô “Độc lập”

Trên lễ đài Bác đọc “Tuyên ngôn”!

(Sưu tầm trên mạng)

 

 

4. Tuyên ngôn độc lập – lời non nước.

Ôn lại hành trình của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không thể không nhớ đến hai thời điểm: Đó là ngày chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc ở tuổi 30 được đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin ở Paris; và ngày Chủ tịch Hồ Chí minh, ở tuổi 55 đọc Tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình lịch sử.

Ở giây phút đọc Luận cương…, có thể xem là thời khắc khai sinh văn học Việt Nam hiện đại, trong xu thế mở ra bối cảnh thế giới, trong gắn bó với cộng đồng nhân loại. Và ở giây phút đọc Tuyên ngôn độc lập, lại chính là mạch nối giữa văn học hiện đại với lịch sử dân tộc, mạch nối với Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô. Đó là những áng văn còn nguyên vẹn cốt cách hùng vĩ của lịch sử dân tộc; không chỉ mang sức mạnh riêng của văn chương, dẫu là văn chương cách mạng, mà là sức mạnh đích thực của cách mạng; không chỉ là văn chương có sức mạnh vũ khí, mà thực sự là vũ khí.

Nguyễn Ái Quốc đã viết trong suốt cuộc đời mình, trong đó có nhiều thứ có ai nhắc đến thì mới nhớ, và lắm lúc cũng không còn nhớ nữa, như nhiều truyện, kí viết vào những năm 20, và ngay cả Nhật kí trong tù. Nhưng có những trang Người không bao giờ quên như Tám yêu sách ở Hội nghị Véc-xây, Đường Kách mệnhTuyên ngôn độc lập.

Tuyên ngôn độc lập mở ra giai đoạn Hồ Chí Minh trong lịch sử văn thơ hiện đại. Giai đoạn của sự hòa nhịp, hòa nhập vũ khí tiếng nói và tiếng nói vũ khí. Giai đoạn mà sự tự do của tiếng nói và chữ viết đã có sự bảo đảm cao nhất là nền độc lập, tự do của dân tộc.

Mỗi người dân Việt Nam hôm nay, thuộc mọi thế hệ đều tìm thấy được, qua Tuyên ngôn độc lập, sự gắn bó khăng khít với truyền thống như một hậu sinh xứng đáng và sự gắn nối với nhân loại như một người đồng thời. Một niềm tự hào chính đáng là người Việt Nam được trả lại cho dân tộc Việt Nam; và còn được bồi đắp thêm, sau gần một thế kỉ bị thực dân đày đọa. Cũng niềm tự hào đó, sẽ luôn luôn hiện diện như một sức mạnh tinh thần cho dân tộc vượt qua bao thử thách.

Ở tất cả những gì mà Tuyên ngôn độc lập đã mang lại cho chúng ta hôm nay, mỗi người đọc Việt Nam đều tìm thấy không chỉ sức mạnh của văn chương; mà còn là sự ghi nhận, sự đánh dấu ý chí, nghị lực và quyết tâm hành động của dân tộc trong những thời điểm trọng đại của lịch sử. Lịch sử cần một tiếng nói đúng vào thời điểm ấy, và sự đón đợi của công chúng, của quần chúng đã được trả lời. Càng rung động hơn khi tiếng nói ấy lại được đúng con người ấy cất lên. Con người ấy là Nguyễn Ái Quốc mà bao năm tháng dân tộc Việt Nam không lúc nào không ngóng đợi.

Chính sự gặp gỡ này là nguyên cớ làm nên ý nghĩa thiêng liêng và tạo âm hưởng sâu xa cho một áng văn bất hủ: Tuyên ngôn độc lập.

Những áng văn như thường hiếm hoi. Trong lịch sử lâu dài của một dân tộc, hoặc trong hành trình của từng giai đoạn cách mạng, nó xuất hiện như là các tiêu chí cho lịch sử, như sự cắm mốc cho từng chặng đường. Sau Tuyên ngôn độc lập, một nội dung và âm hưởng như vậy sẽ còn đến với dân tộc Việt Nam qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), và qua lời hịch chống Mĩ: Không có gì quý hơn độc lập tự do (17-7-1966).

Đó là lời Lãnh tụ nói với dân tộc, hay cũng chính là lời dân tộc! Đó là lời dân tộc nói với nhân loại, hay chính là lương tâm nhân loại!

Chúng ta đã có nhiều cách gọi cho những áng văn như thế. Đó là âm vang của lịch sử, là tiếng gọi của núi sông. Đó là lời non nước!

(Phong Lê)

 

 

5. Tuyên ngôn độc lập –Tư tưởng Hồ Chí Minh và chân lí thời đại.

         Những tư tưởng lớn của các bậc vĩ nhân phản ánh chân lí của lịch sử và ý nguyện của nhân loại thường có sức sống lâu dài, dù nhiều lúc được phát biểu cực kì giản dị. Thời gian càng lùi xa, lịch sử càng tiến lên, các tư tưởng đó ngày càng được thực tiễn kiểm nghiệm và chứng nghiệm, ngày càng tỏa chiếu trong ý thức của những con người và các cộng đồng người như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, như suối trở thành sông càng đi ra biển càng trở thành rộng lớn. Đó cũng là trường hợp tư tưởng Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập. Văn kiện này do chính Bác khởi thảo và tuyên đọc cách đây 52 năm, phản ánh quy luật cơ bản của lịch sử dân tộc ta và nguyện vọng sâu xa của nhân dân ta, đã và sẽ trở thành tượng đài văn chương vĩnh hằng trong lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại.

Hơn nửa thế kỉ trôi qua, càng ngày người Việt Nam ta cũng như nhiều bậc thức giả trên thế giới càng cảm thấy rất thú vị về đặc sắc của bản Tuyên ngôn. Tác phẩm này không bằng một câu trích dẫn của Nguyễn Trãi hay Nguyễn Huệ, cũng không phải là Mác hay Lênin, mà là một câu trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ và một câu khác

trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp. Hai quốc gia này, như do một sự trớ trêu của lịch sử, ngay sau đó qua ba thập niên đã nối tiếp nhau trở thành hai đối thủ quyết liệt, hai chướng ngại khốc liệt cho nền độc lập của nước Việt Nam hồi sinh sau gần một trăm năm khổ nhục. Họ chống lại Việt Nam mà không biết rằng như vậy là họ đã chống lại chính họ, chống lại cái truyền thống vẻ vang nhất, cái giá trị ưu tú nhất của dân tộc, quốc gia, tổ tiên họ. Và rút cục cũng chính vì vậy mà họ đã thất bại sau khi gây cho dân tộc ta biết bao đau thương, để mãi cho đến bây giờ khi bên cạnh số đông trong họ đã nhận ra điều đó thì vẫn còn một số không ít chưa nhận ra. Điều này không có gì lạ bởi lẽ mình tự biết mình xưa nay vẫn là điều rất khó đối với con người. Tôi vẫn cho rằng cái nghịch lí này chính là một đặc sắc đầy ý nghĩa thâm thúy của lịch sử nước ta, và cả lịch sử thế giới nữa, trong nửa sau của thế kỉ XX.

Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, cái gọi là nghịch lí vẫn thường ẩn giấu cái thuận lí bên trong. Điều này có thể thấy rõ trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh và của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng mình không nói điều gì mới, khi nhắc lại một điều mà nhiều người đã thấy và đã nói từ lâu. Đó là: trong bản Tuyên ngôn, sau khi trích dẫn tư tưởng vĩ đại của nhà cách mạng Mĩ và các nhà cách mạng Pháp, Bác Hồ đã không dừng lại ở đó, mà đã thêm một cách nhẹ nhàng: Suy rộng ra… Từ quyền được sống, được tự do và được mưu cầu hạnh phúc của con người vốn sinh ra bình đẳng, Bác Hồ đã tuyên ngôn và khẳng định cái quyền tự nhiên và thiêng liêng ấy đối với mỗi dân tộc trên thế giới vốn sinh ra bình đẳng như nhau. Với ba chữ suy rộng ra đó, Bác Hồ đã đưa tư tưởng nhân quyền và dân quyền từ thế kỉ XVIII trở thành tư tưởng của thế kỉ XX, từ phạm trù cách mạng tư sản sang phạm trù cách mạng vô sản, từ phạm trù giải phóng cá nhân sang phạm trù giải phóng dân tộc và nhân loại. Với Hồ Chí Minh, nhân quyền và dân quyền không chỉ là quyền bất khả xâm phạm của những cá nhân (thực chất trong thời đại tư sản là của một thiểu số cá nhân có tiền nên có quyền đối với đa số cá nhân khác) mà còn là quyền bất khả xâm phạm của các dân tộc, của mỗi dân tộc với tư cách là những cộng đồng người cùng chung vận mệnh, phúc họa, tồn vong có nhau. Làm sao có được tự do, bình đẳng, bác ái giữa người với người nếu các giá trị ấy không được thực hiện đối với mỗi dân tộc và giữa các dân tộc, nếu còn dân tộc này xâm lược, áp bức, thống trị dân tộc khác – nói cách khác, nếu còn các hình thức khác nhau của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân? Làm sao có nhân quyền và dân quyền thực sự nếu đại đa số các dân tộc trên địa cầu không có quyền quyết định vận mệnh của mình, phải nương thân gửi mạng của mình vào tay một thế lực cậy tiền, cậy súng tha hồ làm mưa làm gió trên vũ đài quốc tế? Hơn nữa, như C.Mác nói rất thâm thúy: ”Một dân tộc áp bức dân tộc khác không phải là một dân tộc tự do”. Bình đẳng cũng vậy, một dân tộc tự do cho mình đứng trên dân tộc khác, can thiệp, chi phối công việc của dân tộc khác thì tất nhiên không thể có bình đẳng giữa các thành viên ngay trong nội bộ dân tộc đó được. Cũng không thể xây dựng hạnh phúc dân tộc mình trên sự bất hạnh, đau khổ của các dân tộc khác. Chẳng phải toàn bộ lịch sử của thế kỉ XX cho đến tận hôm nay đã chứng minh chân lí trên đây một cách hết sức rõ ràng hay sao?

Sự suy rộng ra của Hồ Chí Minh đã làm cho khái niệm nhân quyền và dân quyền từ nội dung cũ có thêm nội dung mới, nội dung mới không những bổ sung mà còn thoái hóa nội dung cũ theo thực tiễn và tinh thần của thời đại mới. Dưới ngọn cờ Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Nhân quyền, Dân quyền, các thế lực đế quốc phương Tây trải qua mấy thế kỉ đã vi phạm thô bạo, hủy diệt tàn khốc quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của biết bao dân tộc, sắc tộc trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam ta. Hậu quả tàn khốc của hành động tội ác lịch sử đó còn di hại cho đến ngày nay mà nhiều dân tộc vẫn còn ghi tạc trong lòng chưa quên. Và sự vi phạm, hủy hoại đó đến ngày nay cũng chưa phải là đã chấm dứt. Nếu quan sát cục diện của thế giới hiện nay, những đầu óc sáng suốt, tỉnh táo đều nhận thấy: phải chăng cuộc đấu tranh muôn hình vạn trạng của mỗi con người và mỗi dân tộc trong nhân loại ngày nay đều xoay quanh chân lí: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tự do không tách rời độc lập. Có độc lập mới có tự do và ngược lại. Không lạ gì có những kẻ nhân danh tự do (hay dân chủ) còn can thiệp vào nội bộ các quốc gia – dân tộc khác, vi phạm quyền của mỗi dân tộc quyết định vận mệnh của mình, ý chí áp đặt và tìm mọi cách bắt dân tộc khác phải chấp nhận vì lợi ích phi lí của mình, nếu không sẽ “trừng phạt”, nhẹ hơn thì “khiển trách”, cho các bộ máy tuyên truyền xúm vào vu cáo, hù dọa.

Cũng như tổ tiên họ ngày xưa “Miệng bảo hộ mà tay bóc lột; Mặt mhân từ mà ruột hiểm sâu” (Phan Bội Châu), ngày nay, họ luôn miệng thuyết giảng về “dân tộc, nhân quyền”, nhưng phớt lờ không nói đến quyền độc lập, tự chủ của các quốc gia, quyền tự quyết của các dân tộc, mượn chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ” theo quan niệm cũ rích từ thế kỉ XVIII, XIX để gieo rắc bất hòa, chia rẽ, xáo trộn, thậm chí gây cốt nhục tương tàn trong nội bộ nhiều dân tộc, để họ thừa cơ “đục nước béo cò”, có cớ can thiệp, điều khiển các dân tộc đi theo sự dẫn dắt của họ. Ai theo họ thì được khen là “dân chủ”. Ai không theo thì chúng kiếm cớ gây sự, vu cho là “vi phạm nhân quyền”, thậm chí theo đó mà tự tiện phân loại các quốc gia theo tiêu chuẩn giá trị sai trái, độc đoán của mình. Tất cả những hiện tượng trên càng làm sáng tỏ chân lí thời đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tự do phải độc lập, gắn liền với độc lập. Sẽ không có tự do nếu không có độc lập và ngược lại. Ở phạm vi cá nhân hay cộng đồng cũng vậy. Cá nhân và cộng đồng phải hòa đồng trên cơ sở tôn trọng quyền độc lập, tự do. Cơ sở của các mối quan hệ quốc tế cũng phải là sự hài hòa và tôn trọng độc lập, tự do như vậy. Tư tưởng đó của Hồ Chí Minh sẽ cùng chúng ta tiến vào thế kỉ XXI.

Cuối bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ viết: “Dân tộc Việt Nam có quyền hưởng Tự do và Độc lập và sự thật đã thành một nước Tự do và Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững Tự do và Độc lập ấy”.

Tôi nhớ ngày Bác mất, một chính khách danh tiếng của châu Á (tôi không tiện nhắc tên) đã phát biểu: “Người là ánh sáng hi vọng trong thế kỉ bạo tàn!”. Tôi nghĩ ánh sáng hi vọng đó là tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Người.

Đó cũng là tư tưởng cơ bản của Cách mạng tháng Tám, là chân lí thời đại từ bản Tuyên ngôn độc lập Việt Nam, 2/9/1945.

                                  (Trần Thanh Đạm)

 

 

6. “Tuyên ngôn Độc lập” – một áng văn thời đại.

1. (…) “Văn sử bất phân” là chuyện có thực. Nhưng lấy đó làm tiêu chí duy nhất để rồi vận dụng một cách cứng nhắc cho mọi tác phẩm, mọi cá tính sáng tạo thì lại có gì đó không ổn, nhất là với Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh (được sáng tác trong thời điểm năm 1945). Bình Ngô đại cáo cũng là một sáng tác chính trị, một loại tuyên ngôn nhưng vì nó ra đời vào thời điểm “văn sử bất phân” nên được coi là sáng tác văn chương và được đưa vào giảng trong nhà trường. Khi phân tích bản “thiên cổ hùng văn” đó, chúng ta vẫn khai thác được chất văn chương, thế tại sao “thiên cổ hùng văn” Tuyên ngôn Độc lập của thời đại mới chỉ vì ra đời không đúng thời điểm “văn sử bất phân” nên không được chọn giảng như một tác phẩm văn chương? Cách định tiêu chí tuyển chọn như vậy phải chăng chỉ là một thứ quy ước tuỳ tiện, hình thức.

Nhìn rộng hơn nữa, chúng ta đều biết rằng không chỉ ở thời Nguyễn Trãi mà ngay những thập kỉ đầu thế kỉ XX cho đến năm 1945, là một thời kì lịch sử đấu tranh liên tục và quyết liệt trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, xã hội, văn học… giữa xu hướng yêu nước và nô dịch, giữa tư tưởng tiến bộ và phản động. Đằng sau câu chuyện tranh luận văn chương về Truyện Kiều của Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh thực chất là cuộc đấu tranh chính trị. Các cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh, cuộc tranh luận xung quanh truyện Kép Tư Bền… đều gắn chặt với cuộc đấu tranh chính trị xã hội. Báo Ngày nay công kích mũ cánh chuồn với chiếc bài ngà của vị học giả nọ vừa xuất chính hay biếm họa Lí Toét, Xã Xệ đâu chỉ phải là chuyện văn chương nghệ thuật thuần tuý.

Cuộc đấu tranh sinh tử để giành độc lập tự do cho hàng chục triệu con người đòi hỏi sự vận dụng tổng hợp, đồng bộ, sinh động mọi thứ vũ khí, dưới nhiều hình thức nhằm lật đổ chế độ thống trị tàn bạo, cứu sống cho cả dân tộc đang bị nhấn chìm trong bùn đen và máu đỏ. Thật khó mà phân biệt được chính trị với văn chương thời buổi đó. Người cầm bút chân chính chẳng nghĩ gì đến chuyện “lập thân”, “thành danh” trong văn thơ. Tất cả tâm huyết đều giành cho khát vọng cao cả nhất, thiêng liêng nhất là độc lập, tự do. Khi ấy, quần chúng đến với văn chương trước hết cũng từ đòi hỏi cấp thiết đó. Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh của một quá trình như vậy, là một tác phẩm ra đời trong một hoàn cảnh xã hội đặc biệt, năm 1945 – năm khai sinh một thời đại mới ở nước ta. Không quan tâm đúng mức đến bối cảnh chính trị, xã hội, tâm lí đó, chúng ta dễ lúng túng, giản đơn trong việc phân biệt chính trị với văn chương, lịch sử với văn học khi nhìn nhận bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Một cách phân biệt rạch ròi, cứng nhắc giữa văn học và chính trị đối với những sáng tác kết tinh nhiều mặt trong những thời đại lịch sử của dân tộc như các áng “thiên cổ hùng văn”, các bài thơ thần là khó chấp nhận. Với Tuyên ngôn Độc lập cũng vậy – quả là văn sử “bất khả phân”.

2. Trên đây là ý kiến bàn đến tiêu chí tuyển chọn căn cứ vào hình thức một cách cứng nhắc và phiến diện. Song, điều quan trọng hơn là chúng ta phải xem xét bản thân tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập trong những quan hệ nhiều mặt của nó (quan hệ với lịch sử xã hội bấy giờ, quan hệ với con người tác giả, với đặc thù phát triển của văn học dân tộc những năm đầu Cách mạng tháng Tám…) để có thể có một sự lựa chọn vị trí thỏa đáng nhất cho bản Tuyên ngôn Độc lập trong chương trình văn học nhà trường.

Xét riêng nội dung thì Tuyên ngôn Độc lập có thực sự chỉ là một văn bản chính trị đơn thuần không? Chất văn chương tiềm ẩn ở đâu mà có sức lôi cuốn lòng người đến vậy? Chúng ta đều biết nói đến chất văn chương trước hết là nói đến những tình cảm , đến những xúc động chất chứa trong từng câu chữ của áng văn. Đọc Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta nghẹn ngào với niềm xúc động, xót xa của Bác khi nói đến nỗi đau đớn, nhục nhã của dân tộc ta suốt 100 năm nô lệ. Tình cảm yêu nước thương dân nồng thắm, lòng tự hào cao cả đối với truyền thống anh hùng của dân tộc, ý chí sắt đá và niềm tin không gì lay chuyển nổi của Người trong áng văn, cùng với độ nhạy cảm tinh tế về chính trị và nhân văn cộng với trí tuệ sắc sảo trong tư duy, tài năng sử dụng ngôn từ tiếng Việt đến độ tinh, trong sáng, uyển chuyển... đã làm cho người đọc không còn chỉ thấy đây là một văn bản chính trị, một lời tuyên ngôn mà là tiếng lòng của tác giả, là nỗi niềm của cả một dân tộc vừa được hồi sinh. Không phải ngẫu nhiên mà đồng bào ta khi nghe Bác đọc bản Tuyên ngôn đã không cầm được nước mắt.

Hồi kí của những người đương thời cho hay, dù là thân sĩ, trí thức, đồng bào thành thị cho đến nông thôn, ai ai khi nghe bản Tuyên ngôn của Bác cũng xúc động nghẹn ngào, sung sướng, thấm thía tận tâm can. Nếu nói văn chương là “thông tin tình cảm”, là “sự lây lan tình cảm”, là sự “thanh lọc” con người thì sức lôi cuốn, sức thanh lọc sâu rộng của Tuyên ngôn Độc lập đã dễ có được như các áng văn trước đây. Văn chương là tự trái tim người sáng tác. Theo Bác thì Tuyên ngôn Độc lập là một trong hai sáng tác mà Người tâm đắc nhất. Là tâm đắc nhất nên mỗi chữ, mỗi câu của tác phẩm đều hàm chứa suy tư và cảm xúc của một người đã có nửa cuộc đời vào sinh ra tử, luôn ấp ủ khát vọng mãnh liệt nhất là độc lập, tự do, cơm áo cho dân tộc. Sáng tác của một tâm hồn, một nhân cách lớn lao, cao đẹp như Bác, dù là thơ hay chính luận như ta đều biết, bao giờ cũng là một lời gửi gắm tâm tình của Người đến nhân dân mà Người hằng yêu quý. Nếu giảng Bình Ngô đại cáo ta có thể khai thác được chất trữ tình của nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn Trãi thì khi giảng Tuyên ngôn Độc lập chúng ta cũng có thể phát hiện, khám phá được nội dung trữ tình phong phú trong áng văn chính luận này (…). Như vậy là xét trong bản thân nội dung của Tuyên ngôn Độc lập cũng như xét cảm hứng sáng tác của tác giả và xét đến hiệu quả của tác động tình cảm đối với đông đảo công chúng của nhiều thế hệ cũng như người đọc trong nhà trường, chúng ta thấy có thể khai thác được phương diện cảm xúc, tâm hồn, tình cảm nhân văn cao đẹp trong tác phẩm bên cạnh những giá trị đặc sắc về tư duy, kết cấu, ngôn ngữ… của một bài văn nghị luận mẫu mực hiếm có. Tuyên ngôn Độc lập không những có thể khai thác về phương diện lịch sử, xã hội, chính trị mà cả phương diện văn học và cần được đưa vào chương trình như một áng văn tuyệt bút.

3. Bản thân tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập có một sức chứa lớn lao về nhiều mặt như đã nói trên, tác phẩm lại có vị trí cực kì quan trọng không chỉ trong lịch sử chính trị, xã hội của dân tộc ta mà còn cả trong đời sống tâm hồn của nhân dân ta. Dù có giảng trong môn lịch sử hay chính trị chăng nữa, tác phẩm này vẫn cần được khai thác kĩ hơn, sâu hơn về phương diện tâm hồn, tình cảm, tư tưởng nhân văn, ngoài những thành công kiểu mẫu về tư duy và ngôn ngữ. Mặt khác, lại cũng cần tính thêm là trong sự nghiệp văn chương của Hồ Chí Minh, bộ phận đặc sắc nhất là văn chính luận, một vũ khí mà Người đã sử dụng trong suốt cả cuộc đời đấu tranh chính trị ở nước ngoài cũng như trong nước, trên chính trường tư sản cũng như trong đời sống chính trị, văn hóa, tư tưởng của nhân dân trong nước. Nói đến văn chính luận của Bác, không thể không nói kĩ đến một sáng tác kết tinh về nhiều mặt của Bác, đó là Tuyên ngôn Độc lập.

4. (…)

Như vậy, có thể nói là cần có một quan điểm lịch sử hệ thống, bản chất để nhìn nhận, đánh giá Tuyên ngôn Độc lập đúng nội dung vốn có của nó trên nhiều phương diện lịch sử, chính trị, nhân văn… Cần nhìn nhận Tuyên ngôn Độc lập trong quan hệ máu thịt với chủ thể sáng tác cũng như chủ thể tiếp nhận. Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm tích hợp được nhiều thông tin đa dạng, vô cùng bổ ích (…). Tuyên ngôn Độc lập phải được phân tích, bình giảng kĩ như một tác phẩm văn học trọn vẹn (…).

(Phan Trọng Luận)

Khách