Việt Nam có vùng biển và các đảo, quần đảo giàu tài nguyên thiên nhiên, có nhiều tiềm năng để phát triển tổng hợp kinh tế biển. Việc khai thác tổng hợp tài nguyên biển - đảo ở Việt Nam như thế nào? Ý nghĩa chiến lược của Biển Đông trong phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng an ninh cho đất nước ra sao?
* Khai thác tổng hợp tài nguyên biển – đảo ở Việt Nam
- Phát triển du lịch biển, đảo
+ Hoạt động du lịch biển của nước ta phát triển nhanh. Số lượng khách và doanh thu của hoạt động du lịch biển tăng.
+ Phát triển du lịch biển, đảo thúc đẩy các ngành giao thông vận tải biển, nuôi trồng thuỷ sản, hình thành các mô hình nuôi trồng thuỷ sản gắn với du lịch, nâng cao đời sống của người dân, góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá vùng biển.
- Giao thông vận tải biển
+ Hệ thống cảng biển ngày càng phát triển và hiện đại.
+ Các tuyến giao thông vận tải biển ở nước ta được mở rộng cả nội địa và quốc tế, dịch vụ hàng hải ngày càng phát triển, đội tàu buôn quốc gia được tăng cường góp phần quan trọng trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá trong nước và xuất, nhập khẩu.
+ Phát triển giao thông vận tải biển thúc đẩy sự phát triển các hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch biển, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên thế giới và góp phần bảo vệ quốc phòng an ninh trên biển.
- Khai thác khoáng sản
+ Khai thác khoáng sản vùng biển nước ta quan trọng nhất là dầu mỏ và khí tự nhiên.
+ Dọc ven biển, cát thuỷ tinh và ti-tan cũng đang được khai thác, nhiều nhất ở các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu,...
+ Khai thác tài nguyên khoáng sản biển mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đất nước, thúc đẩy ngành công nghiệp hoá dầu,... tạo nguồn hàng xuất khẩu.
- Khai thác tài nguyên sinh vật biển, đảo
+ Ngành khai thác hản sản đã được đầu tư tốt hơn về phương tiện, công nghệ để tăng cường khai thác xa bờ, truy xuất được nguồn gốc.
+ Ngành nuôi trồng hải sản đã được đầu tư phát triển mở rộng diện tích và đối tượng nuôi trồng.
+ Khai thác và nuôi trồng hải sản cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm, tạo mặt hàng xuất khẩu quan trọng, góp phần thúc đẩy du lịch biển.
* Ý nghĩa chiến lược của Biển Đông trong phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng an ninh cho đất nước:
+ Biển Đông và các đảo, quần đảo của Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh.
+ Mục tiêu của nước ta là xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, đảo.
+ Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nền tảng và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước nên phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nhằm phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng,...
+ Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo vừa là quyền lợi, trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động trên biển và phải gắn liền với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho sự phát triển.