Văn bản ngữ văn 10

nguyễn Thùy Linh

suy nghĩ của anh chị về ý kiến:'' Con người cần chạm vào nhau thực sự và chân thành hơn chứ không chỉ loay hoay bảo vệ cái tôi của mình''.

Tường Vy
2 tháng 8 2019 lúc 21:19

Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi. Tự điển Thesaurus định nghĩa về cái tôi (hay ngã kiến - egoismism/the selfness) là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình, đặc biệt là để phân biệt mình với thế giới bên ngoài và các cá nhân khác.

Cái tôi trong mỗi người phát triển theo thời gian trong quá trình sống của con người... Khi còn nhỏ người ta ít bị các yếu tố xã hội tác động vào nhận thức về chính mình, nói cách khác, cái tôi được phát triển tương đối độc lập. Một em bé sẽ ít bị tổn thương hay bị chạm tự ái như người lớn khi bị phê bình hay khiển trách. Trẻ em thường quên rất mau và ít khi “để bụng” những chuyện buồn phiền. Trong khi đó người lớn có thể tức giận rất lâu và phản ứng rất nặng nề nếu bị chạm tự ái.

Quan niệm về cái tôi thường được hiểu theo hai khía cạnh: (1) Tích cực: sự hãnh diện phù hợp về những giá trị, nhân phẩm của chính bản thân; (2) Tiêu cực: sự nhận định sai về những giá trị, nhân phẩm của mình đưa đến sự tự ti hay tự tôn.

Ở đây không bàn đến trường hợp của một người hay nhún nhường hoặc thường khoe khoang vì lý do nào đó trong giao tiếp xã hội. Nếu một người không nhìn thấy được giá trị của chính mình sẽ cảm thấy bi quan và dễ bị tổn thương. “Mình thật chẳng làm nên trò trống gì là vô tích sự”, “Tôi thật là xấu xí, “Chẳng ai ưa tôi cả”… đó là một số những suy nghĩ thường có của một số những người luôn hoài nghi về giá trị thực sự của mình.

Khi bị chìm đắm trong sự tự ti, mặc cảm, người ta thường suy diễn, so sánh mọi thứ, mọi việc để cuối cùng tự cho mình là kẻ thua cuộc dẫn đến thái độ bi quan hoặc chán ghét mọi thứ xung quanh mình, đặc biệt là có ác cảm với những người mà họ cho là ba hoa, phô trương và kiêu ngạo... Không hài lòng với chính mình, ta cũng chẳng vui vẻ, cởi mở với ai. Tự ti có xu hướng sinh ra tự tôn. Khi bị đè nén, cái tôi bị bóp méo và khi chính chủ nhân thổi phồng nó lên (sau khi đã đè nén nó), thì cái tôi đó nó lại là sản phẩm của trạng thái tâm lý không tự chủ và giả tạo.

Tôi rất tâm đắc với một câu chuyện kể về Đức Đạt Lai Lạt Ma, người có một quan điểm đơn giản nhưng rất thiết thực về cách làm sao để tìm thấy sự tự tin cho mình. Khi được hỏi: làm sao Ngài có thể tự tin thuyết giảng trước đám đông hàng ngàn người, hoặc không e dè ngại ngần khi bắt chuyện với một người hoàn toàn xa lạ? Ngài trả lời: “Hãy thành thật với chính mình”.

Sự chân thành cộng với việc đánh giá đúng mức khả năng và những giá trị thực có của chính mình sẽ giúp chúng ta mạnh dạn hơn, cởi mở hơn với thế giới quanh ta cũng như sẵn sàng đón nhận để vượt qua các chướng ngại trong cuộc sống. Qua đó, nếu bạn cảm thấy thiếu hụt về một lĩnh vực nào đó, bạn không nên mất tự tin, bởi vì bạn biết rằng bạn còn có những giá trị khác. Cũng giống như một đứa bé gái khi bị trêu chọc là sún răng, nó liền hỏi lại: “Còn đôi mắt con thì sao?”. Nghĩ rằng mình có đôi mắt đẹp, cô bé đó muốn được nhìn nhận ưu điểm này của nó. Nó làm điều đó một cách tự nhiên, chân thành, không mặc cảm, không sợ bị đánh giá. Nếu “chịu khó” và chân thành (nghĩa là công bằng với chính mình) trong cuộc tìm kiếm, chắc chắn mỗi người sẽ tìm thấy những giá trị riêng của chính mình.

Thế thì một người phụ nữ nội trợ sẽ không thấy mất tự tin vì nghĩ rằng mình không tạo ra đuợc thu nhập và có vị trí xã hội như những người khác. Là một người vợ và một người mẹ tốt, giá trị của họ vô cùng to lớn đối với gia đình của họ và do đó họ tất nhiên là những người rất cần thiết trong xã hội. Một người không có diện mạo xinh đẹp vẫn có thể gây thiện cảm với mọi người xung quanh họ nếu người ấy thân thiện và vui tính.

Không những chỉ dừng lại ở việc tìm thấy và trân trọng những giá trị sẵn có của mình, con người còn có thể phát triển thêm những giá trị mới cho chính mình. Điều này cũng tương tự như việc các công ty trong quá trình phát triển giá trị thương hiệu đã không ngừng phát triển những dịch vụ cộng thêm (value adding service) cho khách hàng của mình. Ví dụ như các đại lý bán vé máy bay phát triển thêm dịch vụ giao vé tận nhà, hướng dẫn lộ trình bay, tư vấn cách chọn chuyến bay…

Mỗi người chúng ta cũng vậy, ai cũng có thể tạo thêm giá trị cho “thương hiệu” của chính mình bằng những việc làm đơn giản nhưng thiết thực, ví dụ như thể hiện sự quan tâm với những người xung quanh, sống vui vẻ, hòa nhã với mọi người, xây dựng những mối quan hệ tốt với người thân, bạn bè… Mọi nỗ lực dù nhỏ nhoi nhưng đều mang lại những kết quả đáng kể.

Khi tạo cho mình được nhiều giá trị, làm cho “cái tôi” của mình đẹp hơn, người ta sẽ cảm thấy tự tin, cởi mở và tìm thấy cũng như tạo ra được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thấy hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình, người ta có thể “là chính mình” và sống thật với mình hơn. Họ sẽ không bị môi trường chung quanh chi phối cách nhìn về “cái tôi” của họ, không mặc cảm tự ti, không dễ bị tổn thương hay “chạm tự ái” với những câu nói, hành vi và thái độ dù vô tình hay cố ý của những người khác.

Tuy nhiên, ranh giới giữa việc nhận thức cái tôi tích cực và cái tôi tiêu cực là rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng lại thường gây ra nhiều đổ vỡ, trở ngại… vì hình như cái tôi lại thường hay phát triển và được phóng đại cùng với cái tài. Cho nên căn bệnh “cái tôi quá to” cố hữu về sự kiêu ngạo và cố chấp trầm kha thường lại rơi vào những người có những thành công nhất định trong xã hội.

Một người leo lên nấc thang danh vọng, địa vị càng cao, thì cái tôi mà họ vác trên vai dường như càng nặng. Vì thế nếu khi một người bình thường đón nhận sự bất đồng về ý kiến của người khác một cách cởi mở, thì các “sếp” có thể xem đó là “không thể chấp nhận được”. Chính cái tôi quá lớn đã giam cầm một số người trong nhà tù của sự tự mãn và kiêu căng của chính mình. Mà đã là tù nhân thì làm sao có hạnh phúc?

Vậy làm sao cởi bỏ được cái gánh nặng cái tôi đó ra? Làm thế nào để kiểm soát được trạng thái tâm lý tự ti mặc cảm, hay ngược lại, tâm lý tự cao tự đại của mình? Làm sao để có thể vượt ra khỏi cái tôi tiêu cực, cái bản ngã nghiệp chướng của chính mình để có thể là một người tự do, được sống hồn nhiên yêu đời và hạnh phúc?

Khi chê ai đó có cái tôi quá lớn, người ta thường nói “cái tôi của hắn to bằng quả núi”, hoặc “anh ta tưởng anh ta là cái rốn của vũ trụ”, là “trung tâm của thế giới”… Như vậy, vô hình trung, chúng ta đã thừa nhận mình chỉ là những cá thể rất nhỏ trong một vũ trụ rộng lớn. So với vũ trụ và thế giới chung quanh, quả thật mỗi cá nhân chúng ta chỉ là những hạt nhân nhỏ bé. Những hạt nhân này khi di chuyển va đụng vào nhau, giao tiếp, hỗ tương với nhau, sau đó lại di chuyển tiếp trong quỹ đạo của riêng mình trong vũ trụ.

Đã không phải là vũ trụ hoặc chỉ là “cái rốn” của vũ trụ, thì tại sao lại dám xem mình là cả vũ trụ? Bên cạnh đó, mỗi cá nhân là một thực thể tồn tại, phát triển, sinh ra và mất đi, có sự hình thành và cấu tạo rất riêng biệt, với những giá trị nhất định riêng trong thế giới này. Mỗi hạt nhân tuy nhỏ bé nhưng đều có một chỗ đứng nhất định trong mối tương quan với vũ trụ và các hạt nhân khác, và không tồn tại vĩnh viễn trong một thực thể nhất định.

Cuộc đời có giới hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác cái tôi nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong cuộc đời này?

Bình luận (0)
Thảo Phương
6 tháng 8 2019 lúc 17:23

Gợi ý

-Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi và mỗi người đều có cái tôi riêng, không ai giống ai. Từ đó hình thành nên tính cách cá nhân rất khác nhau cho dù chúng ta cùng sống trong cùng một xã hội.

-Cái tôi chính là cái cá tính, cái bản chất vốn có của mỗi người. Khi con người đã đụng chạm đến cái tôi thì nó sẽ nổi dậy rất dữ dội thể hiện bằng hành động và ánh mắt. Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi và cái tôi trong mỗi người phát triển theo thời gian. Khi còn nhỏ người ta ít bị các yếu tố xã hội tác động vào nhận thức về chính mình nói cách khác là cái tôi được phát triển tương đối độc lập. Một em bé sẽ ít bị tổn thương như người lớn khi bị phê bình hay khiển trách. Trong khi đó người lớn có thể tức giận rất lâu và phản ứng rất nặng nề nếu bị chạm tự ái.

-Những khổ đau bất an trong cuộc đời mỗi người đa phần xuất phát từ cái tôi thái quá . Người có cái tôi quá lớn, là người luôn xem mình là nhất không chịu thua kém bất cứ ai, bất cứ việc gì và xem thường suy nghĩ, lời nói của người khác không cần biết điều mình làm đúng hay sai cứ tự hào một cách vô ý thức,… Chính cái tôi đó sẽ biến họ thành người láo toét, hống hách, coi khinh người khác,…Không biết những người có cái tôi quá lớn, có bao giờ họ nhìn lại để thấy bản thân mình như thế nào hay không? Và có một điều rất quan trọng trong cái tôi cao đó là chúng ta coi trọng giá trị bản thân mình hơn giá trị của người khác

-Thật ra nếu bạn có tưởng tượng ra mục tiêu của đời mình là gì thì cũng được, nhưng coi chừng kiểu cố gắng như thế để biến tướng cuộc đờì bạn theo ý mình thì chỉ làm cho cái tôi của bạn thêm lớn thôi. Cứ chạy theo mục tiêu, đích nhắm trong cuộc đời có thể sẽ làm bạn thấy mục tiêu của cuộc đơì là phải hoàn tất cái gì đó trong tương lai, khiến bạn sẽ quên là cuộc đời duy nhất mà bạn đang có chính là cuộc đờì vào ngay lúc này chứ không phải của quá khứ và tương lai. Hãy nắm bắt cái hiện tại.

-Con người ai cũng có bản ngã từ đó hình thành nên cái tôi. Nó mang tính chất cá nhân vì vậy mỗi con người là một thế giới. Cái tôi cũng có hai mặt giống như một tấm huy chương và con người liên đới và sống với nhau cũng thể hiện theo khuynh hướng hai mặt trái và phải. Nên chúng ta phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ và hành vi của mình, hay dở, tốt xấu chứ không phải là chuyện ngẫu nhiên mà có. Theo đúng nghĩa của nó, Cái tôi không có gì là xấu miễn sao mỗi người biết điều chỉnh nó cho phù hợp với những thứ có liên quan đến cuộc sống của mình. Cái tôi không những tốt mà còn rất tốt. Nó là nguyên nhân và cũng là lý do cho sự tồn tại của mỗi con người. Nếu không có nó chúng ta sẽ rơi vào sự hoang mang trong suốt cuộc hành trình đi tìm bản thân mình. Nhưng người có cái tôi quá lớn sẽ tự nghĩ mình là số 1, không ai quan trọng hơn mình xem thường người khác và dần dần trở nên hống hách không còn biết quan tâm đến giá trị của ai bên cạnh.

Bình luận (0)
✿✿❑ĐạT̐®ŋɢย❐✿✿
2 tháng 8 2019 lúc 19:32

Tham khảo ( Dẫn chứng ) :

Một người bạn của tôi sau nhiều năm định cư ở nước ngoài, trở về quê nhà đi trên những đoạn phố nêm chặt người, xe đã kể lại cảm giác lạ lẫm xen lẫn thú vị khi được chen chân trong cái đông đúc rộn ràng. Khi ngồi ở yên sau xe máy do một người bạn chở dạo phố, qua chỗ đông người, chị thích thú cười vang khi đầu gối mình chạm phải đầu gối của một người lạ chạy xe bên cạnh. Ở xứ người, một sự tiếp giáp, đụng chạm giữa người và người quả thật hiếm hoi bởi theo lời chị, cư dân thường ru rú khép mình trong bốn bức tường nhà, đến chỗ làm cũng thu mình trong phòng làm việc. Ra đường thì chui vào xe hơi như chui vào chiếc hộp sắt phân cách mình với thế giới bên ngoài.

Từ quê nhà trở lại phương xa sau đợt ấy, bạn tôi bỗng nhận ra mình bắt đầu thích được ngồi trước hiên nhà trò chuyện với hàng xóm, mong đón những người quen đột nhiên ghé chơi để cùng chuyện trò rôm rả tiếng mẹ đẻ. "Nguồn sống trong tôi bỗng được nối kết với nhịp mạch của quê nhà sau một chuyến đi, sau một cú chạm đầu gối giữa phố phường" - người bạn viết cho tôi sau lúc về lại xứ người.

Tôi không hề ngạc nhiên với giọng điệu vừa hào hứng vừa tiếc nhớ của chị. Ngày ngày, tôi vẫn cảm nhận những cú chạm đầm ấm, thân tình cơi nới thêm cánh cửa tâm hồn, những cú chạm vào nhau như của chàng trai khiếm thị tình cờ quen được hay anh chàng chở nước đá quần cộc áo thun cười rất tươi sau lúc nép mình vào giữa đám đông…

Bình luận (0)
B.Thị Anh Thơ
2 tháng 8 2019 lúc 20:05

Con người chúng ta sống không chỉ để đáp ứng những nhu cầu vật chất, tinh thần mà sống còn là để trau dồi những phẩm chất tâm hồn đáng quý. Ngày nay, kĩ năng sống là một phần không thể thiếu trong quá trình rèn luyện cách sống sao cho tốt của con người. Trong kĩ năng ứng xử, giao tiếp, lời xin lỗi đóng vai trò mấu chốt để giữ vững mối quan hệ cá nhân và xã hội. Có ý kiến cho rằng: Phải biết nói lời xin lỗi. Đây là ý kiến hoàn toàn đúng và nhận được sự đồng tình của hầu hết mọi người.

Nhiều người cho rằng, lời xin lỗi được thốt ra khi một cá nhân hay tập thể có lỗi. Ý kiến đó không hẳn là sai nhưng không nên nghĩ quá tiêu cực đối với lời xin lỗi như vậy. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, ít nhiều chúng ta cũng nghe thấy lời xin lỗi xung quanh. Nhưng lời xin lỗi ấy có thể là “Xin lỗi bạn, đường đến bưu điện cách đây bao xa?”, “Xin lỗi, tôi có thể ngồi chiếc bàn này cùng anh?”, “xin lỗi vì tôi đã đường đột đến đây”, “con xin lỗi mẹ vì khi nãy con đã làm điều không đúng với mẹ” …..

Lời xin lỗi là rất nhiều nhưng có thể thấy lời xin lỗi không chỉ là cách thể hiện thái độ biết lỗi, tự nhận thấy sai lầm mà còn là phép lịch sự trong giao tiếp, ứng xử giữa người với người. Vậy tại sao ta phải nói lời xin lỗi?

Trước hết, xin lỗi là một phép lịch sự trong giao tiếp mà ta có thể gọi đó là văn hóa xin lỗi. Nó thể hiện sự văn minh, tôn trọng đồng loại mà đặc biệt xin lỗi để thấy một xã hội công bằng dân chủ và văn minh khi tất cả mọi người không phân biệt địa vị, cấp bậc, giàu nghèo đều cần nói lời xin lỗi không chỉ những lúc sai lầm mà còn cả những lúc tỏ thái độ tôn trọng người khác.

Xin lỗi là khi ta biết lỗi và nhận lỗi. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện trách nhiệm của người đó với lỗi lầm, với người khác, với cuộc sống.Điều đó có nghĩa là bạn thừa nhận sai lầm và không đổ lỗi cho bất cứ lí do gì. Lời xin lỗi được nói ra không chỉ đơn thuần là một lời nói, nó còn là sự khẳng định chuộc lỗi và không tái phạm lần sau. Nếu một lời xin lỗi không khẳng định được điều trên thì đó một lời nói gió bay, không hề có ý nghĩa gì. Vì vậy ta phải nói lời xin lỗi để tỏ thái độ rằng ta sẽ sửa đỗi lỗi lầm vừa qua. Ví dụ, khi bạn đánh mượn đồ người khác và lỡ đánh mất, lời xin lỗi sẽ truyền tải cho người khác rằng bạn biết lỗi và bạn sẽ cố gắng tìm lại món đồ ấy hoặc trao trả bằng thứ khác… hay bằng cách khác để chuộc lỗi.

Một điều cũng hết sức quan trọng ấy là xin lỗi là cách để con người chung sống cùng nhau, hòa hợp lẫn nhau. Có người cho rằng: “Lời xin lỗi không có nghĩa là bạn sai và người khác đúng, lời xin lỗi có nghĩa là bạn coi trọng mối quan hệ đó hơn những điều đã xảy ra”. Sự thể hiện trong câu nói trên là ở những mâu thuẫn, xung đột giữa những con người. Sống là va chạm, là đụng độ với nhiều khó khăn, kể cả những bất đồng quan điểm. Tại sao có những cuộc cãi vã xuất hiện, những trận đánh nhau oái ăm không ngừng bớt nóng chỉ vì bất đồng quan điểm, vì một vấn đề không biết lỗi từ phía ai? Những tiêu cực trên sẽ được giải quyết ổn thỏa bởi một lời xin lỗi từ một trong hai phía. Chỉ cần một chút nhẫn nhịn, một chút từ bỏ cái tôi, vượt lên thói sĩ diện hảo thì tư cách của một kẻ mạnh sẽ xuất hiện, làm dịu cái khó trước mắt. Như vậy, lời xin lỗi chẳng phải là liều thuốc hữu hiệu để giải quyết nhiều vấn đề rối răm không đáng có sao?

Có câu chuyện về hai nhà họ Trương họ Lý. Một hôm, người bên nhà họ Lý qua nhà họ Trương hỏi: “Sao mọi người nhà anh sống với nhau vui vẻ, hài hòa rất là hay; còn nhà tôi năm ba bữa là cãi nhau, nhà anh có thuật sống gì hay vậy?”. Anh họ Trương nói: “Đâu có gì lạ! Mọi người trong nhà tôi luôn thấy mình là người xấu, còn nhà anh ai cũng thấy mình tốt nên mới như vậy”. Anh họ Lý ngạc nhiên: “Là người tốt tại sao lại cãi vã”. Họ Trương mới nói: “Ví như có một chén trà để trên bàn, một người đi qua vô ý đụng cái bàn, bàn chao làm rơi vỡ chén trà. Người nhà của anh không nhận lỗi, mà còn lớn tiếng trách: “Ai để chén trà không ý tứ, phải để vào trong thì đâu có bể?”. Người để chén trà cũng không chịu thua, cãi lại: “Tôi để đó đâu có sao, tại anh vô ý làm bể, còn trách”. Vì ai cũng thấy mình tốt, mình phải nên mới xảy ra cãi nhau. Còn nếu là người nhà của tôi khi gặp sự việc như vậy sẽ nhỏ nhẹ xin lỗi: “Tôi lỡ vụng làm đổ chén trà, thành thật xin lỗi”. Người để chén trà nghe vậy, cũng sẽ nói: “Cũng không thể trách anh, do tôi sơ ý để chén trà ở gần mép bàn nên mới bị đụng đổ. Đây là lỗi của tôi”. Hai người cùng nhận lỗi hết nên không cãi vã, trong nhà luôn an vui và tốt đẹp. Còn nhà anh ai cũng tốt thì lỗi về phần ai? Đây là câu chuyện có thực được kể lại nhưng ắt hẳn trong cuộc sống chúng ta những câu chuyện hiện hữu như trên không hề hiếm có. Lời xin lỗi đã làm tình người trở nên khắng khít hơn và mối quan hệ của họ thực sự được tôn trọng, tôn trọng hơn cả những việc không ai muốn đã xảy ra. Xin lỗi là tốt nhưng nếu ta lạm dụng nó quá cũng là điều không tốt. Xin lỗi đi kèm với việc sửa lỗi và hoàn thiện bản thân hơn. Việc xin lỗi quá nhiều sẽ khiến người khác nghĩ bạn là một người luôn mắc sai lầm và chỉ biết xin lỗi. Vì vậy, bạn hãy làm cuộc sống trở nên màu sắc hơn với những lời xin lỗi hợp lí.

Để tạo nên lời xin lỗi thật hữu dụng cách tốt nhất là hãy để lời xin lỗi xuất phát từ đáy lòng. “Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn sự im lặng” nhưng đó là lời nói hết sức chân thành với thái độ thành tâm nhất có thể. Hãy đưa lời xin lỗi đến người cần nhận nó một cách sớm nhất, nhanh nhất nhưng vẫn thật cẩn trọng nhất. Và một lưu ý hết sức cần thiết đó là phải biết sửa sai sau lời nói chân thật ấy các bạn nhé.

Một lời xin lỗi tưởng chừng sẽ vác đến cho bạn gánh nặng nhưng thực sự đó chính là cách để bạn tháo gỡ những vướng mắc, áy náy và giúp bạn trở nên nhẹ nhõm lòng mình hơn, yêu cuộc đời hơn!

Tóm lại, nếu có ai cho rằng Phải nói lời xin lỗi, tôi sẽ giơ tay và ủng hộ hết mình với ý kiến đó. Đồng thời, lời xin lỗi không giới hạn cho bất cứ ai, độ tuổi nào nên việc học cách xin lỗi là điều thiết yếu không chỉ riêng tôi mà còn cả nhân loại. Vì lời xin lỗi ấy không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân mà còn có ý nghĩa cho cả cộng đồng loài người chúng ta.

Bình luận (0)
Nguyen
9 tháng 8 2019 lúc 16:17

Thoạt đầu, nhiều người nghĩ rằng viết Facebook là sẽ được khuây khỏa trước cuộc sống quá nặng nề. Nhưng cứ thử nhìn vào bức tranh “tin tức” trên Facebook thời gian qua mà xem. Mọi thứ thật chẳng sáng sủa và bổ dưỡng cho tâm hồn chút nào. Những bàn cãi về thời sự, chính trị, văn hóa, lối sống cho đến những quan điểm cực kỳ ất ơ tủn mủn kiểu như sự hay dở của một bộ phim, sự hơn thua của một trận bóng, sự vừa miệng hay không của một tô bún bò, ly cà phê đầu hẻm... cũng được khoác lên màu sắc quan điểm.

Và tất cả đều có thể “xé ra to” khiến cho mọi việc diễn biến phức tạp. Phần lớn, người ta trở nên đẹp đẽ, đáo để, thông minh vượt trội nhưng cũng kém bao dung, độc đoán hơn trong những giao tiếp ở trên mạng xã hội.

Chưa nói, cái cơ chế tiếp nhận thông tin ào ạt như một loài ăn tạp không biết dừng đã khiến cho nhiều người trở thành nạn nhân của một đời sống thông tin thượng vàng hạ cám. Cuộc sống của những người này bị lệ thuộc bởi hai thứ: 1/ áp lực tạo ra thông tin sao cho người khác yêu thích và đồng tình; 2/ không thể sống thiếu những thông tin kể cả thông tin vặt vãnh nằm ngoài đời sống của mình. Có những người lúc nào cũng dán mắt trên mạng xã hội chỉ để thỏa mãn cảm giác mình tốt đẹp trong mắt người khác thế nào và ảo giác rằng mình đã nắm bắt, hiểu biết về người khác ra sao.

Rõ ràng điều đó cũng không phải lỗi từ mạng xã hội. Mà bản chất nằm ở chỗ con người đang sống sao trong thời đại công nghệ thông tin, mỗi người đang làm gì với cuộc đời của mình. Sức quyến rũ và sau đó, áp lực của thông tin là rất lớn. Bản năng muốn hiểu biết càng nhiều càng tốt về tha nhân, về ngoại giới là muôn thuở.

Nhưng điểm dừng của bản năng đó là ở đâu, liệu ta có thể chủ động được không lại là một chuyện khác. Thử hỏi, ta có thể hiểu hết một con người chỉ thông qua những chuyện tốt đẹp người ấy phơi bày trên Facebook (có ảnh minh họa) về đời sống của người đó hàng ngày? Liệu những cảm xúc, hình ảnh ăn gì ở quán nào, xem phim gì ở rạp nào, đọc sách gì ở đâu, đi tắm biển mặc đồ gì hay gặp gỡ những ai,... có đủ để mô tả toàn bộ thế giới đời sống của chính ta?

Sau một thời gian hồ hởi đón nhận Facebook, đã có những người lặng lẽ rời xa nó, hoặc lùi khỏi nó, sử dụng nó như một phương tiện thăm dò dư luận đời sống để phục vụ cho một loại công việc đặc thù nào đó. Đó là khi người ta hiểu ra sự công cộng hóa thông tin cá nhân đã trở nên thật sự nhàm chán và hời hợt, nó chẳng phản ánh được gì về đời sống nội tại của một con người. Đó là khi người đó hoài nghi với sự trăm nhà đua tiếng, trăm hoa đua nở trên thế giới mạng và thấy được tính tương phản của chúng đối với đời sống thực.

Con người cần chạm vào nhau thực sự và chân thành hơn chứ không chỉ loay hoay bảo vệ cái ngã của mình. Có một bài thơ thiếu nhi của thi sĩ Nguyễn Thế Hoàng Linh trong tập Ra vườn nhặt nắng đầy trong trẻo tinh tế nhưng xem ra cũng đượm buồn về một thế giới mọi thứ tương tác của con người - kể cả tình yêu thương - cũng không còn trực tiếp:

Facebook

Bà hay vào facebook/Bố mẹ cũng hay vào/Cô chú và các bác/Cũng chả thiếu người nào/Em giận mọi người lắm/Ít thời gian cho em/Mà lại yêu facebook/Hơn trẻ nhỏ yêu kem/Nhưng bé ơi, đâu biết/Mình được mọi người yêu/Hàng ngày ảnh của bé/Thu về like rất nhiều.

Dư âm buồn của một bài thơ nhỏ có giúp ta phản tỉnh về một lối sống háo thông tin nhưng thiếu vắng những cảm nhận chân thành?

Một chuyện coi bộ ngẩn ngơ nhưng hóa ra là có thật: thời gian qua, nhiều nhà sách ở Việt Nam xuất bản những bộ sách tô màu dành cho người lớn. Dĩ nhiên, sách tô màu cho người lớn thì phải khác sách tô màu cho trẻ em, ở chỗ: họa tiết sẽ phong phú hơn, những hình vẽ chi tiết đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo cao hơn. Nhưng suy cho cùng, chúng lại giống sách tô màu cho trẻ con ở chỗ luyện cách tập trung vào việc của mình, không bị “nhảy nhót” với đủ thứ chung quanh. Chỉ ngồi một chỗ tập trung hoàn thành một bức tranh, đôi khi chỉ là bức tranh vẽ một cái lá hay một con chim mà nếu vào photoshop thì chỉ mất ba mươi giây là có. Vậy mà chuyện người lớn tô màu đã trở thành một hiện tượng trên toàn cầu, một trào lưu. Khi phát hành cuốn sách tô màu cho người lớn có tựa Vương quốc muôn loài của Millie Marotta (cuốn này đã được dịch 20 thứ tiếng và bán ra 500.000 bản ở Anh Quốc), một đại diện Nhã Nam - đơn vị độc quyền phát hành tại Việt Nam - nói đại ý rằng, thị trường tại Việt Nam khá lạc quan với dòng sách mang tính “trị liệu” này.

Nhưng đó cũng chỉ là một trong những cách thế giúp chính những người trưởng thành trong thời buổi thông tin xao nhãng này luyện cách tập trung và tìm thấy quân bình trong đời sống, chạm vào đời sống ngay từ những việc tưởng rằng họ đã làm rất tốt từ khi còn là một đứa trẻ thơ. Ngoài ra sẽ còn một vài cách thế khác, giản đơn hơn mà ai cũng có thể làm được nếu quyết tâm và có... dũng khí để chống lại thói quen của mình, như: deactivate (vô hiệu hóa tài khoản) Facebook vài ngày để sống trọn vẹn với những người thân yêu.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
Trần Thị Trinh
Xem chi tiết
KHOINAUANSIEUNGON
Xem chi tiết
Nguyễn Thảo My
Xem chi tiết
 huy
Xem chi tiết
Phan Ngọc Anh
Xem chi tiết
Sơn Phạm
Xem chi tiết
ngọc linh
Xem chi tiết
Trần An Nhi
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Mỹ Duyên
Xem chi tiết