Với cách kể chuyện hấp dẫn, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật tỉnh tế, Tạ Duy Anh đã cuốn hút người đọc vào truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi. Truyện có tác dụng truyền cảm để rồi mỗi người tự rút ra bài học một cách tự nhiên, thấm thía: hãy lấy “nhân hậu” làm tiêu chuẩn để soi sáng cho tâm hồn của chính mình.
Nguồn
Chúc bn hc tốt!
Đọc xong truyện này, tôi nghĩ đây không phải chỉ là câu chuyện dành cho trẻ em, mà có thể là câu chuyện dành cho người lớn, nếu không nói rằng đối tượng chủ yếu mà tác giả muốn hướng tới chính là những người lớn! Nếu như trong truyện ngắn "Cuộc chia tay của những con búp bê" (Khánh Hoài), thông điệp mà nhà văn muốn gửi tới những người lớn oai phong bệ vệ là: "Hãy vượt qua thói ích kỉ bệnh hoạn để nghĩ đến tình thương và trách nhiệm đối với trẻ thơ vô tội!" thì trong truyện ngắn này, thông điệp của nhà văn là: "Hãy khiêm tốn nhận thức lại cho đúng về bản thân mình để chiến thắng thói đố kị tầm thường!".
Nếu tất cả những người lớn trên hành tinh này đều từ bỏ được hai thói xấu ích kỉ và đố kị thì có lẽ trăm phần trăm nhân loại đã nhất loạt hiển Thánh cả rồi! Tuy nhiên, đó chỉ là ảo vọng, mãi mãi là ảo vọng! Bởi con người không phải là thánh nhân, cho nên tất phải có lỗi lầm. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, nhà văn Bùi Bình Thi có nói rằng: "Nếu con người mà không có khuyết tật gì thì vị trí của họ là ở trong... viện bảo tàng!". Bởi sống là phải hoạt động. Mà hoạt động tất phát sinh quan hệ. Trong vô số các quan hệ mà con người phải xử lí thì có thể có cái đúng, có cái sai, có cái gần đúng, có cái gần sai, có cái vừa đúng vừa sai... Vấn đề là có nhận ra cái sai hay không? Nhận ra rồi thì có chịu sửa hay không?
Câu chuyện của Tạ Duy Anh được khởi đầu trong bầu không khí hồn nhiên "rất trẻ con", đó là những quan sát và nhận xét khá khách quan vô tư của nhân vật "tôi": "Em gái tôi tên là Kiều Phương, nhưng tôi quen gọi nó là Mèo bởi vì mặt nó luôn bị chính nó bôi bẩn". Nhưng ngay sau đó, nhân vật "tôi" bắt đầu "khó chịu" vì cảm thấy ở cô em gái có một điều gì đó không tầm thường như những thói đời bẩm sinh mà ai ai cũng có, thế là như một phản ứng tức thì của bản năng: "Tôi quyết định bí mật theo dõi em gái tôi"! Đến đây, nhân vật "tôi" - tức người anh trai, đã có một biểu hiện không thật đàng hoàng. Cái không thật đàng hoàng ấy tuy còn mơ hồ, nhưng cũng đủ trở thành mối bận tâm của người anh trai, mà nếu phải gọi đúng tên nó ra thì đó chính là cái "mầm đố kị ghen ghét" vốn sẵn có trong mọi con người, ở mọi lứa tuổi, ngự trên mọi cương vị... Cái mầm ấy luôn "phục kích" trong lòng dạ con người và nó thường nhẫn nại chầu chực cơ hội để được "phát tác" như một thứ vũ khí bảo vệ sĩ diện của những kẻ "tiểu nhân đắc chí"!
Tới khi hoạ sĩ Tiến Lê chính thức thừa nhận cô em gái là một "tài năng" thì cái mầm đố kị ghen ghét trong con người nhân vật "tôi" bùng nổ từ âm thầm đến dữ dội, từ dữ dội đến mù quáng! Thoạt đầu là mặc cảm kém cỏi: "Kể từ hôm đó, mặc dù mọi chuyện vẫn như cũ trong căn nhà của chúng tôi, nhưng tôi luôn cảm thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài. Những lúc ngồi bên bàn học, tôi chỉ muốn gục xuống khóc". Tiếp theo là thói sinh sự theo kiểu "đất bằng nổi sóng": "Tôi chẳng tìm thấy ở tôi một năng khiếu gì. Và không hiểu vì sao tôi không thể thân với Mèo như trước kia được nữa. Chỉ cần một lỗi nhỏ ở nó là tôi gắt um lên". Tiếp theo nữa là một hành vi vụng trộm: "Tôi quyết định làm một việc mà tôi vẫn coi khinh: xem trộm những bức tranh của Mèo". Cuối cùng là thái độ hằn học: "Bây giờ tôi cảm thấy nó như chọc tức tôi..." và sự cô độc: "Rồi cả nhà - trừ tôi - vui như tết...".Thế đấy! Khi đã "phát tác", thói đố kị ghen ghét giống như một ngọn lửa hoang dại thiêu đốt và làm méo mó tâm hồn của nhân vật "tôi", khiến cho nhân vật này nhìn cái vẻ mặt "rất ngộ" của cô em gái trước đây thành ra cái mặt "chọc tức" trong hiện tại, tức là gương mặt vốn khả ái của người thân thích ruột thịt bỗng trở thành gương mặt thách đố ngạo mạn của kẻ thù!
Thế nhưng, nếu chỉ có thói đố kị ghen ghét ngự trị thì hẳn là nhân loại sẽ bị rơi vào tình trạng "tự ăn thịt mình" cho đến khi... tự huỷ diệt! Thói xấu thâm căn cố đế ấy chắc chắn là không thể tận diệt được, nhưng có thể chế ngự được, có thể hoá giải được bằng lòng nhân ái vị tha! Phải chăng đây là một sự cân bằng động do Tạo Hoá khả kính từng dày công vun đắp cả triệu triệu năm?! Trong câu chuyện của Tạ Duy Anh, người anh càng tha hoá bao nhiêu thì cô em gái càng có "liệu pháp điều trị" thích hợp và hiệu quả bấy nhiêu! Bài học mà hoạ sĩ Tiến Lê dạy Mèo: "Cháu hãy vẽ cái gì thân thuộc nhất với cháu" đâu chỉ là bài học dạy cho trẻ con? Bỏ qua tất cả sự "khó chịu" của người anh, cô em gái đã "nhập tâm" một nguyên lí của sáng tạo nghệ thuật là chỉ vẽ "những gì thân thuộc nhất" không phải như nó vốn có, mà là phải nhào nặn, tái tạo và tôn vinh "nguyên mẫu" lên một tầm cao thẩm mĩ đầy sức cảm hoá, thuyết phục: "Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như toả ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa". Nghệ thuật đích thực tự nó đã hàm chứa thiên chức giáo dục, cái thiên chức có sức mạnh cải tạo con người thật kì diệu: "Tôi giật sững người. Chẳng hiểu sao tôi phải bám chặt lấy tay mẹ. Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư?... Vậy mà dưới mắt tôi thì..." và "tôi muốn khóc quá"...
Dĩ nhiên, cái gốc của nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là: "... tâm hồn và lòng nhân hậu..." của người nghệ sĩ! Chính tâm hồn và lòng nhân hậu ấy đã trở thành tác nhân hối thúc con người tự nhận thức lại bản thân mình nghiêm khắc hơn bao giờ hết: "Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy"!Hẳn nhiên, nhân loại tiến bộ chẳng còn mong gì hơn thế! Và chỉ có như thế thì nghệ thuật mới thực sự có ích cho đời sống tinh thần của con người! Mà đời sống tinh thần của con người là bằng chứng hùng hồn nhất và cũng là bằng chứng duy nhất để phân biệt con người với cầm thú!
Tạ Duy Anh là một cây bút trẻ xuất hiện trong thời kì đổi mới của văn học. Tác giả đã có những truyện ngắn hay, gây được sự chú ý của bạn đọc. Truyện “Bức tranh của em gái tôi” đoạt giải nhì trong cuộc thi viết với đề tài Tương lai vẫy gọi của báo Thiếu niên tiền phong.
Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài hội hoạ, truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” cho thấy tình cảm trong sáng hồn nhiên và lòng nhân hậu của cô em đã giúp cho người anh nhận ra những hạn chế ở chính mình. Từ đó có suy nghĩ và thái độ ứng xử đúng đắn, thắng được thói xấu ghen tị trước tài năng hay thành công của người khác.
Cốt truyện đơn giản: Người anh coi thường cô em gái Kiều Phương của mình nên đặt tên là Mèo vì mặt cô bé thường bị bôi bẩn. Rồi một hôm, người anh phát hiện cô em tự chế ra màu vẽ, nhưng vẫn dửng dưng vô tình. Khi tài năng hội họa được phát hiện và khẳng định, cả nhà yêu mến, quan tâm đến cô bé. Người anh uất ức cảm thấy mình bị đẩy ra ngoài vì bất tài. Khi lén xem những bức tranh em gái vẽ, cậu cũng phải công nhận là đẹp và có hồn. Được sự giới thiệu của họa sĩ Tiến Lê, Kiều Phương đi thi vẽ quốc tế và được giải nhất với bức tranh Anh trai tôi.
Đứng trước bức tranh, cảm giác của người anh chuyển từ ngỡ ngàng sang hãnh diện, sau đó là xấu hổ và nhận ra tâm hồn trong sáng và lòng nhân hậu của cô em gái mình.
Truyện được kể từ ngôi thứ nhất. Cách kể này cho phép tác giả thể hiện tâm trạng nhân vật rất tự nhiên bằng chính lời của nhân vật ấy. Mặt khác, tính cách cô em gái cũng được hiện ra qua cách nhìn và sự biến đổi trong diễn biến tâm trạng của người anh để đến cuối truyện thì tính cách hai nhân vật mới được bộc lộ đầy đủ, rõ nét.
Truyện có hai nhân vật đều là nhân vật chính. Nhưng nếu xét kĩ về vai trò của từng nhân vật đối với việc thể hiện chủ đề của tác phẩm thì có thể thấy nhân vật người anh có vị trí quan trọng hơn. Rõ ràng là truyện không nhằm vào việc khẳng định, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của cô em mà chủ yếu muốn hướng người đọc tới sự tự thức tỉnh lương tri ở nhân vật người anh qua việc tự trình bày những diễn biến tâm trạng của mình trong suốt truyện.
Qua cách đặt cho em cái biệt danh là Mèo và thái độ khó chịu khi thấy em hay lục lọi các đồ vật, ta thấy người, anh đã tỏ ra không mấy thiện cảm với cô em gái. Đến khi thấy em thích vẽ và âm thầm mày mò tự pha màu vẽ, cậu ta theo dõi nhưng chỉ coi đó là những trò nghịch ngợm của trẻ con và nhìn bằng cái nhìn kẻ cả, không cần để ý đến việc Mèo đã vẽ những gì. Giọng điệu, lời kể của cậu ta về những việc làm của Mèo pha chút châm biếm, hài hước.
Khi tài năng hội họa của cô em được phát hiện, cả bố, mẹ, chú Tiến Lê đều ngạc nhiên, vui mừng, sung sướng, nhưng riêng người anh thì lại cảm thấy buồn và tủi thân: Kể từ hôm đó, mặc dù mọi chuyện vẫn như cũ trong căn nhà của chúng tôi nhưng tôi luôn luôn cảm thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài. Những lúc ngồi bên bàn học, tôi chỉ muốn gục xuống khóc. Từ thái độ coi thường em dẫn đến những biểu hiện ganh tị và ghen ghét em. Cậu ta thất vọng về mình bởi không tìm thấy ở mình một tài năng nào và cảm thấy bị bỏ rơi. Từ đó nảy sinh thái độ khó chịu, hay bực bội, gắt gỏng và không thể thân thiện với em gái như trước nữa: “Bố mẹ tôi hào hứng mua sắm cho em gái tôi tất cả những gì cần cho công việc vẽ. Chú Tiến Lê tặng “đồng nghiệp” tí hon hẳn một hộp màu ngoại xịn. Chỉ có mặt Mèo là không thay đổi. Lúc nào cũng lem nhem, bị tôi quát thì xịu xuống, miệng dẩu ra. Tôi từng thấy nó rất ngộ với vẻ mặt ấy, nhưng đấy là trước kia. Còn bây giờ, tôi cảm thấy nó như chọc tức tôi…” Đây là biểu hiện của lòng tự ái và mặc cảm tự ti khi thấy người khác có tài năng nổi bật hơn mình. Sự đố kị ấy khiến cho người anh thấy không thể thân thiện được với em gái mình như trước nhưng cậu ta không thể không quan tâm đến những bức tranh do Mèo vẽ. Tâm lí tò mò xui cậu xem trộm những bức tranh của em gái để rồi xem xong thì lén trút ra một tiếng thở dài… và thầm cảm phục khiếu vẽ của em gái mình. Khi xem tranh, cậu ta nhận xét một cách rất trẻ con nhưng cũng thật tinh tế: Con mèo vằn vào tranh trông to hơn cả con hổ nhưng nét mặt lại vô cùng dễ mến. Có cảm tưởng nó biết mọi việc chúng tôi làm và lơ đi vì không chấp trẻ em. Khi biết bức tranh dự thi được trao giải nhất, cô em gái sung sướng lao vào ôm cổ người anh trai, nhưng bị cậu ta viện cớ đang dở việc đẩy nhẹ ra với thái độ lạnh lùng. Sự ghen tị, tức tối của người anh đến đây không còn kiềm chế được nữa mà bộc lộ ra bằng hành động. Tình huống tạo ra đỉnh điểm của diễn biến tâm trạng người anh là ở cuối truyện, khi cậu đứng trước bức tranh được tặng giải nhất của em gái mình. Lúc này, cậu ta được chứng kiến những bất ngờ liên tiếp. Điều bất ngờ trước tiên là nhân vật trong bức tranh chính là cậu. Hơn thế nữa, điều cậu không ngờ được là hình ảnh đẹp đẽ của mình qua cái nhìn của cô em gái: Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa. Vì thế sau cái giật sững người là một diễn biến tâm trạng đầy phức tạp nhưng lại rất dễ hiểu và rất đúng với nhân vật lúc ấy. Trong phút chốc, tâm trạng của cậu xáo động lạ lùng, từ ngỡ ngàng đến hãnh diện rồi xấu hổ. Ngỡ ngàng vì không ngờ em gái lại vẽ mình. Còn hãnh diện vì cậu thấy mình hiện ra trong bức tranh với những nét đẹp hoàn hảo. Dòng chữ Anh trai tôi đề trên bức tranh như tiếng reo vui đầy tự hào của cô em gái về người anh của mình. Điều đáng lưu ý là người anh cảm thấy xấu hổ. Xấu hổ vì nhận ra những yếu kém của mình và thấy mình không xứng đáng: Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư? Người đọc hình dung được trạng thái dằn vặt của cậu ta. Với những suy nghĩ, lời nói và hành động không tốt, cậu ta không xứng đáng được đối xử tốt như thế. Người anh đứng trước bức tranh ấy cũng giống như soi mình vào tâm hồn trong sáng và nhân ái của em gái để nhìn thấy rõ hơn những cái xấu của lòng tự ái, tự ti và đố kị. Người anh hiểu rằng bức chân dung của mình đã được vẽ nên bằng tâm hồn và lòng nhân hậu của cô em gái. Đây chính là lúc nhân vật tự thức tỉnh để hoàn thiện nhân cách của mình. Ở nhân vật Kiều Phương nổi bật lên những nét tính cách và phẩm chất đáng quý: hồn nhiên, hiếu động, ham mê hội họa, có tình cảm trong sáng và lòng nhân hậu. Khi bị anh đặt tên cho là Mèo cô bé không những không giận mà còn hồn nhiên chấp nhận và còn dùng biệt danh ấy để xưng hô với bạn bè. Bị anh la mắng thì Mèo vênh mặt: – Mèo mà lại! Em không phá là được… Khi chế xong thuốc vẽ thì vui vẻ chạy đi làm những việc bố mẹ phân công, vừa làm vừa hát, có vẻ vui lắm. Mặc dù tài năng được đánh giá cao và được mọi người quan tâm nhưng cô bé Kiều Phương vẫn không hề mất đi sự hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ. Cô vẫn dành cho anh trai mình những tình cảm thật tốt đẹp, thể hiện là bức tranh. Khi dự thi trở về, trước thái độ lạnh nhạt của anh trai, Mèo vẫn thì thầm vào tai anh: Em muốn cả anh cùng đi nhận giải. Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” của Tạ Duy Anh kể về một câu chuyện gần gũi với lứa tuổi thiếu niên trong đời sống hằng ngày, nhưng đã gợi ra những điều đáng suy ngẫm về mối quan hệ, thái độ, cách ứng xử giữa mọi người. Câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa không nhỏ. Tác giả đã thuyết phục bạn đọc khi đề cập đến một vấn đề bình thường mà quan trọng. Đó là thái độ ứng xử trước thành công hay tài năng của người khác và cả vấn đề về thái độ, cách ứng xử cứa người có tài năng đối với những người xung quanh mình. Thói đời, người ta dễ nảy sinh thói ghen tị, đố kị hay mặc cảm tự ti khi chứng kiến tài năng và sự thành đạt của người khác. Ngược lại, kẻ có tài năng khi được đề cao cũng dễ sinh ra kiêu ngạo, tự mãn, coi thường những người xung quanh. Vì thế, tài năng dần dần thui chột, bởi không có điều kiện, môi trường tốt để phát triển. Bài học có thể rút ra từ truyện ngắn này là: Trước thành công hay tài năng của người khác, mỗi người cần vượt qua những thói xấu như ganh ghét, đố kị hay mặc cảm tự ti để hòa chung niềm vui với mọi người. Lòng nhân hậu và sự độ lượng, vị tha giúp con người tự vượt lên bản thân để sống thanh thản, tốt đẹp hơn. Qua câu chuyện của hai anh em, tác giả đã gợi lên trong người đọc sự suy ngẫm để đi tới nhận thức và hành động đúng đắn trước những tình huống tương tự. Tác phẩm có ý nghĩa giáo dục nhân cách nhưng không rơi vào giáo huấn khô khan, vì bài học được thể hiện một cách tự nhiên mà sâu sắc qua sự nhận thức của nhân vật chính.