Bài 19: Quy mô dân số, gia tăng dân số và cơ cấu dân số thế giới

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Quy mô dân số

- Từ khoảng giữa thế kỉ XX, dân số tăng rất nhanh (bùng nổ dân số)

- Năm 2020: Dân số thế giới là 7.8 tỉ người

- Dân số có sự khác nhau giữa các quốc gia, khu vực

Quy mô dân số thế giới, giai đoạn 1950 – 2050 (đơn vị: tỉ người)

2. Gia tăng dân số

a. Gia tăng dân số tự nhiên

- Tỉ suất sinh thô:

+ Cho biết cứ 1000 dân có bao nhiêu trẻ em sinh ra sống trong năm.

+ Tỉ suất sinh thô đang có xu hướng giảm ở cả 2 nhóm nước phát triển và đang phát triển.

- Tỉ suất tử thô:

+ Cho biết cứ 1000 dân thì có bao nhiêu người chết trong năm.

+ Tỉ suất tử thô trên thế giới đang có xu hướng giảm.

- Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên:

+ Là mức chênh lệch giữa tỉ suất sinh thô và tỉ suất tử thô.

+ Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên đang xu hướng giảm => dân số thế giới tăng chậm lại.

b. Gia tăng dân số cơ học

- Tỉ suất nhập cư: Số người nhập cư đến một lãnh thổ trên năm

- Tỉ suất xuất cư: Số người xuất cư của một lãnh thổ trên năm.

- Gia tăng dân số cơ học: chênh lệch giữa tỉ suất nhập cư và xuất cư

- Gia tăng dân số cơ học không ảnh hưởng tới quy mô dân số thế giới mà có ý nghĩa quan trọng tới từng quốc gia. Quốc gia phát triển thường có tỉ lệ nhập cư cao hơn xuất cư và ngược lại.

c. Gia tăng dân số thực tế

- Là tổng số giữa tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên và tỉ lệ gia tăng cơ học (%), phản ảnh đầy đủ về sự gia tăng dân số.

d. Các nhân tố tác động đến gia tăng dân số

- Điều kiện tự nhiên và môi trường sống:

+ Điều kiện tự nhiên và môi trường sống thuận lợi góp phần tăng mức nhập cư và ngược lại.

+ Thiên tai, dịch bệnh làm tăng mức tử vong, mức xuất cư.

- Điều kiện kinh tế - xã hội:

+ Nhìn chung, trình độ phát triển kinh tế và mức sống cao làm giảm mức sinh, mức xuất cư và ngược lại

+ Tập quán, tâm lí xã hội, cơ cấu tuổi và giới tính tác động đến mức sinh, mức tử vong.

+ Chính sách về dân số ảnh hưởng đến mức sinh, mức di cư.

3. Cơ cấu dân số

- Cơ cấu dấn số theo giới tính

+ Biểu thị bằng tỉ lệ giới tính (tỉ lệ giữa nam và nữ) hoặc tỉ số giới tính (cứ 100 nữ thì tương ứng với bao nhiêu nam)

+ Thay đổi theo thời gian, khác nhau giữa các nước, khu vực, phụ thuộc vào chiến tranh, tình hình phát triển kinh tế, quan niệm xã hội…

+ Tác động đến phân bố sản xuất, tổ chức đời sống xã hội, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội…

- Cơ cấu dân số theo độ tuổi:

+ Biểu thị tỉ lệ dân số theo những nhóm tuổi nhất định trên tổng số dân

+ Thể hiện tổng hợp về tình hình sinh tử, tuổi thọ, khả năng phát triển dân số và nguồn lao động của một quốc gia.

+ Được thể hiện bằng tháp dân số (tháp hình tam giác, tháp hình chum, tháp quả chuông).

Các loại tháp dân số đặc trưng trên thế giới, năm 2020

- Cơ cấu xã hội:

+ Cơ cấu dân số theo trình độ văn hóa: Phản ánh trình độ dân trí, học vấn của dân cư, là thước đo quan trọng phản ánh chất lượng dân số của một quốc gia, một khu vực.

+ Cơ cấu dân số theo lao động: Biểu thị tỉ lệ giữa các bộ phận lao động trong tổng nguồn lao động xã hội: Hoạt động kinh tế - không hoạt động kinh tế hoặc lao động trong 3 khu vực kinh tế.

Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế của nhóm nước thu nhập thấp và thu nhập cao