Vùng kinh tế trọng điểm là một trong những vùng kinh tế - xã hội, được hình thành và phát triển ở nước ta từ đầu thập niên 90 của thế kỉ XX cho đến nay. Vùng kinh tế trọng điểm hội tụ đầy đủ nhất các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, có vai trò quyết định đối với nền kinh tế đất nước. Hiện nay, nước ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm. Vậy, các vùng đó có lợi thế nổi bật như thế nào? Vùng kinh tế trọng điểm có vai trò và đóng góp gì trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
- Lợi thế: Hội tụ được nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng (đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không,...), đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong nước và quốc tế, hệ thống đô thị hạt nhân, cơ sở đào tạo và nghiên cứu.
- Vai trò và đóng góp:
+ Phát triển với nhịp độ nhanh và có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Mức đóng góp của các vùng này với nền kinh tế ngày càng cao, chiếm khoảng 69,5% GDP cả nước (năm 2021).
+ Các vùng kinh tế trọng điểm đóng góp phần lớn vào trị giá xuất khẩu của cả nước, thu hút các dự án và nguồn vốn FDI. Năm 2021, 4 vùng kinh tế trọng điểm chiếm khoảng 3/4 tổng vốn FDI của cả nước.
+ Là địa bàn có khả năng thu hút các ngành mới về công nghiệp và dịch vụ; tập trung phần lớn các khu công nghiệp, các ngành công nghiệp chủ lực của cả nước.
+ Ngành công nghiệp và xây dựng chiếm gần 40% GRDP của toàn bộ các vùng và khoảng 75% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.