Văn bản ngữ văn 10

Nguyên Thu

viết bài văn thuyết minh giới thiệu về phong tục ăn trầu ở việt nam

Sách Giáo Khoa
21 tháng 1 2020 lúc 19:44

Không biết tự bao giờ trầu cau đã đi vào tâm thức người Việt Nam trở nên thật gần gũi. Nhắc tới trầu cau ta thường liên tưởng tới tục ăn trầu. Vậy tục ăn trầu có từ bao giờ và trầu cau mang những ý nghĩa gì trong văn hoá người Việt Nam xưa và nay ?

Tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với một truyền thuyết nổi tiếng: sự tích trầu cau là một câu truyện bi ai thấm đượm nghĩa tình.

Trầu cau quen thuộc là vậy nhưng không hẳn ai cũng biết “ăn trầu thơm miệng, hạ khí, tiêu cơm” những vật dụng cho việc ăn trầu là cơi trâu gắn liền với câu (đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu) là dao bổ cau được gắn với câu (mắt sắc dao cau) là bình vôi, là túi đựng trầu. Nhà giàu còn đựng trầu trong những tráp trầu,khay trầu sơn màu khảm trai rất đẹp. Cách têm trầu được mô tả qua câu: trong trắng ngoài xanh ở giữa đóng đanh hai đầu trống hổng. Khi nhai một miêng trầu chúng ta sẽ cảm nhận được vị cay của lá trầu, vị nồng của vôi, hơi ngòn ngọt của cau, đắng của thuốc lào và bùi bùi của rễ chay. Tất cả hoà quyện như nhưng hương vị của cuộc sống đời thường. Tuy nhiên nhiều nơi ăn trầu thì thuốc lào và rễ chay được thay thế bởi những thứ khác.

Với người Việt Nam, trầu cau là biểu hiện của phong cách vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo.Trước tiên, miếng trầu thắm têm vôi nồng, vỏ chay, cùng cau bổ tám bổ tư luôn là sự bắt đầu, khơi mở tình cảm, bởi thế có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu đã làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên gần gũi cởi mở với nhau hơn.

Với các nam nữ thanh niên xưa thì trầu cau còn là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát, để vào với hội làng hội nước. Mượn câu hát mời trầu để bày tỏ lòng mình. Bên cạnh “vôi nồng”, “miếng trầu cánh phượng”, “cau bổ bốn bổ ba” là những “trầu giải yếm giải khăn”, “trầu nhân trầu ngãi” để rồi “trầu mình lấy ta”.trầu cau là thứ sính lễ không thể thiếu trong mỗi đám hỏi ở Việt Nam “trầu vàng nhá lẫn cau xanh, Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”.

Không những xuất hiện trong cưới hỏi, trong mỗi cuộc vui buồn của làng quê, xuân đến, tết về, trầu cau còn được sử dụng làm quà tặng. Thơ Nguyễn Khuyến có câu: “kiếm một cơi trầu sang biếu cụ, xin đôi câu đối để mừng ông”. Hơn thế trầu cau còn là đồ cúng giỗ, dân gian có câu “sửa cơi trầư đĩa hoa dâng cụ” để tưởng nhớ tổ tiên, ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của các bậc tiền nhân. Như thế đủ để biết trầu cau gắn liền với đời sống người dân như thế nào.

Trầu cau dùng tiếp khách hàng ngày như bát chè xanh,như điếu thuốc lào. Đồng thời ăn trầu còn gắn liền với phong tục nhuộm răng đen,một thời là vẻ đẹp hồn hậu chất phác mang đậm vẻ Á Đông của người phụ nữ nơi các làng quê Viêt Nam. Tục ăn trầu không chỉ tồn tại ở Viêt Nam mà còn có ở rất nhiều nước như: Malayxia, Philipin, Đài Loan… Đặc biệt sớm nhất ở Ấn Độ.

Như vậy, mặc dù trải qua thời gian khá dài nhưng tục ăn trầu ở Việt Nam nói riêng và ở các nước nói chung vẫn được duy trì. Chúng ta tin rằng trong tương lai tục ăn trầu vẫn tồn tại và mãi là nét văn hoá đẹp.

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
Trúc Giang
21 tháng 1 2020 lúc 20:34

Tham khảo:

Theo truyền thuyết và thư tịch cổ, tục ăn trầu ở Việt Nam đã có từ thời các vua Hùng dựng nước. Trải qua bao biến đổi của đời sống xã hội, tục ăn trầu và mời trầu vẫn là một trong những phong tục độc đáo, có sức sống bền bỉ trong đời sống của người Việt, tồn tại cho đến ngày nay trong xã hội nông thôn và đã được biểu trưng hóa qua các nghi lễ tâm linh.

Ăn trầu không chỉ là phong tục chỉ có ở người Việt mà còn xuất hiện khá phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Á, khu vực Trung Á, Đông Nam Á và một số quần đảo trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngôn ngữ của trầu cau ở mỗi dân tộc có sự khác nhau. Ở người Việt, miếng trầu biểu trưng cho lối ứng xử giao tiếp giữa các mối quan hệ trong đời sống xã hội, là phương tiện biểu lộ tình cảm con người với nhau. Qua miếng trầu và cách mời trầu, người xưa đã gửi gắm các cung bậc tình cảm: Yêu hay ghét, xã giao hay chân tình….một cách tế nhị:

Yêu nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười

Miếng trầu cũng là ngôn ngữ biểu đạt nghệ thuật nhận lời hay chối từ trong tình cảm nam nữ:

Đi đâu cho đổ mồ hôi

Chiếu trải không ngồi, trầu để không ăn

Thưa rằng bác mẹ em răn

Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Thông thường miếng trầu bao gồm lá trầu xanh têm sẵn, trong quệt chút vôi trắng, kèm theo một miếng cau vàng. Tuy theo sở thích, người ta còn có thể kết hợp trầu cau với vỏ chay, vỏ quế và thuốc lào. Sự kết hợp hoàn hảo này đã đưa đến cho người ăn một cảm giác đặc biệt: Đó là vị ngọt của cau; cay, thơm của tinh dầu từ là trầu; chát của hạt và vỏ… Sự hòa quyện đó làm cho cơ thể con người ấm lên bởi sinh khí từ vôi và cảm giác hơi chếnh choáng men say được tạo ra từ chất arécoline trong hạt cau.

Ngoài tác dụng tốt cho sức khỏe, ăn trầu còn có tác dụng làm đẹp. Chất polyphenol trong lá trầu có tác dụng kháng khuẩn, chất arécoline trong hạt cau bị chất vôi trung hòa, làm cho miếng trầu có sắc đỏ tươi giúp người ăn thắm đôi môi, hồng đôi má và long lanh đôi mắt… Kích thích hệ tuần hoàn và hệ thần kinh, giúp con người tăng cường sinh lực và câu chuyện tâm tình cũng vì thế mà thêm cởi mở.

Trong đời sống hàng ngày, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, biểu hiện mối giao cảm tâm tình của con người. Trầu được dùng mời khách đến chơi nhà, làm quen với nhau nơi hội hè, đình đám:

Gặp nhau ăn một miếng trầu

Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào.

Trầu cau gắn bó với người Việt đến mức nó đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức tâm linh như: Lễ tế Trời Đất, lễ Phật, lễ thánh, thần, lễ gia tiên… Trong đời sống xã hội của cư dân nông nghiệp xưa, cau trầu xuất hiện trong mọi hoàn cảnh lễ nghi đời thường như: Cưới xin, ma chay, khao vọng… Người dân “có việc” muốn trình quan nhất thiết phải có cơi trầu, trong nhà có tang trình báo với làng để lo tang lễ hoặc cha mẹ dựng vợ gả chồng cho con cái, báo hỷ với họ hàng, làng xóm, bạn bè cũng bắt đầu từ cơi trầu. Đặc biệt, trai gái nên duyên cũng bắt đầu từ “ngôn ngữ” trầu cau; nhận trầu cũng có nghĩa là nhận lời cầu hôn, bởi “miếng trầu nên dâu nhà người”.

Ăn trầu rất phổ biến trong cuộc sống của người Việt và tục mời trầu đã là đặc trưng trong cách ứng xử lịch sự, thâm thúy và “siêu ngôn ngữ” của người Việt truyền thống, biểu trưng cho triết lý “mở” của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Tục ăn trầu, mời trầu của người Việt đã trở thành nét văn hóa độc đáo, tồn tại xuyên suốt trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Ngày nay, mặc dù vẫn giữ vai trò quan trọng trong các nghi lễ truyền thống nhưng tục ăn trầu và mời trầu đang dần mai một trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ký ức về một lối sống “mở” vẫn còn đọng lại trong tiềm thức của nhiều thế hệ. Từ sưu tập dụng cụ ăn trầu cùng với nó là văn hóa trầu cau đang được lưu giữ và trưng bày tại các bảo tàng trong cả nước… một phần tính cách dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc đã được bộc lộ. Qua đó chúng ta càng thêm yêu quý, trân trọng những di sản văn hóa bình dị nhưng đã làm nên tâm hồn, cốt cách Việt Nam.

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
Thảo Phương
23 tháng 1 2020 lúc 12:44

Trong đời sống tinh thần của người Việt, ăn trầu không đơn thuần là một thói quen, tập tục, mà còn là yếu tố cấu thành những giá trị văn hóa truyền thống. Trầu cau như đồ sính lễ nhất thiết không thể thiếu trong cưới hỏi, lấy vợ lấy chồng, giao tiếp, ứng xử.

Nếp cũ ngàn xưa :

Ở Việt Nam, tương truyền, tục ăn trầu cau (tục ăn trầu) có từ thời Hùng Vương, gắn liền với truyền thuyết về “Sự tích trầu cau”, kể về tình cảm vợ chồng thủy chung, anh em gắn bó vượt non, vượt suối tìm nhau và cùng hóa thành cây cau, dây trầu, tảng đá quấn quýt bên nhau. Trầu cau là đầu trò của giao tiếp, ứng xử, là sự khởi đầu, khơi mở tình cảm, giúp người với người trở nên gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Trầu cau là lễ vật khởi đầu trong các nghi lễ truyền thống quan trọng như cưới hỏi, tế tự, tang ma, táng tục... Trầu cau là biểu tượng của tình yêu đôi lứa và tình nghĩa vợ chồng, anh em, gia đình, hạnh phúc. Tục ăn trầu phổ biến ở mọi tầng lớp, từ dân gian tới cung đình, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống. Không chỉ với người Kinh, nhiều dân tộc ít người khác như Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Sán Dìu... từ vùng núi phía Bắc đến các dân tộc sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn, Tây Nguyên như Khơ Me, Bru, Ê đê và người Chăm ở Nam Trung Bộ đều có tục ăn trầu. Ở mỗi dân tộc, tục ăn trầu có những nét tương đồng nhưng do môi trường sống và không gian văn hóa khác nhau mà có nét độc đáo riêng biệt. Người Mường, người Thái, người Ê đê dùng trầu đãi khách, người Tày, Nùng dùng trầu trong lễ “Buộc chỉ cổ tay cho cô dâu chú rể”. Miếng trầu gồm bốn loại nguyên liệu: Cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng), vôi (vị nóng). Cây cau vươn cao biểu tượng của trời (dương). Vôi chất đá biểu tượng của đất (âm). Dây trầu mọc từ đất, quấn quýt thân cây cau, biểu tượng cho sự trung gian. Miếng trầu gồm miếng cau, lá trầu quết vôi, phụ thêm miếng vỏ cây chát (miếng rễ). Ăn trầu cau thì miếng trầu có vị ngọt của hạt cau, vị cay ở lá trầu, chát nóng từ vôi, cái bùi của rễ... tất cả như tạo nên sự kích thích, làm cho thơm miệng, đỏ môi... Cả vùng Đông Nam Á có tục ăn trầu nhưng nét tài hoa trong cách têm trầu, cung cách mời trầu được cách điệu hóa đã trở thành một dạng thức sinh hoạt nghệ thuật mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc.

Tục ăn trầu ở Việt Nam có từ lâu đời nhưng những dấu tích vật chất còn lại chủ yếu gặp trên bộ dụng cụ ăn trầu từ thời Lý (1010 - 1225), Trần (1225 - 1400) tới ngày nay. Bộ dụng cụ ăn trầu phong phú, đa dạng, từ dao bổ cau, têm trầu, bình vôi, ống vôi đến xà tích, chìa vôi dùng đựng, lấy vôi têm trầu. Khay, cơi, hộp, âu, giỏ, tráp, túi, khăn... dùng đựng trầu, thuốc và xếp các vật dụng nhỏ. Cột chìa ngoáy dành cho người cao tuổi, răng yếu để giã nát trầu, kèm theo chìa cối là hộp đựng. Trong bộ dụng cụ ăn trầu, bình vôi là vật dụng không thể thiếu và giữ vai trò quan trọng trong tục ăn trầu. Đặc biệt, với người Việt xưa, những chiếc bình vôi còn được coi trọng và tôn kính như một vị thần nên được gọi là “Ông vôi”.

Trầu cau không chỉ đóng vai trò lễ vật trong các nghi lễ truyền thống mà còn trở thành hình ảnh đặc trưng cho văn hóa Việt, xuất hiện thường xuyên trong văn học dân gian, ca dao, dân ca, lễ hội... Tại đất Bắc, ở Hải Phòng có thôn cau Cao Nhân (xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên), mỗi khi vào mùa, cau xếp thành từng buồng lớp trên, lớp dưới, rộn ràng theo từng đoàn xe nối đuôi nhau tỏa đi khắp nơi. Về xứ Đoài, làng Phú Lễ (xã Lâm Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội), từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ đi làm đồng đến ngồi quán sân đình cũng đều có đĩa trầu, bình vôi. Trong hội Lim, Bắc Ninh vào mỗi dịp xuân sang, người con gái Kinh Bắc đầu chít khăn mỏ quạ, áo tứ thân trong dải yếm đào, mở khăn đựng trầu, đặt lên lòng bàn tay chàng trai một miếng trầu têm cánh phượng thật đằm thắm...

Vào đất phương Nam, 18 thôn vườn trầu đã hình thành từ đầu thế kỷ XVII, gắn liền với thời khẩn hoang lập ấp cách đây trên 300 năm, trở thành nơi chuyên canh, cung cấp trầu cho khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Chợ trầu cau đường Lê Quang Sung (quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) với sản vật cau, trầu xứ Bà Điểm - vườn trầu cau tồn tại giữa đô thị phồn hoa như một nét văn hóa độc đáo làm đẹp cho đời sống tinh thần người Việt.

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
Nguyen
27 tháng 1 2020 lúc 15:40
Phong tục ăn trầu đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Tương truyền có từ thời Hùng Vương, gắn liền với câu chuyện nói về sự tích trầu cau.

Hà Nam, vùng Tượng Lĩnh (Kim Bảng) có nhiều dấu hiệu được cho rằng là nơi phát tích của sự tích trầu cau. Ở đây có chợ Dầu (là biến thể của chữ trầu/giầu). Có nhiều thôn, làng bắt đầu bằng chữ Phù mà theo Hán Việt lá trầu không còn được gọi là Phù lưu diệp. Hay trong một biến thể của sự tích trầu cau cho biết cô con gái thầy giáo họ Lưu tên là Xuân Phù là tên đất, tên làng nơi đây. Ở xã Tân Sơn ngay cạnh có con suối và một thôn mang tên Tân Lang, trùng tên với hai anh em sinh đôi trong câu chuyện nói về sự tích trầu cau.

Ban đầu tục ăn trầu là một thói quen, một cách làm đẹp nhưng theo thời gian phong tục ăn trầu đã trở thành một trong những yếu tố cấu thành nền văn hóa Việt Nam. Nó là một nét giao tiếp đặc sắc của người Việt. Gặp nhau sau câu chào, người ta mời nhau ăn trầu "Miếng trầu là đầu câu chuyện". Trao nhau miếng trầu để làm quen, để giãi bày câu chuyện. Trong buôn bán, đã ăn miếng trầu của nhau là coi nhau như người cùng phường, cùng hội.

Trầu cau là một sự biểu đạt tình yêu nam nữ một cách tinh tế và ý nhị. Có rất nhiều câu ca dao, bài hát dân ca nói về tình yêu nam nữ qua hình tượng lá trầu, quả cau: "Yêu nhau cau sáu bổ ba. Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười", hay "Miếng trầu ăn kết làm đôi. Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng. Trầu xanh, cau trắng, chay hồng. Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên". Và là một thứ "đầu" của các sự lễ nghĩa. Bất kỳ giỗ chạp dù lớn hay nhỏ, ngày sóc ngày vọng, lễ, Tết bao giờ cũng phải có đĩa trầu cau đặt trên bàn thờ cúng tổ tiên.

Trong tang ma ngoài việc cúng trầu cau, bên cạnh nồi nước chè tươi còn phải có khay trầu để mời bà con đi đưa đám. Trong phong tục cưới hỏi, trầu cau lại càng quan trọng. Trước khi tổ chức đám cưới có hẳn một lễ riêng gọi là "lễ ăn hỏi" hoặc "lễ bỏ trầu/giầu". Lễ này nhà trai mang đến, ngoài các thứ bánh trái, chè rượu không thể thiếu mâm trầu cau. Cau cả buồng quả đều, to tròn, bóng đẹp, lá trầu to xanh mướt xếp lớp lên nhau. Mâm trầu cau bao giờ cũng được phủ khăn đỏ thể hiện sự may mắn và luôn đặt ở vị trí đầu tiên trong các lễ vật ăn hỏi. Sau đám hỏi, nhà gái thường chia trầu cau cho bà con họ mạc, hàng xóm láng giềng, bạn bè như một lời mời đến chung vui cùng gia chủ trong đám cưới của con cháu.

Từ phong tục ăn trầu cau, người dân còn nâng những dụng cụ dùng trong việc têm trầu lên thành tín ngưỡng, đó là tập tục thờ ông Bình vôi. Chiếc bình vôi khi sử dụng đã cạn đổ thêm vôi đã tôi vào. Lâu ngày lớp vôi cũ bám chặt vào thành bình phía trong và cứng dần làm cho lòng bình, thành bình hẹp dần, không dùng được nữa. Theo tục lệ, thay vì vứt vỏ bình vôi, người ăn trầu mang bình vôi đến bỏ dưới gốc cây cổ thụ hoặc mé đình làng. Vào những ngày lễ, Tết, người ta đến thắp hương cúng ông Bình vôi. Bình vôi là vật thiết thân của những người ăn trầu, nó thân thuộc như một người bạn, một người tri kỷ mà thiếu vôi thì không thể làm nên cái màu thắm đỏ và sự say nồng thơm tho của miếng trầu cau. Cũng vì thế, trong các vật dụng dùng cho việc ăn trầu, chiếc bình vôi bao giờ cũng được chế tác cầu kỳ, hoa văn đẹp mắt là một thứ đồ cổ nhiều người sưu tầm.

Phong tục trầu cau có từ ngàn năm trước, đã đi vào đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Việt trở thành tính biểu tượng của tập quán dân tộc, của truyền thống văn hóa, của tình nghĩa thủy chung son sắt giữa người với người từ bao đời nay của dân tộc ta.

Ngày nay, những người ăn trầu còn rất ít. Nếu còn, đa phần là các cụ già vùng nông thôn. Trong các đám cưới, hỏi, tang ma vẫn thấy các cụ già tụm nhau năm ba người giúp gia chủ têm trầu, bổ cau, chia miếng vỏ. Có cả những cụ già "…mắt đã mờ, chân chậm, tay cầm chiếc cối đồng nhỏ xíu, chầm chậm nghiền miếng trầu cho nhuyễn, nghe tháng năm râm ran chạy từ chót lưỡi lên đôi má và trong phút chốc, tuổi trẻ như vãn hồi trong chút ửng hồng trên gương mặt già nua" (chữ của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng).

Ai đã từng có bà, có mẹ ăn trầu khó quên cái mùi đồng đất rạ rơm ủ trong áo quần cộng với cái mùi ấm nồng, thơm tho của miếng trầu, ngắm nhìn miệng cười thắm đỏ, quết trầu làm cho vành môi gọn gẽ có ngấn thanh dài như sợi chỉ và một màu hồng nâu say say trên đôi má. Nhớ những cô con gái quan họ hay hát: "Gặp đây ăn một miếng trầu. Không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng. Trầu này trầu tính trầu tình. Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta". Bồi hồi với mối tình cổ tích, hoàng tử đã tìm ra cô Tấm qua miếng trầu têm cánh phượng. Chút hương xưa, duyên thầm cũ đã và vẫn sẽ còn đọng lại nơi những đôi lứa nên duyên. Những buồng cau quả no tròn gắn chữ phúc đỏ tươi, nhà trai trân trọng mang đến nhà gái. Chiếc cơi trầu lót lụa đỏ có nhánh cau tươi, lá trầu đẹp mẹ chú rể dành để xin dâu. Đẹp biết bao cái duyên nghĩa trầu cau.

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa

Các câu hỏi tương tự
Hoàng Vy
Xem chi tiết
Kiên NT
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Hằng
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Hằng
Xem chi tiết
namblue
Xem chi tiết
Phan Thị Xuân HUyên
Xem chi tiết
Shino Asada
Xem chi tiết
quynh anh
Xem chi tiết
cao minh thành
Xem chi tiết