Hướng dẫn soạn bài Vợ nhặt

Hoàng Thảo Trang
Xem chi tiết
Nguyễn Thu Hương
9 tháng 7 2019 lúc 17:26

1. Tình huống truyện trong Vợ nhặt:

* Giới thuyết về tình huống truyện:

- Tình huống truyện là bối cảnh, hoàn cảnh, không gian thời gian để tạo nên câu chuyện.

- Là những tình huống éo le, bất ngờ, độc đáo để tạo nên bước ngoặt của cuộc đời nhân vật, tình huống truyện phản ánh cuộc đời nhân vật rõ nét nhất. Đồng thời tình huống truyện cũng góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

* Tình huống truyện trong “Vợ nhặt”: Tràng nhặt được vợ.

- Truyền thống người VN xưa nay rất coi trọng giá trị của con người. Lấy vợ là việc trọng đại.

- Nhưng trong tác phẩm đó lại là TH trái lẽ thường: nhặt được vợ. “Nhặt” nghe rẻ rúng, tầm thường, ngầm ý cho thấy việc lấy vợ rất dễ dàng. Số phận, thân phận người phụ nữ bị rẻ rúng đến thảm hại, gây suy ngẫm và kích thích trí tò mò của người đọc mà giàu ý nghĩa:

a. Tình huống bất ngờ:

- TH này gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người bởi anh Tràng hội tụ tất cả những yếu tố để ế vợ nhưng bỗng nhiên anh lại nhặt được vợ, hết sức dễ dàng và tình cờ.

- Lũ trẻ con: là những đối tượng đầu tiên phát hiện ra sự kiện động trời này. Chúng theo dõi và phán đoán được đúng mối quan hệ vừa mới được xác lập giữa Tràng và thị. Một đứa trong số chúng, cong cổ gào lên “chông vợ hài” (hai vợ chồng)

- Những người dân xóm ngụ cư: “lạ lắm”, “đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán”.

- Bà cụ Tứ: dáng đi lọng khọng với tiếng ho khúng khắng quen thuộc -> dáng đi phấp phỏng -> đứng sững lại, không tin vào mắt mình, tai mình, không tin được là con mình có thể lấy được vợ…

- Tràng: ngờ ngợ, ngỡ ngàng, không tin vào hạnh phúc mình đang nắm giữ. Thế mà:

+ Thấy thị ngồi ngay giữa nhà, hắn thấy ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?

+ Sáng hôm sau tỉnh dậy, việc hắn có vợ vẫn khiến hắn thấy ngỡ ngàng như không phải. Hắn không dám tin vào thứ hạnh phúc mình đang nắm giữ.

=> Đây là tình huống đầy bất ngờ.

b. Tình huống éo le:

- Sau những giây hút đầy bất ngờ, mọi người đều chìm trong những hỗn độn của cảm xúc: không biết nên buồn hay nên tủi, nên vui hay chưng hửng,… => tình huống éo le

* Niềm vui mừng: Tràng là chàng trai hội tụ đầy đủ yếu tố để không lấy được vợ (nghèo, dân ngụ cư, ngoại hình không hấp dẫn, hơi ngờ nghệch) vậy mà lại lấy được vợ một cách dễ dàng trong hoàn cảnh nghèo đói. Mọi người mừng cho anh đã lấy được vợ.

* Sự ngậm ngùi, xót thương: vì đám cưới diễn ra thảm hại, tội nghiệp:

- Bộ áo mà thị mặc trong ngày vu quy là bộ áo quần rách tả tơi như tổ đỉa, vạt áo đã rách bợt.

- Quà thách cưới mà chỉ có bốn bát bánh đúc mà thị sà xuống ăn một chặp chẳng chuyện trò gì, là cái thúng con mua ngoài chợ tỉnh để thị đựng mấy thứ lặt vặt.

- Lễ đưa dâu mà chỉ có anh nhặt vợ đi trước và chị theo chồng cúi mặt đi sau.

- Âm thanh ngày cưới không phải là tiếng nhạc sôi động, vui tươi mà là tiếng quạ đang gào lên từng hồi thê thiết từ ngoài bãi chợ vọng vào, là tiếng hờ khóc, tiếng khóc tỉ tê của những gia đình có người chết.

- Không khí của đám cưới không phải là trong lành, tràn đầy niềm hứng khởi mà là mùi đất khô khốc khét lẹt từ những đống giấm người ta đốt để xua đi tử khí.

=> Đám cưới được xây dựng trên bối cảnh một đám tang lớn của dân tộc.

- Bữa cơm đón dâu mới: Nồi cháo cám chát xít, nghẹn bứ mà mỗi người ăn có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn cộng thêm với một đĩa rau chuối thái rối và một đĩa muối để ăn với cháo.

=> Đây là đám cưới cực kì tội nghiệp. Bà cụ Tứ: “Người ta dựng vợ gả chồng trong lúc gia đình ăn nên làm nổi. Còn mình thì…” => Bà thương mình, tội nghiệp cho con và thương cho cô con dâu mới.

* Nỗi lo lắng:

- Người dân xóm ngụ cư: thở dài, thốt lên, nín lặng. “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?

- Bà cụ Tứ: cúi đầu nín lặng “không biết chúng nó có nuôi nổi nhau qua khỏi cơn đói khát này không”, những giọt nước mắt rỉ ra ở hai kẽ mắt kèm nhèm.

- Tràng: Khi Tràng nói đùa mà thị theo thật, anh cũng trợn nghĩ:“đến thân mình không biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”

=> Mừng không nổi, thương cũng không xong, lo lắng cũng không hết. Những dòng tâm trạng đan xen, hòa nhập vào nhau tạo nên dòng cảm xúc lẫn lộn.

c. Tình huống cảm động

- Nói là tình huống cảm động vì tình huống này đã bộc lộ được vẻ đẹp của người nông dân trong tình cảnh khốn cùng:

* Vẻ đẹp tâm hồn của Tràng:

- Tấm lòng nhân hậu.

- Khát khao hạnh phúc.

* Vẻ đẹp tâm hồn của bà cụ Tứ:

- Tấm lòng nhân hậu, thương con.

* Vẻ đẹp tâm hồn của người vợ nhặt:

- Khát vọng sống mãnh liệt.

- Vẻ đẹp nữ tính.

- Vẻ đẹp của niềm tin vào tương lai.

2. Giá trị hiện thực và nhân đạo thể hiện qua tình huống truyện:

* Giá trị hiện thực: Phơi bày, phản ánh tình trạng khổ sở của người nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945 dưới sự cai trị, áp bức thực dân Pháp, phát xít Nhật, và phong kiến, tay sai.

* Giá trị nhân đạo:

- Cảm thông, thương xót trước nỗi khổ tận cùng của ng dân VN trong nạn đói năm 1945.

- Lên án, tố cáo những thế lực (Pháp, Nhật, Phong kiến tay sai) đã gây ra thảm cảnh cho người dân Việt Nam: khiến người chết như ngả rạ, thân phận con người trở nên hết sức rẻ rúng.

- Phát hiện và trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của người dân Việt Nam trong tình cảnh khốn cùng.

- Tìm thấy tia sáng cuối đường hầm, lối thoát đổi đời cho người dân.

=> TH truyện có mạch vận động từ bóng tối ra ánh sáng, thể hiện tâm nguyện của nhà văn.

Bình luận (0)