Tập làm văn lớp 9

Nhi Le

lập dàn ý

từ bài thơ đồng chí hãy kể lại thành 1 câu chuyện theo lời kể của tác giả ?

Thúy Vy
4 tháng 12 2019 lúc 20:04

Ngồi trên chiếc ghế đá mát lạnh tôi ngước nhìn khung trời màu xanh biếc, vô tận mà tôi nhớ đến ngày xưa. Những ngày tháng tôi cùng đồng đội ở chiến khu, nơi biên cương, cửa ải chuẩn bị ra trận. Tôi hớp một ngụm chè xanh có hương vị đăng đắng đặc trưng quen thuộc, rồi xoay đầu qua nhìn ông bạn Tâm cũng đang chăm chú nhìn phương xa. Tôi bảo: “ Mới đây nhanh quá ông nhỉ, thoắt đã hơn chục năm rồi.”, ông ấy mỉm cười nói: “ Ừ, đúng thế’. Và cả hai cùng ngồi thẫn ra, đều mang vẻ vui buồn lẫn lộn…

Những năm 1946, thực dân Pháp lại một lần nữa xâm chiếm đất nước, cùng với một quy mô hùng hậu và nhiều loạt vũ khí tối tân thời bấy giờ. Lúc ấy tôi chỉ vừa tròn hai mươi tuổi nhưng vì độc lập đất nước, tôi đã gia nhập đội ngũ bằng cả trái tim của mình dù biết phải xa gia đình để đến chiến khu. Tuy ở chiến khu rất gian nan và khó khăn nhưng ở đấy tôi không hề cô đơn. Vì tôi đã có thêm rất nhiều người anh em, có cùng chí hướng với tôi là giành lại tự do cho đất nước, cho nhân dân và tôi gọi họ là những “đồng chí”. Trong đó có ông bạn vẫn luôn gắn bó với tôi đến bây giờ.

Lúc đầu tôi chưa quen lắm, nhưng dần dần chúng tôi trở nên thân thiết nhiều hơn như bằng hữu lâu năm. Mỗi tối bọn chúng thường ngồi tụ lại với nhau rồi kể chuyện của mình cho những người còn lại nghe. Bỗng có một anh lớn hơn tôi tầm hai, ba tuổi hỏi: “Quê chú ở đâu ra sao?” tôi trả lời: “ Em ở một ngôi làng nghèo đất cày lên sỏi đá luôn đó anh.” Nói đến đây tôi chợt nhớ đến ba mẹ chốn quê nhà, không biết mẹ có còn đau chân hay không, ba có đỡ bệnh chưa. Rồi anh ấy lại nói: “ Quê hương anh cũng nghèo lắm, nước thì mặn, đồng thì chua. Khổ lắm chú ạ, lúa nó cứ chết hoài.”. Mọi người say sưa ngồi cười cười, nói nói suốt đêm mà không ai hay biết gì hết, cho đến tận trời tờ mờ sáng.

Tôi nhớ những ngày còn ở chiến khu, túp lều của chúng tôi được dựng ở những cánh rừng núi hoang vu nên đêm xuống sương ẩm che phủ khắp mọi nơi. Chúng tôi đã cố gắng san sẻ chăn cho nhau để giữ ấm rồi trở thành những đôi tri kỷ. Nhưng cho dù chúng tôi có chăn đi nữa thì nó vẫn không đủ ấm và có một số người bị bệnh rất nặng. Vì là rừng nên muỗi cũng nhiều đặc biệt là loại muỗi truyền bệnh sốt rét. Bộ đội đã bỏ xác không ít người chỉ do loại bệnh chết người này, đội ngũ dần ít đi. Điều đó khiến những người còn lại trong đó có tôi vô cùng hoảng loạn nếu tình hình này vẫn cứ tiếp tục…

Nhưng chúng tôi, những người yêu quê hương, tổ quốc sẽ không bao giờ gục ngã bởi bất kỳ trở ngại nào. Vì nền độc lập đất nước, không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đã bỏ qua sự ích kỷ của riêng mình, nỗi sợ hãi cá nhân để xung phong lên đường cứu nước. Nhưng chắc chắn trong lòng mỗi người nhớ luôn đến người thân ơi quê nhà, lo lắng nhà cửa bây giờ có bình yên hay không. Tất cả chúng tôi bỏ lại sau lưng những nỗi nhớ da diết vì đại cuộc, cho dù phải hy sinh.

Trên con đường hành quân, mọi người chúng tôi phải leo lên từng con dốc, băng qua từng dòng suối siết chảy. Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi, từ ngày này qua ngày kia không kể bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Mặc cho thời tiết có như thế nào, dù nắng hay mưa, chúng tôi vẫn luôn vượt qua. Đi đến nỗi quần áo của mọi người cũng bạc màu và rách đi vài chỗ. Không chỉ thế, chân chúng tôi cũng đã chai sần vì đi quá nhiều vả lại chúng tôi chẳng có một đôi giày chắc chắn để mang. Tuy thế chúng tôi không màng đến. Đôi lúc khí trời rét lạnh nhưng bên trong chúng tôi vẫn hừng hực lửa, quyết tâm chống chọi lại với sự ghẻ lạnh của thiên nhiên và mỉm cười cùng đồng đội, cùng nắm tay đi qua hết đoạn đường đầy chông gai này.

Ban đêm, khu rừng ngập tràn sương muối lạnh buốt cả hai tay.Xung quanh tối mù mịt, những tán cây cũng trở nên tối đen, chỉ còn ánh trăng óng ánh màu bạc tỏa chiếu khắp nơi. Chúng tôi núp dưới bụi cây to, vai vác trên mình những cây súng thô sơ chờ địch đến rồi chớp lấy thời cơ mà xông lên. Đó là một trận quyết liệt giữa quân dân Việt Nam và bọn thực dân hung ác.

Giờ đây chiến tranh đã kết thúc, chúng tôi cũng đã lớn tuổi nhưng kỷ niệm thời niên thiếu về những lần xông pha trên chiến trường sẽ không bao giờ xóa nhòa trong lòng tôi, cũng như mọi người. Những kỷ niệm chúng tôi ngồi kể chuyện, ca hát với nhau về niềm tin chiến thắng của đất nước. Tất cả như một câu chuyện mà tôi không bao giờ kể hết được nhưng nó sẽ chẳng bao giờ có thể mất được.

Chúc bạn học tốt#

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
minh nguyet
4 tháng 12 2019 lúc 20:34

Tham khảo nhé:

Ngày ấy trước sự áp bức của bọn thực dân cướp nước, nghe theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, tôi cùng nhiều người khác hăm hở lên đường đi đánh giặc.

Vốn xuất thân là nông dân, hành trang của tôi chẳng có gì ngoài lòng nồng nàn yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Tôi được phân vào một đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, trong đơn vị cũng có khá nhiều người có xuất thân và hoàn cảnh giống tôi, chúng tôi nhanh chóng làm quen và trở thành thân thiết. Điều đầu tiên chúng tôi trao đổi là về miền quê của mỗi người. Quê hương anh là một vùng chiêm trũng ven biển khó cấy cày làm ăn, còn quê tôi cũng chẳng khá hơn gì, là vùng trung du miền núi “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Phải chăng cùng xuất thân từ những miền quê nghèo khó đã giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn? Giữa bọn tôi tồn tại một sợi dây cảm thông kì lạ mặc dù chỉ vừa mới quen biết. Hơn nữa, ngoài có chung hoàn cảnh xuất thân, chúng tôi còn chung cả lí tưởng và mục đích chiến đấu. Những người nông dân vốn xưa nay chỉ quen tay cấy tay cày bỗng giờ phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ ruộng nương nhà cửa, những người thân yêu và miền quê yêu dấu. Nói chúng tôi ra đi mà không lưu luyến là nói dối, nhưng vận nước đang lâm nguy, chẳng một ai có thể ngồi yên chờ đợi. Tôi cùng đồng đội đành phải gác lại tất cả, quyết chí hy sinh vì Tổ quốc. Vốn quen với tay cầm cuốc, quen với công việc đồng áng vườn tược, nay lại cầm trên tay khẩu súng, thật tình tôi chưa quen. Nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm, tôi không quản ngại khó khăn, cùng nhau học tập, cố gắng nghe theo lời chỉ bảo của anh em để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tây Bắc vốn nổi tiếng là nơi rừng thiêng nước độc. Những cơn sốt rét rừng vẫn còn ám ảnh tôi tới tận bây giờ, khi nghĩ lại vẫn thấy rùng mình ớn lạnh. Ai trải qua rồi mới biết cái cảm giác bên trong thì lạnh buốt, bên ngoài thì nóng toát mồ hôi nó như thế nào. Thực tế, số đồng đội tôi chết vì sốt rét còn nhiều hơn cả hy sinh ngoài trận mạc. Khi ấy, có một chiếc chăn đơn mà tận hai người đắp chung. Thế nhưng, chính cái thiếu thốn, gian khổ: “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” ấy đã khiến chúng tôi dễ dàng cảm thông và thấu hiểu nhau nhiều hơn. Cuộc kháng chiến những ngày đầu vô cùng khó khăn vì phải chờ sự viện trợ từ quốc tế. Những ngày thiếu thốn quân trang quân bị, nhìn cái áo rách vai, cái quần có vài mảnh vá, chúng tôi chỉ biết cười, nắm tay nhau để cùng vượt qua khó khăn. Có cả những hôm hành quân trong rừng mà chân không giày, cộng với cái rét cắt da cắt thịt làm cho cuộc hành quân trở nên gian nan gấp bội phần. Giữa không gian rừng núi của Trường Sơn đại ngàn, dưới cái lạnh căm căm của mùa đông với sương muối giăng mắc khắp nơi khắp chốn, bóng anh và bóng tôi ẩn hiện dưới ánh trăng. Không ai nói với nhau một câu, xung quanh chỉ còn nghe thấy tiếng gió heo hút thổi trên ngọn cây nhưng lòng tôi vẫn thấy vô cùng ấm áp. Cuộc chiến hãy còn dài lắm và những người lính áo vải chúng tôi có lẽ phải rời xa quê hương thêm một khoảng thời gian dài nữa. Thế nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh lá cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc bay phấp phới dưới bầu trời hòa bình, nhớ đến niềm vui giải phóng của đồng bào nơi chúng tôi đi qua và đặc biệt là những người anh em đã sát cánh bên tôi, mọi gian khổ khó khan đều tan biến hết thảy.

Bên cạnh những khó khăn, gian khổ thường thấy, đời lính cũng không hiếm những phút giây lãng mạn. Những hôm phục kích chờ giặc, bên cạnh đồng đội, tôi còn có vầng trăng trên cao làm bạn. Ngắm nhìn ánh trăng chiếu rọi khắp nhân gian, khu rừng không còn âm u, vắng lặng mà mang nét thơ mộng, trữ tình hiếm có. Đêm càng khuya, vầng trăng càng chếch bóng xuống dần. Có lúc trăng như đang treo lơ lửng trên đầu ngọn súng, tâm hồn người chiến sĩ bỗng chốc biến thành thi sĩ.

Cuộc chiến đã đi qua hơn nửa đời người nhưng mỗi lần nhớ lại những năm tháng ấy, trong tôi dâng lên một niềm xúc động khó tả. Tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn chính là sức mạnh giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến. Qủa thật tình đồng chí đồng đội những tháng năm ấy thiêng liêng hơn bao giờ hết. Tôi luôn cảm thấy tự hào vì bản thân được cống hiến cho tổ quốc. Những người chiến sĩ đồng đội đã hi sinh nơi bom đạn chiến trường, cùng nhau sát cánh bên tôi vượt qua tất cả ấy chính là những người không chỉ khiến tôi mang ơn mà còn vô cùng thương xót. Các bạn, những người trẻ tuổi nghe xong câu chuyện tôi kể hãy cố gắng học tập thật tốt để đưa đất nước ta ngày càng phồn vinh phát triển.

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
{__Shinobu Kocho__}
4 tháng 12 2019 lúc 20:03

I. Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm: Đồng chí, tác giả: Chính Hữu.

- Hoàn cảnh sáng tác: đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc.

II. Thân bài

1. Cơ sở hình thành tình đồng chí

- Tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân của những người lính:

"Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá".

"Anh" ra đi từ vùng "nước mặn đồng chua", "tôi" từ miền "đất cày lên sỏi đá". Hai miền đất xa nhau, "đôi người xa lạ" nhưng cùng giống nhau ở cái "nghèo". Hai câu thơ giới thiệu thật giản dị hoàn cảnh xuất thân của người lính: họ là những người nông dân nghèo.

- Tình đồng chí hình thành từ sự cùng chung nhiệm vụ, cùng chung lý tưởng, sát cánh bên nhau trong hàng ngũ chiến đấu:

"Súng bên súng, đầu sát bên đầu"

Họ vốn "chẳng hẹn quen nhau" nhưng lý tưởng chung của thời đại đã gắn kết họ lại với nhau trong hàng ngũ quân đội cách mạng. "Súng" biểu tượng cho nhiệm vụ chiến đấu, "đầu" biểu tượng cho lý tưởng, suy nghĩ. Phép điệp từ (súng, đầu, bên) tạo nên âm điệu khoẻ, chắc, nhấn mạnh sự gắn kết, cùng chung lý tưởng, cùng chung nhiệm vụ.

- Tình đồng chí nảy nở và bền chặt trong sự chan hoà và chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui:

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.

Cái khó khăn thiếu thốn hiện lên: đêm rét, chăn không đủ đắp nên phải "chung chăn". Nhưng chính sự chung chăn ấy, sự chia sẻ với nhau trong gian khổ ấy đã trở thành niềm vui, thắt chặt tình cảm của những người đồng đội để trở thành "đôi tri kỷ".

=> Sáu câu thơ đầu đã giải thích cội nguồn và sự hình thành của tình đồng chí giữa những người đồng đội. Câu thơ thứ bảy như một cái bản lề khép lại đoạn thơ một để mở ra đoạn hai.

2. Những biểu hiện cảm động của tình đồng chí

- Tình đồng chí là sự cảm thông sâu sắc những tâm tư, nỗi niềm của nhau. Những người lính gắn bó với nhau, họ hiểu đến những nỗi niềm sâu xa, thầm kín của đồng đội mình:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày,

Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Người lính đi chiến đấu để lại sau lưng những gì yêu quý nhất của quê hương: ruộng nương, gian nhà, giếng nước gốc đa,... Từ "mặc kệ"cho thấy tư thế ra đi dứt khoát của người lính. Nhưng sâu xa trong lòng, họ vẫn da diết nhớ quê hương. Ở ngoài mặt trận, họ vẫn hình dung thấy gian nhà không đang lung lay trong cơn gió nơi quê nhà xa xôi.

- Tình đồng chí còn là cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính :

+ Những gian lao, thiếu thốn trong cuộc sống của người lính những năm kháng chiến chống pháp hiện lên rất cụ thể, chân thực: áo rách, quần vá, chân không giày, sự khổ sở của những cơn sốt rét rừng hành hạ, trời buốt giá, môi miệng khô và nứt nẻ, nói cười rất khó khăn, có khi nứt ra chảy cả máu. Nhưng những người lính vẫn cười bởi họ có hơi ấm và niềm vui của tình đồng đội "thương nhau tay nắm lấy bàn tay".

+ Hơi ấm ở bàn tay, ở tấm lòng đã chiến thắng cái lạnh ở "chân không giày" và thời tiết "buốt giá". Cặp từ xưng hô "anh" và "tôi" luôn đi với nhau, có khi đứng chung trong một câu thơ, có khi đi sóng đôi trong từng cặp câu liền nhau diễn tả sự gắn bó, chia sẻ của những người đồng đội.

3. Đoạn kết

- Ba câu cuối cùng kết thúc bài thơ bằng một hình ảnh thơ thật đẹp:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Nổi lên trên cảnh rừng đêm hoang vắng, lạnh lẽo là hình ảnh người lính "đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới". Đó là hình ảnh cụ thể của tình đồng chí sát cánh bên nhau trong chiến đấu. Họ đã đứng cạnh bên nhau giữa cái giá rét của rừng đêm, giữa cái căng thẳng của những giây phút "chờ giặc tới". Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ, giúp họ vượt lên tất cả...

- Câu thơ cuối cùng mới thật đặc sắc: "Đầu súng trăng treo". Đó là một hình ảnh thật mà bản thân Chính Hữu đã nhận ra trong những đêm phục kích giữa rừng khuya.

- Nhưng nó còn là một hình ảnh thơ độc đáo, có sức gợi nhiều liên tưởng phong phú sâu xa.

+ "Súng" biểu tượng cho chiến tranh, cho hiện thực khốc liệt. "Trăng" biểu tượng cho vẻ đẹp yên bình, mơ mộng và lãng mạn.

+ Hai hình ảnh "súng" và "trăng" kết hợp với nhau tạo nên một biểu tượng đẹp về cuộc đời người lính: chiến sĩ mà thi sĩ, thực tại mà mơ mộng. Hình ảnh ấy mang được cả đặc điểm của thơ ca kháng chiến - một nền thơ giàu chất hiện thực và giàu cảm hứng lãng mạn.

+ Vì vậy, câu thơ này đã được Chính Hữu lấy làm nhan đề cho cả một tập thơ - tập "Đầu súng trăng treo".

=> Đoạn kết bài thơ là một bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính.

III. Kết bài

- Tóm tắt các ý đã phân tích.

- Liên hệ bản thân.

Chúc bạn học tốt ^^

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa

Các câu hỏi tương tự
Nhi Le
Xem chi tiết
Vũ Nhi
Xem chi tiết
potato
Xem chi tiết
Mai Nguyễn kiều
Xem chi tiết
ĐA SoÁi TỶ
Xem chi tiết
Nguyễn Ngân
Xem chi tiết
Ngọc :))
Xem chi tiết
Ánh Dương Nguyễn Vũ
Xem chi tiết
Loan Lê
Xem chi tiết