Soạn văn lớp 8

Thu Nguyen

đánh giá về nhà văn Thanh Tịnh

Vivian
6 tháng 7 2018 lúc 14:09
Cái tên của ông luôn gợi nên một cái gì đó thật nhẹ nhàng, thuần khiết. Sự thực thì trong cuộc sống, nhà thơ Thanh Tịnh cũng thuộc típ người có phong thái lịch lãm, nói năng nhỏ nhẹ. Nhỏ nhẹ và dí dỏm.

Đặc biệt, ngay cả để phê bình, góp ý một ai đó, một vấn đề nào đó, ông cũng luôn tìm cách nói sao cho hài hước. Như thể chỉ có vậy, những lời phê bình, góp ý của ông mới ăn sâu được vào trí nhớ người ta? Sẽ không có gì là quá khi ta khẳng định rằng, Thanh Tịnh là người thuộc diện có cách phê bình, góp ý độc đáo hơn cả trong số các nhà văn đương đại Việt Nam.

Nhà văn Thanh Tịnh
Chuyện kể rằng, một lần tại một quán cơm bình dân, các thực khách đã phải ngạc nhiên khi thấy Thanh Tịnh đang ăn bỗng bất thần reo lên: "Ơ! Tôi gặp cái gương của ai đánh rơi trong đĩa thịt đây này".

Trong khi mọi người chưa hiểu sự thể ra thế nào đã thấy ông vừa ngắm nghía một miếng thịt lợn trên đũa vừa thủng thẳng nói một mình: "À, không phải! Thế mà cứ tưởng cái gương nó phản chiếu cái cằm râu của mình".

Thì ra, đó là cách chê khéo của Thanh Tịnh, rằng thì chủ quán đã làm ăn qua quít, để miếng thịt lợn còn nhiều lông quá. Khi hiểu ra thâm ý của nhà thơ, cả quán đã phải ồ lên cười. Riêng bà chủ quán thì không thể… không đỏ mặt.

Lại một lần, ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội (nơi nhà thơ Thanh Tịnh công tác) bỗng nhiên xảy ra một vụ mất cắp vặt. Khi anh em họp bàn nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này, chờ cho mọi người phát biểu xong xuôi, Thanh Tịnh xin được "góp một đôi ý kiến".

Ông nói: "Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế chúng ta đạt ba tiêu chí: dân tộc, khoa học và đại chúng. Dân tộc vì có mái cong rất Việt Nam và rất cổ kính. Khoa học vì nhà có hệ thống lò sưởi, thoáng khí, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Còn đại chúng là ở chỗ ai muốn vào thì vào, muốn ra thì ra, khi nào đi cũng được".

Đến đây ông đề nghị: "Hãy bớt cái tính đại chúng ấy đi, cử người bảo vệ". Mọi người nghe vậy rộ lên cười. Nhà thơ Vương Trọng - người chứng kiến chuyện này - khi kể lại, cũng không quên đưa thêm một nhận xét "nói như thế mới là Thanh Tịnh".

Một nhà máy làm quạt điện mời Thanh Tịnh đến dự liên hoan tổng kết năm. Sau báo cáo tổng kết của ông giám đốc, nhà văn được giới thiệu lên phát biểu đôi lời. Thanh Tịnh đã khiến cử tọa phải bất ngờ khi mở đầu câu chuyện, ông kể về một cặp vợ chồng tỉ phú người Ý, sau chuyến đi du lịch tới 3 tháng, lúc trở về nhà thấy cái quạt trần họ quên không tắt vẫn… đang chạy.

Đó là chiếc quạt trần do Hãng Garibanđi sản xuất. Quay sang nhận xét về chiếc quạt "con cóc" của ta, ông khen nó "đa năng" hơn chiếc quạt Ý kia, vì "mùa hè quay cánh vào người thì mát, mùa đông quay đít vào người thì ấm". Nghe thủng câu chuyện, cả hội trường rộ lên tiếng vỗ tay. Anh em hiểu đấy thực chất là một lời phê. Nhưng "phê" như thế thì họ "nghe được".

Một người bạn của Thanh Tịnh sau đận mua một chiếc khóa xe đạp kiểu mới, đi đâu cũng khoe là nó rẻ, nó tốt. Thanh Tịnh thấy vậy, tủm tỉm cười, bảo bạn:

- Khóa ấy răng tốt bằng khóa của tui.

Người bạn nọ nghe vậy hỏi ngay là khóa của Thanh Tịnh tốt như thế nào và ông mua nó ở đâu. Thanh Tịnh nói tỉnh bơ: "Khóa tui tốt hơn khóa anh. Tốt đến nỗi chính tui là chủ của nó cũng… không mở được". Đến đây, ngừng một lát, ông buông thõng một câu: "Và tui cũng mua ở cái hiệu mà anh vừa nói đến". Vậy là từ đó, ông bạn kia không còn ồn ào xung quanh việc "quảng bá" cho chiếc khóa rởm kia nữa.

Một Tết nọ, có vị khách đến thăm Thanh Tịnh. Sau khi nghe chủ nhân giới thiệu khắp lượt các cổ vật trong phòng, nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương, làm bộ quan tâm, ông ta hỏi:

- Ảnh trên đó có phải cụ thân sinh ra bác không?

Thanh Tịnh kính cẩn thưa: "Dạ đúng, ông cụ tôi đấy ạ". Vị khách không hiểu đầu óc đang bận nghĩ gì mà lại buột miệng: "Cụ còn khỏe chứ ạ?". Thanh Tịnh nghe vậy mà thêm nẫu lòng, bởi vị khách hỏi vậy là quá vô tâm: Sao ông ta không biết rằng, chỉ có người mất mới đặt ảnh trên ban thờ và nếu cụ còn sống trên dương gian, thì "khỏe" làm sao khi người con của cụ đã ở tuổi… thất thập.

Nghĩ vậy, song Thanh Tịnh vẫn cố giữ vẻ điềm nhiên, đủng đỉnh trả lời: "Dạ thưa! Cụ khỏe vĩnh viễn ạ". Kể cũng là một lời phê bình khéo cách xử sự vô tâm của vị khách.

Những ai thường năng lui tới thăm nhà thơ Thanh Tịnh (thời kỳ ông còn "ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân" ở Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội), hẳn không ít thì nhiều sẽ có lúc được chứng kiến cảnh lão nhà thơ say sưa giới thiệu những món "cổ vật" mà ông cất công bao năm tháng sưu tầm và bày biện khắp gian phòng.

Lần ấy, vừa thoáng thấy bóng Chế Lan Viên xuất hiện, Thanh Tịnh tỏ ra xởi lởi:

- Này, Hoan (tên thật của Chế Lan Viên). Mình vừa kiếm được một hiện vật rất quý hiếm mà không bảo tàng nào có được.

Thật ra, đây chính là chiếc ấm bằng sứ Chế Lan Viên tặng ông hơn chục năm về trước, trên vỏ ấm có ghi dòng chữ "có từ thời Lý" do đích thân Chế Lan Viên viết. Thanh Tịnh dừng lại nói:

- Chiếc ấm từ đời Lý của anh cho đó!

Chế Lan Viên nghe vậy rất lấy làm phấn khởi, liền quay sang giới thiệu về lai lịch của chiếc ấm. Thanh Tịnh bấy giờ mới thủng thỉnh:

- Chiếc ấm quả đúng là của thời Lý, nhưng mà là thời… Lý toét!

Lại một lần khác, Thanh Tịnh tiếp một ông bạn làm ở bảo tàng đến chơi. Trông thấy Thanh Tịnh có chiếc đĩa in hình mai hạc, trên đề câu thơ chữ Nôm "Mai là bạn cũ hạc là người quen", ông này bèn gạ Thanh Tịnh đổi chiếc đĩa ấy cho bên bảo tàng của mình vì bảo tàng "cũng có một cái y chang, nhưng nó… sứt".

Nhà thơ Thanh Tịnh im lặng. Ông nọ thấy thái độ nhà thơ như vậy liền chuyển hướng sang… gạ mua. Thanh Tịnh vờ hỏi giá bao nhiêu, ông nọ cho hay số tiền đủ mua mấy lít rượu. Biết mình gặp phải một tay "bợm", Thanh Tịnh giả bộ ngạc nhiên: "Đổi ư? Cái đĩa của ông cổ hơn cái này. Ông đổi cho tôi thật chứ? Đổi nhé?".

Ông nọ nghe vậy thì có vẻ ngần ngừ, có lẽ ông ta sợ "hố". Nghĩ ngợi một lát, ông ta xuống giọng hỏi nhỏ:

- Sao ông biết là chiếc đĩa của tôi cổ hơn?

Thanh Tịnh nói giọng thì thào, giả bộ sợ có người nghe được:

- Cổ hơn vì nó đã… sứt rồi. Cái này chưa sứt!

Đúng là chỉ Thanh Tịnh mới có cách "phê" độc đáo như thế. Nguồn : giadinh.net.vn
Bình luận (2)
Lê Anh Tú
6 tháng 7 2018 lúc 16:19

Ông sinh ngày 12 tháng 12 năm 1911[1] tại xóm Gia Lạc,ven sông Hương, ngoại ô Huế.

Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán đến năm 11 tuổi, thì theo học chữ Quốc ngữ tại trường tiểu học (trường Đông Ba) và trung học (trường Pellerin của giáo hội Thiên Chúa giáo) ở Huế.

Đỗ bằng Thành chung, năm 1933, ông đi làm ở các sở tư rồi sau đó làm nghề dạy học. Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, làm thơ và cộng tác với các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh Nghị, Tinh Hoa...Sáng tác đầu tay của ông là truyện "Cha làm trâu, con làm ngựa" đăng trên Thần kinh tạp chí (1934).

Năm 1936, Thanh Tịnh cho xuất bản tập thơ Hận chiến trường.

Năm 1941, ông và hai bài thơ của ông ("Mòn mỏi" và "Tơ trời với tơ lòng") được Hoài Thanh- Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam (1942).

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Thanh Tịnh làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ.

Năm 1948, ông gia nhập bộ đội. Sau đó, ông tham gia phụ trách đoàn kịch Chiến Thắng của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1945, ông tham gia phụ trách rồi làm Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội. Về sau, ông thôi làm lãnh đạo, để chuyên sáng tác.

Năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), và trở thành Ủy viên Ban chấp hành Hội khóa I, II.

Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, và mang cấp bậc Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam trước khi nghỉ hưu.

Thanh Tịnh mất ngày 17 tháng 7 năm 1988 tại Hà Nội. Hiện phần mộ ông đặt tại núi Thiên Thai phía Tây thành phố Huế.

Bình luận (0)
Vivian
7 tháng 7 2018 lúc 9:00

\(\wedge aob\)

Bình luận (0)
Nanami-Michiru
8 tháng 7 2018 lúc 14:50

“Gương mặt phôi pha” là từ mà nhà phê bình Hồng Diệu dùng để miêu tả về Thanh Tịnh. Vốn là quân của Nhà số 4 (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nên Hồng Diệu có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Thanh Tịnh. Thế nhưng, cũng giống như nhiều tác giả trẻ khác khi về công tác tại Nhà số 4, Hồng Diệu cũng rụt rè, thường đứng từ xa ngắm nhìn chứ không dám lại gần, cái khoảng cách cần thiết cho một sự kính trọng. Quả tình, nếu nhìn những bức chân dung ít ỏi còn lại của Thanh Tịnh với chất lượng không được tốt, ai cũng có thể cảm nhận giống như nhà phê bình Hồng Diệu.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường chưa từng được sống và làm việc cùng Thanh Tịnh dưới mái nhà số 4, bởi khi ông về công tác thì Thanh Tịnh đã thôi làm quản lý tại đây, nhưng có một chi tiết về Thanh Tịnh do nhà văn Nguyễn Khải kể lại khiến ông ám ảnh đến tận hôm nay. Nguyễn Khải kể với Nguyễn Khắc Trường rằng, bình thường Thanh Tịnh rất điềm đạm, ít luận bàn về văn chương của anh em, thậm chí là của các đàn em nhưng những lời ông nói ra đều khiến người khác phải nể phục. Ngày ấy, dù Nguyễn Khải đã viết rất nhiều và có dư luận tốt nhưng chưa khi nào thấy Thanh Tịnh nhận xét về văn của Nguyễn Khải. Cho đến một lần, khi Nguyễn Khải in truyện ngắn “Sự ra đi của người con” Thanh Tịnh mới bảo: “Khải đã bắt đầu thành nhà văn rồi đấy, nhà văn là phải có giọng riêng”. Câu trao đổi ngắn ấy đã khiến Nguyễn Khải nhớ cả đời và luôn kể lại với anh em viết văn mà Nguyễn Khắc Trường cũng là người được nghe. Nguyễn Khắc Trường nói rằng, “thời gian ở nhà số 4, bên những tên tuổi lớn, tôi nghiệm ra rằng mình đã học được từ các anh cách sống nhiều hơn là cách viết”.

Nhà thơ Thanh Tịnh. Ảnh tư liệu.

Năm 1946, từ Huế, Thanh Tịnh ra Việt Bắc họp Đại hội Văn hóa, đúng thời điểm ấy diễn ra Toàn quốc kháng chiến, ông đi theo cách mạng, cũng từ đó, chiến tranh đã chia cắt ông với quê hương, gia đình. Năm 1954, miền Bắc hòa bình, ông về phụ trách tờ Văn nghệ Quân đội và gắn bó với mảnh đất Thủ đô đến cuối đời. Những bạn văn sống cùng thời, những anh em văn nghệ sĩ từng có dịp sống gần Thanh Tịnh đều hiểu hoàn cảnh của ông. Chuyện riêng của Thanh Tịnh còn buồn hơn bất cứ trang văn nào. Quê hương ở Huế, nhưng cả phần sau của cuộc đời ông sống trên đất Bắc. Huế trong ông gắn liền với những hoài niệm buồn thương day dứt. Năm 1975, đất nước thống nhất, bao gia đình, bao người con kháng chiến vui với niềm vui chung, vui với niềm vui sum họp thì Thanh Tịnh không còn nơi để trở về. Do hoàn cảnh chia cắt và điều kiện bất khả kháng của những năm tháng quê hương trong lòng địch, vợ ông đã sống cùng một sĩ quan cộng hòa.

Tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thanh Tịnh, PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học) nói: “Đất nước 30 năm chiến tranh, bao con người phải chịu nỗi đau chia cắt, nhưng số phận Thanh Tịnh bi đát vào bậc nhất. Có gia đình vợ con từ sớm nhưng hầu như suốt đời ông chịu cảnh “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân” (chữ của Thanh Tịnh). Chị ngậm ngùi chia sẻ, “trong số những người chịu ngang trái về mặt tình cảm phải chịu cảnh cô đơn trong giới văn nghệ sĩ thì trường hợp của Thanh Tịnh là kéo dài lặng lẽ và xót xa hơn cả”. Sau khi đất nước thống nhất, Thanh Tịnh chỉ về Huế duy nhất một lần, và việc làm duy nhất trong lần về Huế ấy là viết đơn xin bảo lãnh cho người chồng sau của vợ. Một đại tá cách mạng bảo lãnh cho một đại tá chế độ cũ vì một người phụ nữ mà họ yêu thương. Sau đó ông lại ra đi để lại sau lưng vợ con cùng một phần ký ức.

Nhà văn Hoàng Minh Châu, người có thời gian sống gần với Thanh Tịnh từ những năm trước cách mạng kể lại rằng, Thanh Tịnh lúc nào cũng vui vẻ, hài hước, ít khi để người khác thấy tâm trạng của ông. Có lần, sau một sự kiện rất vui vẻ, Thanh Tịnh nói với Hoàng Minh Châu, “Châu ơi, đừng tưởng mình cười nói vui vẻ thế là mình không có chuyện gì buồn nhé…”. Vốn kiệm lời và ít nói về mình, ông cũng chỉ dừng ở đấy. Hai bài học mà Hoàng Minh Châu rút ra từ cuộc đời Thanh Tịnh đó là niềm yêu đời, dù khó khăn mất mát, dù chuyện riêng tư có buồn đến thế nào thì Thanh Tịnh vẫn dành cho cuộc đời niềm lạc quan, vui sống; thứ hai, thơ văn của Thanh Tịnh trữ tình mà gần gũi như lời ăn tiếng nói của quần chúng, như hò vè ca dao, vì thế, đừng quên tiếng nói của công chúng.

Có rất nhiều câu chuyện, rất nhiều giai thoại mà anh em văn nghệ Nhà số 4 đến nay vẫn lưu truyền về nhà thơ Thanh Tịnh, trong đó có một kỷ niệm đến bây giờ nhớ lại vẫn khiến nhiều người rơi nước mắt. Những năm khó khăn, các nhà văn nhà thơ ở Nhà số 4 phải làm thêm bằng việc dán bìa các tông thành các hộp giấy, cuộc sống văn nghệ sĩ cơ cực muôn phần. Cuối năm ấy cơ quan được phân mỗi người một cân thịt lợn. Tất cả xì xụp ngồi rán phần của mình thành mỡ để mang về, đến lượt một nhà thơ trẻ, do đãng trí hay không có kinh nghiệm, nên khi rán xong đã đổ ngay mỡ đang sôi vào chiếc can nhựa, lúc sau quay lại thì thấy chiếc can đã nhũn ra, mỡ chảy hết. Cái Tết đã cận kề, nghĩ đến vợ con, vừa giận mình, vừa tủi, nhà thơ trẻ ngồi khóc. Thanh Tịnh đi qua nhìn thấy bèn mang suất của mình đưa cho nhà thơ trẻ. Rất nhiều năm sau, nhà thơ ấy vẫn kể lại và cứ ân hận mãi là “không hiểu sao lúc ấy tôi lại cầm suất thịt của Thanh Tịnh, tại sao tôi không nghĩ ra là tiêu chuẩn Tết thì ai cũng phải ăn, ai cũng phải sử dụng…”. Thanh Tịnh là thế, dù không nói nhưng nhìn vào cách cư xử của ông khiến người khác phải kính nể.


Cả cuộc đời Thanh Tịnh cống hiến cho văn nghệ cách mạng. Suốt một thời gian dài ông gắn bó với ngôi nhà số 4, gác gôn một trong những địa chỉ văn chương uy tín của đất nước, ông còn hết lòng tham gia công tác Hội Nhà văn. Thanh Tịnh đã sống đến những ngày cuối đời tại mảnh đất Thủ đô và mất vào ngày 17/7/1988. Đến năm 1991, ông đã được những anh em đồng đội ở Nhà số 4 đưa về an nghỉ dưới chân núi Thiên Thai, phía Tây thành phố Huế.

Tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tịnh, Đại tá nhà văn Ngô Vĩnh Bình - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, nơi Thanh Tịnh đã có nhiều năm tháng gắn bó - đã bùi ngùi thông báo, trước đó một tuần, ông có điện cho con trai nhà thơ Thanh Tịnh là ông Trần Thanh Vệ đang sống ở Huế để mời ra dự lễ kỷ niệm nhưng vì một lý do khá đặc biệt ông Vệ không thể có mặt tại Hà Nội. Lý do ấy là, mẹ ông - người vợ duy nhất của nhà thơ Thanh Tịnh - vừa mất. Đó là một sự trùng hợp rất lạ, khi bà ra đi đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Nhà thơ Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh, sinh ngày 12/12/1911 tại xã Dương Nỗ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Ông là tác giả của phong trào Thơ mới cùng với những nhà thơ mở đầu như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... Nhiều sáng tác thơ văn của ông được đưa vào sách giáo khoa, trong đó có bài “Tôi đi học” được nhiều thế hệ học sinh nhớ mãi. Sau Cách mạng tháng Tám, ông gia nhập Quân đội và trở thành nhà văn khoác áo lính. Thanh Tịnh nguyên là Đại tá, Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, và là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, II.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
Phạm Anh Sơn
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Ngọc
Xem chi tiết
Trần Thị Phương Uyên
Xem chi tiết
Phuong Levan
Xem chi tiết
hanh pham ho my
Xem chi tiết
Quỳnh Nhi
Xem chi tiết
Lê Thanh Tính
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Mai Trang
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Mai Trang
Xem chi tiết