Vòng 3 - Chung kết

Phần I:

Câu 1:

- Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm “ Cô bé bán diêm” của tác giả An-đéc-xen.

Câu 2:

- Phương thức biểu đạt của đoạn trích trên là kết hợp giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm.

Câu 3:

Miêu tả: "Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biếc đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt|.

=> Tác dụng miêu tả đặc sắc hình ảnh ngọn lửa diêm rực sáng tuyệt đẹp.

Biểu cảm : "Chà! Ánh sáng kỳ diệu làm sao!"

=> Tác dụng bày tỏ cảm xúc trước ánh sáng đẹp đẽ ,kì diệu của que diêm.

Câu 4:

- Từ ngữ “ đánh liều” cho ta biết hoàn cảnh của cô bé lúc đó: quá rét, không chịu nổi nữa buộc phải quẹt diêm để sưởi ấm cho đỡ rét.

- Vì mỗi lần quẹt que diêm là mỗi lần ước ao, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc lại hiện ra trước mắt cô bé, khiến cô muốn níu giữ lại, rồi lại vụt mất khi que diêm tắt, đến khi người bà thân yêu xuất hiện, vì muốn giữ bà lại, không để bà biến mất như những lần trước nên cô bé đã vượt qua nỗi sợ hãi mà quẹt hết tất cả các bao diêm, chỉ mong nhờ bà xin với thượng đế cho cô về với bà, với chúa để thoát khỏi cuộc sống đói khát, khổ cực nơi trần gian. 

Câu 5:

Đó là cách nói giảm nói tránh về cái chết để giảm nỗi đau buồn, thương tâm của cô bé đáng thương.

- Nhà văn để cho cô bé bán diên chứ không phải bán một thứ hàng nào khác tất cả là điều có dụng ý riêng của tác giả. Vì que diêm là nguồn gốc của ánh sáng, của sự ấm áp,  đối lập với cái lạnh lẽo, tối tăm của bầu trời  đêm giao thừa. Đó cũng là cách tác giả thể hiện thái độ phủ nhận đối với xã hội bất công đương thời, đồng thời cũng thể hiện niềm tin và khát vọng sống cho những con người có hoàn cảnh khốn khổ.

-Ý nghĩa của hình ảnh nghệ thuật “ diêm”:

+ “ Diêm” là hình ảnh tượng trưng cho ánh sáng của sự ấm áp, xua tan cái lạnh lẽo, tăm tối .

+ “ Diêm” là ánh sáng thắp sáng khát vọng, ước mơ của tuổi thơ về một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ về vật chất và cả tinh thần.

+ Đồng thờ thể hiện tấm lòng yêu thương và đồng cảm với trẻ thơ của nhà văn.

Câu 6:

Tác phẩm “ Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen là một câu chuyện vô cùng cảm động về một cô bé bán diêm đáng thương phải sống trong sự bất công, vô tâm của những con người trong xã hội phong kiến Đan Mạch thế kỉ XIX. Kết thúc câu chuyện bằng cái chết đầy đaau thương của cô bé. Qua đó tác  giả muốn lên án phê phán chế độ thực dân phong kiến đầy bất công, một xã hội vô lương tâm. Chính sự vô tâm của những con người sống trong xã hội ấy đã vô tình giết chết một sinh linh nhỏ bé. Đồng thời tác giả cũng muốn nhắn nhủ với mỗi người chúng ta một thông điệp hết sức nhân văn là sống phải biết yêu thương lẫn nhau, đặc biệt là với những em bé có hoàn cảnh khó khăn. Sống phải biết đồng cảm, thấu hiểu và yêu thương, quan tâm đến trẻ em nhiều hơn. Hãy để cho trẻ em được sống trong sự đùm bọc, che chở, yêu thương của gia đình và cộng đồng. Đừng để cái kết đắng lòng của câu chuyện xảy ra thêm một lần nào  nữa. Và trong cuộc sống hiện nay vẫn còn rất nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ và thông điệp ấy của câu chuyện vẫn còn giữ nguyên giá trị để mỗi người chúng ta nhận ra và biết yêu thương trẻ em nhiều hơn.

Phần II:

Học hành là điều vô cùng cần thiết đối với mỗi con người chúng ta, giúp con người nâng cao kiến thức, sự hiểu biết của  bản thân. Học có rất nhiều cách học chẳng hạn như học từ những người xung quanh, học ở lớp,ở trường hay là tự học,... Môn học cũng vậy, cũng rất đa dạng, nhiều môn, nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi môn học đều rất bổ ích, mang lại cho chúng ta những kiến thức bổ ích khác biệt. Có thể nói môn học nào cũng đều rất quan trọng. Và trong những môn học quan trọng ấy chắc chắc phải nhắc đến môn Ngữ Văn, bởi môn Văn là môn truyền thụ, là môn nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, cho ta bao nhiêu bài học về cuộc sống. Dạy cho ta biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Không những vậy nó còn cung cấp lượng kiến  thức đáng kể về đời sống-xã hội. Tuy nhiên lại có rất nhiều bạn lại ghét bỏ môn văn, không đoái hoài gì đến môn văn, thật là đáng buồn.

Nhắc đến môn Văn đa số bạn đều nghĩ  đó là một môn học nói nhiều, nói đến buồn ngủ, chẳng có hứng thú gì. Nhưng trái ngược hoàn toàn với những suy nghĩ ấy, môn Văn đích thực là một môn học vô cùng cần thiết, đó là một môn học nghiêng về cảm xúc qua các bài văn chương, tìm hiểu về những tác phẩm đặc sắc hay những câu chuyện giàu tính nhân văn mà người xưa đã gìn giữ để truyền dạy cho thế hệ ngày nay, và đặc biệt đó là một môn học giáo dục tư tưởng, nhân cách cho mỗi học sinh. Giúp cho chúng ta thấu hiểu về cuộc sống, về tình người, hơn nữa học Văn còn giúp ta có cách diễn đạt, thể hiện tình cảm sâu sắc, hàm súc hơn thông qua các hình tượng nghệ thuật.

 Thế đấy! Môn Văn bổ ích là như vậy. Sở dĩ các bạn có những suy nghĩ không tốt về môn Văn là do các bạn ấy chưa hiểu hết những lợi ích, những cái hay, cái đẹp mà môn văn mang lại. Hiện nay, trong nhà trường hầu hết trường nào cũng đều có phòng thư viện để học sinh tìm đến, tìm đọc những mẫu chuyện bổ ích, những tác phẩm hay, nổi tiếng. Nhưng thực ra, phòng thư viện như là một căn phòng chỉ để trưng vậy, học sinh lười đến đó và chỉ say sưa với những trò chơi giải trí mỗi giờ ra chơi hay những mẫu chuyện có nội dung tiêu cực, bạo lực. Những mẫu chuyện ấy hoàn toàn không có ích gì cho môn Văn, chỉ tiêm nhiễm vào tâm hồn non nớt của học sinh những thói hư, dễ gây cho học sinh tính hung hăng, tàn bạo như những nhân vật trong truyện. Có một lí do là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lười học Văn đó là một số phụ huynh còn có suy nghĩ rằng môn Văn là một môn học mà sau này rất khó để xin việc làm nên họ cứ khuyên con em mình cứ tập trung học các môn Khoa Học Tự Nhiên như Toán, Lý, Hóa với suy nghĩ rằng học giỏi các môn này dễ thi vào trường đại học để với tương lai xán lạn và dễ có thu nhập cao. Cũng từ đó, vì lo cho tương lai mà họ đã vô tình bỏ đi một môn học vô cùng quan trọng cho tâm hồn, cho cảm xúc của con em mình. Thực trạng hiện nay thật la đáng buồn, vì vậy chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu những lợi ích mà môn Văn mang lại để từ đó giúp cho các bạn học sinh khác có suy nghĩ tốt về môn Văn hơn.

Học môn Văn cái lợi ích mà ta thấy được đầu tiên là khả năng giao tiếp. Từ một người nói chuyện không rành mạch, nói chuyện lắp ba lắp bắp khi đứng trước đám đông. Nhưng khi học tốt môn Văn, khi được tiếp cận với kho tàng ngôn ngữ giàu có qua những tác phẩm, những bài thơ, bài văn hay thì từ đó khả năng giao tiếp của chúng ta cũng sẽ được cải thiện rất nhiều, không còn rung rẫy, nói năng thiếu kiểm soát trước đám đông nữa. Và dần dần, khi giao tiếp hay khi viết, chúng ta sẽ sử dụng các từ mới, từ hay như một phản xạ tự nhiên.

Như chúng ta đã biết, từ lúc mới lọt lòng mẹ, chúng ta đã được nghe những lời ru, câu hát ngọt ngào của người mẹ, người bà mỗi khi ru ta ngủ. Đó cũng chính là một phần của văn học. Sau đó, khi lớn lên ta được đến trường, được tiếp thu những kiến thức từ môn Tiềng Việt, Ngữ Văn, những môn đó dạy ta những bài học sâu sắc về đạo đức sống, tình người, khi đó ta lại nhớ đến lời ru năm xưa, đằm thắm biết bao! Không những vậy, văn chương còn đưa ta đến với những năm tháng chiến đấu oanh liệt của các vị anh hùng dân tộc, giúp ta biết về nguồn cội, về những công lao to lớn mà những người ở thế hệ trước đã hi sinh, cho ta một cuộc sống bình yên như bây giờ. Nói cách khác Văn học chính là giúp chúng ta cách học cách làm người. Văn học một lần nữa giúp chúng ta có thái độ biết ơn những người đi trước, những người  hi sinh mạng sống để chúng ta có ngày hôm nay, chúng ta hãy sống cho thật xứng đáng.

Trong văn học còn chứa ẩn những câu chuyện về cuộc sống hạnh phúc hay những mảnh đời khốn khổ. Khi đọc, chúng ta sẽ thêm cảm nhận được phần nào cảm xúc, nỗi đau tột cùng của nhân vật. Như tác phẩm “ Tắt đèn” của tác giả Ngô Tất Tố, quả là một câu chuyện cảm động về những con người sống trong xã hội bất công, chịu sự đàn áp đến nổi dồn con người ta vào đường cùng phải bán con kiếm tiền cứu cả gia đình , khiến cho người đàn bà như chị Dậu phải đứng lên mà chống lại quân tàn ác. Đọc xong chắc hẳn chúng ta đều tìm được trong mình sự đồng cảm, cảm thông và thấu hiểu những nỗi đau tột cùng ấy. Từ đó giúp chúng ta biết căm hận, biết ghét những bọn tàn ác, những tên đã giep rắc nỗi khổ đau đến những con người lương thiện.

Sau này cũng vậy, môn Văn luôn là một môn học rất quan trọng vì dù sau này học sinh có theo ngành nghề nào thì khi cần cũng phải biết viết một văn bản mạch lạc. Nếu một người có trình độ văn hóa cao mà viết văn luộm thuộm, người đọc đọc mãi chẳng hiểu ý họ viết gì thì suy nghĩ mà họ dành cho mình sẽ đi sang một hướng khác hoàn toàn. Thậm chí, dù trình độ có cao đến đâu đi chăng nữa thì họ cũng khó mà thăng tiến.

 Qua những phân tích trên ta có thể thấy rõ ràng môn Văn có giá trị đích thực trong nhà trường và đối với mỗi học sinh. Vì vậy, đừng vì một lí do nào đó mà lãng tránh, có những suy nghĩ tiêu cực về môn văn. Hãy quan tâm, cố gắng học môn Văn rồi khi đó ta sẽ thấy môn Văn quả thật là một môn học không nhàm chán chút nào, đó là một liều thuốc bổ bổ ích cho tâm hồn mỗi con người, giúp ta biết được sống như thế nào là đẹp, sống như thế nào là tốt để từ đó ta mới có thể trở thành một con người hoàn thiện về cả tri thức và tâm hồn.

---------------------------------------------Hết------------------------------------------------------

Điểm  13

Nhận xét: Phần 1:7đ 3)Tác dụng ở đây phải hướng đến phục vụ đoạn văn Thiếu 1 số ý: Phần 2: 6 Bạn làm chỉ mới đầy đủ được 1 ý của TB bạn xem thân bài đầy đủ phải có: 1. Hiện trạng. (Yêu thích và không yêu thích) 2. Tầm quan trọng của môn văn 3. Làm thế nào để các bạn yêu thích và học môn văn có hiệu quả. Nếu không chú trọng môn văn thì hs sẽ khó có thể phát triển toàn diện,... 4. Liên hệ bản thân.