Cảnh báo

Bạn cần đăng nhập mới làm được đề thi này

Nội dung:

ĐỀ SỐ 2 PHẦN I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (5 điểm): Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: HỌC NÓI Tưởng là điều dễ nhất đối với con người, nhưng NÓI lại là khó nhất. Và rất đáng tiếc, một thực tế là nhiều người có học hàm học vị, chức vụ cao nhưng nói viết không bằng người mới học xong tiểu học thời Pháp thuộc. NÓI là diễn đạt suy nghĩ, tình cảm của mình sao cho người nghe hiểu đúng điều mình muốn nói và vui vẻ tiếp nhận nó. Nguyên tắc lớn nhất của NÓI là không nên khẳng định điều gì, kể cả điều đã được khẳng định. Chúng ta chỉ có thể khẳng định những điều đã chính xác xảy ra, ví dụ hôm qua Chelsea hòa Livepool 1 – 1. Khi khuyên ai đó ta không nên dùng mệnh lệnh thức mà nên dùng dạng khuyến nghị. Ta muốn khuyên bạn tập thể dục. Nếu ta nói “Anh phải tập thể dục”. Không hề sai nhưng chưa đúng. Vì bạn có thể vặn lại “Sao anh nghĩ là tôi không tập thể dục?” và rất bực tức mình bởi lời khuyên chân thành của ta. Hoặc đọc một truyện ngắn, thấy cái kết chưa ưng ý mình ta nên nói “Anh thử nghĩ xem còn cái kết nào hay hơn nữa không?” thay cho “Cái kết chưa hay lắm!”. Khi nghe thấy một điều/ việc gì đó ta chưa tin hoặc theo những thông tin ta có thì nó không đúng, đừng vội phán ngay “Sai rồi!” mà nên kiểm tra lại kiến thức của mình, nếu còn nghi ngờ thì khéo léo hỏi lại để bạn làm rõ hơn, biết đâu chính mình sai thì sao? Chẳng hạn như: Lão Hâm đăng bài về một người cách mạng năm 1934 giúp dân lấn biển thành lập làng mới, sau được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng, có ảnh chụp minh họa, có địa chỉ cụ thể. Một người tự cho mình là nhà sử học vào phán lấn biển Thái Bình chỉ có cụ Nguyễn Công Trứ, không có ai khác. Lộ ra là anh chỉ mới biết một mà chưa biết hai và không có thái độ khách quan của người làm khoa học. Có lúc ta phát hiện có cái gì đó sai sai trong bài viết của người bạn, đừng vội vạch ra cái sai đó, bởi, trừ lỗi chính tả, biết đâu người bạn ta có ẩn ý gì chăng, kiểu nói vậy mà không phải vậy? Cái tưởng là sai hiển hiện lại là cái đúng khi ta chịu khó bóc lớp vỏ ngoài, đi sâu vào các tầng nấc ý nghĩa của câu chuyện. Ví dụ bạn nói củ hành màu trắng, ta đưa ngay bức ảnh chụp củ hành nguyên vỏ màu nâu để chê bạn nói sai. Nhưng ý bạn là củ hành đã bóc vỏ, đọc kỹ mới hiểu. (Phan Chi – 30/9/2018) Câu 1 (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên là gì? Nêu nội dung chính của văn bản? Câu 2 (0,75 điểm): Theo tác giả của bài viết, tại sao NÓI lại là điều khó khăn? Câu 3 (1,25 điểm): Suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc sử dụng lời nói trong cuộc sống đối với từng hoàn cảnh và từng đối tượng. Câu 4 (2,5 điểm): Em có đồng tình với quan điểm: “Nguyên tắc lớn nhất của NÓI là không nên khẳng định điều gì, kể cả điều đã được khẳng định” hay không? Hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 10 – 15 dòng) trình bày suy nghĩ của em về nhận định trên. PHẦN II. LÀM VĂN (5 điểm) Có ý kiến cho rằng: Bài thơ Thương vợ cho thấy cái tài và cái tình của Trần Tế Xương. Phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận định trên. ---------------HẾT-----------------
00:00:00