Bài 13. Nước Đại Việt ở thế kỉ XVIII

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Thánh Trở Lại

Trình bày tóm tắt về tình hình kinh tế, văn hóa nước ta ở các thế kỉ XVI - XVII

Kieu Diem
2 tháng 5 2019 lúc 20:29

Tình hình kinh tế:

* Nông nghiệp:

- Đàng Ngoài: Sản xuất nông nghiệp bị tàn phá nghiêm trọng. Ruộng đất bị bỏ hoang⇒⇒đời sống nhân dân cực khổ, phải đi phiêu tán khắp nơi.

- Đàng Trong: Sản xuất nông nghiệp phát triển, nhà nước ra sức khuyến khích khai khẩn đất hoang lập làng, ấp ⇒⇒đời sống nhân dân dần đi vào ổn định, hình thành một số địa chủ lớn.

* Thủ công nghiệp và thương nghiệp:

-Thủ công:phát triển đa dạng, xuất hiện thêm nhiều làng nghề nghề thủ công.

-Thương nghiệp: được mở rộng, đô thị xuất hiện. Các thương nhân nước ngoài thường xuyên trao đổi với nước ta. Nhưng đến thế kỉ XVIII, các đô thị suy tàn dần.

Tình hình văn hóa:

- Tôn giáo: Nho giáo được đề cao. Phật giáo và Đạo giáo được phục hồi. Thiên Chúa Giáo du nhập vào nước ta.

- Chữ Quốc Ngữ ra đời.

- Chữ Hán chiếm ưu thế, chữ Nôm phát triển mạnh.

-Văn học dân gian phát triển phong phú.

-Nghệ thuật dân gian và nghệ thuật sân khấu phát triển đa dạng.

Dương Tiểu Thúy
27 tháng 3 2017 lúc 20:42

1. Bước phát triển mới về Kinh tế

- Nông nghiệp:

Trong các thế kỷ XVI-XVII đầu XVIII, đất nước diễn ra các cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến cầm quyền (Mạc - Trịnh, Trịnh - Nguyễn...) và điều đó đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vào các thời điểm quyết liệt của cuộc chiến ở những vùng trở thành bãi chiến trường. Trong hoàn cảnh đó, những người trực tiếp sản xuất đã nỗ lực gấp bội để duy trì cuộc sống, xây dựng quê hương, bản quán. Mặc dù nhà nước Lê - Trịnh ở Đường ngoài, chúa Nguyễn ở Đường trong không còn đóng vai trò quan trọng được như thời Lý, Trần, Lê sơ, nhưng nông dân ở cả hai vùng vẫn tiếp nối được truyền thống lao động cần cù, duy trì và trong một mức độ, đã thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển.

Công cuộc khai hoang lập làng xóm mới, mở rộng thêm diện tích đất đai canh tác tiếp tục được thực hiện ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là vùng đồng bằng, ven biển.

Ở Đường ngoài, hàng chục vạn mẫu đất đai được khai khẩn đưa vào sản xuất.

Ở vùng trung du thuộc các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, công cuộc khẩn hoang cũng được tiến hành mạnh. Nhiều người nuớc ngoài có mặt ở Đường ngoài thời đó đã rất ngợi ca sự trù phú của đất đai. Giáo sĩ Marini trong tập ký sự về Đường ngoài đã để hẳn một chương để mô tả "sự màu mỡ của Vương quốc" này ("Vương quốc xứ Đàng ngoài"). Marini viết: "Đất đai màu mỡ và không lúc nào nghỉ sản xuất. Nhân dân rất hiểu giá trị của ruộng đất nên không bỏ hoang và những người nội trợ giỏi, sau khi thu hoạch mùa màng xong, lập tức lại cày bừa ngay và gieo hạt. Và như vậy mỗi năm họ thường thu được 2, 3 vụ. Ở những nơi nào không trồng lúa được thì họ trồng cây ăn quả và thu hoạch lớn. Cây cối tươi tốt đến nỗi lúc nào cũng chỉ thấy một màu xanh tựa như một khu rừng với một mùa xuân vĩnh viễn".

Marini còn ca ngợi sự giàu có, phong phú của các cây công nghiệp như mía, bông, đay, dâu. Lái buôn Đampiê vào Đường ngoài năm 1688 cũng có nhận xét: "ở đây có nhiều thóc gạo, nhất là ở các vùng đất thấp là chỗ được những con sông tràn ngập làm cho màu mỡ. Hàng năm người ta cấy gặt hái mùa, thu hoạch được rất nhiều".

Đampiê ca ngợi sự trù phú của nghề làm vườn, trồng cây ăn quả, trồng rau, trồng dâu nuôi tằm. Trong Vân đài loại ngữ của nhà sử học nổi tiếng Lê Quý Đôn, tác giả đã viết về sự phong phú của nông nghiệp Đường ngoài bấy giờ như sự phổ biến của cây ngô, cao lương, kê, hàng loạt các loại giống lúa tẻ và nếp (tám giống lúa chiêm, 27 giống lúa mùa, 29 loại lúa nếp), hàng loạt loại hoa quả khác như: bảy thứ cam, chín loại chuối, nhiều loại vải, quýt, xoài, v.v.. ông còn viết: "Đất ruộng màu mỡ nghìn dặm, đồng bằng muôn khoảnh, một năm cấy được hai mùa, mỗi mẫu sản xuất trị giá được hơn 200 quan tiền". Kỹ thuật sản xuất được đúc kết trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện bốn khâu: nước, phân, cần, giống.

Tình hình trên cho thấy nền kinh tế nông nghiệp ở Đường ngoài trong các thế kỷ XVI-XVII đầu XVIII vẫn có sự phát triển trên cả hai mặt quảng canh và thâm canh. Đây là một biểu hiện rõ nét về sự ổn định của quan hệ sản xuất phong kiến và sự phát triển của chế độ phong kiến ở Đường ngoài bấy giờ.

Ở Đường trong, những người nông dân, nhất là lực lượng nông dân lưu tán đã tích cực và chủ động đẩy mạnh công cuộc khai phá đất đai dưới những hình thức và quy mô khác nhau (tự động khai phá, khai hoang do các nhà giàu, có thế lực đứng ra chiêu tập, thuê mướn..)

Đối với những dân lưu tán từ Đường ngoài vào vùng Thuận Quảng, chúa Nguyễn khuyến khích họ khẩn hoang lập làng, ruộng đất khai khẩn trở thành công điền chia cho người khai phá và họ nộp tô cho nhà nớc, có một bộ phận được nhà nước chia cho họ làm tư điền, gọi là bản bức tư điền.

Đối với bộ phận ruộng đất khẩn hoang do các nhà giàu có tổ chức khai khẩn, trong đó có một bộ phận là những người cùng quê hương với chúa Nguyễn ở Thanh Hoá theo chúa vào Thuận Quảng, còn đại bộ phận là các địa chủ ở miền Nam Bộ, thì nhà nước cho phép biến thành ruộng đất tư của người chủ đứng ra tổ chức khai hoang. Ngoài ra, các chúa Nguyễn còn sử dụng các tù binh và những người dân quê ở Nghệ An bị bắt trong chiến tranh Trịnh - Nguyễn vào việc khẩn hoang.

Đối với các vùng đất phía nam, ban đầu các chúa Nguyễn dựa vào những người Việt đã sinh sống lâu đời ở đây lập thành xóm làng và tiếp tục công cuộc khẩn hoang. Về sau số người lưu tán từ Thuận Quảng vào ngày càng nhiều, chúa Nguyễn đã cho phép và khuyến khích các quan lại, địa chủ mộ người phiêu tán đi khẩn hoang và làm chủ tất cả ruộng đất khai phá. Với cách khẩn hoang này, chúa Nguyễn đã tạo nên một tầng lớp đại địa chủ rất giàu có ở Đường trong, là cơ sở xã hội vững chắc ủng hộ chính quyền mới.

Các chúa Nguyễn còn sử dụng quân đội vào công việc khai hoang lập đồn điền cho nhà nước.

Nhờ có chủ trương đẩy mạnh công cuộc khai phá đất đai và nhờ vào sức lao động cần cù, bền bỉ của những người dân lao động, trong đó có một bộ phận đông đảo từ Đường ngoài vào, Đường trong đã trở thành một vùng đất trù phú, đất đai canh tác và làng xóm được mở rộng. Theo sử cũ, cho đến giữa thế kỷ XVIII, Thuận Hoá đã có 265.507 mẫu trong số đó có 153.181 mẫu là ruộng đất đã sản xuất từ lâu đời. Như vậy, trong thời kỳ các chúa Nguyễn đã mở rộng thêm được 112.326 mẫu. Năm 1674, tổng số diện tích ruộng đất canh tác từ Quảng Nam vào đến Gia Định là 270.000 mẫu, chưa kể diện tích đất bãi, đất quan đồn điền, quan điền trang của nhà nước.

- Ruộng đất ở Đường trong gồm có hai bộ phận như ở Đường ngoài. Một bộ phận thuộc quyền sở hữu của nhà nước và một bộ phận thuộc quyền sở hữu tư nhân, nhưng cũng có những đặc điểm riêng.

Bộ phận ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước có hai loại: loại quan đồn điền và quan điền trang và loại ruộng đất công ở các làng xã. Quan đồn điền và quan điền trang do nhà nước trực tiếp quản lý tương tự như loại ruộng quốc khố, ruộng quan ở Đường ngoài. Ở Thuận Hoá, loại ruộng này nhiều hơn ở các nơi khác, tổng số diện tích loại này ở Thuận Hoá có tới 6494 mẫu quan đồn điền và 1524 mẫu quan điền trang trong tổng số 153.181 mẫu ruộng đất của toàn xứ. Họ Nguyễn lấy một phần ruộng đất này ban cấp cho tầng lớp quý tộc và quan lại cao cấp làm ngụ lộc, nhưng chế độ ban cấp ruộng đất ở Đường trong rất nhỏ hẹp do tầng lớp quan lại quý tộc hầu hết đã là những đại địa chủ do chính sách khẩn hoang của các chúa Nguyễn tạo nên. Bổng lộc của quan lại chủ yếu là lấy dân. Ruộng đất cấp cho quan lại làm ngụ lộc chỉ từ 10 mẫu (cho đại thần, quý tộc), chưởng cơ chỉ được 5 mẫu, cai cơ 4 mẫu, cai đội 4,5 mẫu, đội trưởng 2 hoặc 3 mẫu. Số điền trang, đồn điền còn lại nhà nước giao cho dân cày và họ nộp tô theo quan hệ phát canh thu tô, hay giao cho tù nhân cày cấy theo quan hệ nông nô. Trong thực tế, bộ phận quan đồn điền, quan điền trang thuộc sở hữu riêng của nhà chúa, thu tô thuế để chi dùng trong nội phủ của gia đình chúa Nguyễn.

Ruộng đất công làng xã cũng thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà nước phong kiến. Nhà nước chia cho nông dân cày và họ nộp tô theo định kỳ. Ruộng đất công chia làm ba hạng để quy định suất phải nộp cho nhà nước:

Hạng 1: mỗi mẫu nộp 40 thăng thóc và 8 hợp gạo.

Hạng 2: mỗi mẫu nộp 30 thăng thóc và 6 hợp gạo.

Hạng 3: mỗi mẫu nộp 20 thăng thóc và 4 hợp gạo.

Đặc điểm của tình hình ruộng đất ở Đường trong là ở vùng Thuận Quảng, loại công điền nhiều nhưng càng vào phía nam tỷ lệ càng giảm dần và ở vùng Gia Định, công điền chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Phần lớn bộ phận ruộng đất thuộc quyền sở hữu tư nhân. Những người có loại ruộng đất này là địa chủ, quan lại, nông dân tư hữu, chủ yếu là của địa chủ, quan lại. Ở Nam bộ đã hình thành một tầng lớp đại địa chủ rất giàu có, "mỗi nhà có đến 50, 60 điền nô, trâu bò có đến 300 con, cày bừa, trồng cấy, gặt hái không lúc nào rỗi". Các chúa Nguyễn cho phép địa chủ, quan lại được nuôi nô tỳ, hợp pháp hoá việc buôn bán nô tỳ "đem con trai con gái người man ở các đầu nguồn bán cho dân làm nô tỳ. Người da nâu tóc quăn giá tiền 20 quan một người, người da trắng hơn giá 10 quan. Chúng lấy nhau, sinh sôi, khôn lớn, làm ruộng khoẻ nên thóc gạo ở đây rất nhiều’.

Giai cấp địa chủ ở Đường trong chủ yếu cũng phát canh thu tô, bóc lột theo quan hệ địa chủ - tá điền, nhưng ở một số nơi vẫn còn duy trì chế độ nô tỳ, trong khi chế độ nô tỳ ở Đường ngoài đã suy tàn và về căn bản đã bị thủ tiêu.

Do có đất đai màu mỡ, được khai khẩn nhiều, nhất là ở phương nam mà nền kinh tế nông nghiệp ở Đường trong trong các thế kỷ XVI - XVII đầu XVIII khá phát triển.

- Sự phát triển của kinh tế hàng hoá và sự hưng khởi của thành thị.

Những biến diễn và phát triển của nông nghiệp trong các thế kỷ XVI-XVII và đầu thế kỷ XVIII đã có tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá bấy giờ ở cả Đường ngoài và Đường trong.

Sự tăng cường buôn bán với các thương nhân nước ngoài và việc tiếp xúc với luồng thương mại tư bản chủ nghĩa phương Tây càng kích thích thêm sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Thủ công nghiệp phát triển thêm một bước, buôn bán phồn vinh, những thành thị hưng khởi, những mầm mống của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa có điều kiện nảy sinh. Trong nhân dân, các nghề thủ công truyền thống tiếp tục phát triển và trở nên phổ biến rộng khắp ở nhiều làng xã. Nghề làm gốm được cải tiến, nâng cao trình độ kỹ thuật và mỹ thuật, đã xuất hiện các lò gồm lớn nổi tiếng như Chu Đậu, Hợp Lễ (Hải Dương), Bát Tràng nay thuộc Gia Lâm - Hà Nội. Nhiều làng, nghề thủ công chuyên nghiệp nổi tiếng ra đời như làng Mỹ Thiện (Quảng Ngãi), Phú Trạch (Thừa Thiên) làm nồi đất nung, dệt chiếu, lụa hoa, làng Thổ Hà (Bắc Ninh), Hương Canh (Phú Thọ) chuyên sản xuất chum vại, vò, chĩnh, làng Yên Thái (Hà Nội) chuyên làm giấy... Nổi tiếng nhất là nghề dệt vải, lụa. Hầu như các làng xã Đường ngoài đều làm nghề trồng bông dệt vải, chăn tằm dệt lụa. Người nước ngoài đến Đường ngoài vào các thế kỷ XVII-XVIII đều có nhận xét rất giống nhau về sự phát triển của nghề dệt vải, tơ lụa. Tơ trở thành một mặt hàng xuất khẩu quan trọng bậc nhất. Các chúa Trịnh chuyên bán tơ cho các lái buôn Hà Lan. Năm 1637, số tơ ở Đường ngoài có tới 3000 tạ. Năm 1644, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã mua ở Đường ngoài 645 tạ tơ, năm 1645 mua tăng lên 920 tạ tơ. Có nhiều làng, phường lụa nổi tiếng như La Cả, La Khê, Cương Thôn, An Thái, Nghi Tàm.

Thủ công nghiệp khai mỏ rất phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Nhiều mỏ được khai thác như các mỏ đồng Tụ Long (Hà Giang), Liêm Tuyền (Thái Nguyên), Ngọc Uyển (Hưng Hoá), Hoài Viễn (Lạng Sơn); mỏ bạc ở Tuyên Quang; mỏ vàng ở Kim Mã, Tam Lộng (Thái Nguyên); kẽm ở Thái Nguyên; thiếc ở Cao Bằng. Để kiểm soát việc khai mỏ, chúa Trịnh đặt các chức giám tương trông coi và thường xuyên cử quan lại đến kiểm tra. Năm 1720, chúa Trịnh đặt phép đánh thuế chuyên lợi, quy định khắt khe việc mua bán kim loại. Từ trong công nghiệp khai mỏ bấy giờ đã xuất hiện hiện tượng thuê công nhân theo phương thức bóc lột giữa chủ và người làm thuê, đã có sự phân công lao động trong sản xuất. Ngành công nghiệp khai mỏ bấy giờ mở ra triển vọng trong việc tạo ra những mầm mống của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, ít nhất cũng tạo ra tiền đề thuận lợi cho sự ra đời của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong lòng chế độ phong kiến Việt Nam, nhưng cuối cùng do chính sách lầm lẫn của các chúa Trịnh cho rằng việc khai mỏ chẳng có lợi gì, lại phải đào bới nhiều hại đến mạch đất nên nhà chúa đuổi hết thợ mỏ người Trung Quốc về nước, cấm tập trung nhiều thợ trong mỗi mỏ... Do vậy, nghề này đã bị tàn lụi dần.

Thương nghiệp cũng phát triển lên một bước đáng kể, cả nội thương và ngoại thương. Ở các làng hình thành nhiều chợ mới họp theo phiên, xuất hiện một số chợ có quy mô cấp huyện hay phủ nên có tên gọi là chợ huyện, chợ phủ. Theo Phan Huy Chú, ở Đường ngoài có 8 chợ có quy mô lớn, nộp thuế cho nhà nước. Việc buôn bán rất phát đạt, "những bọn hào phú và kẻ tiểu dân lại nhân cơ hội mà phần nhiều đua nhau làm nghề dễ ăn, ít kẻ chuyên vụ nghề nông"..

Cùng thời, sự trao đổi buôn bán với các thương nhân nước ngoài được tăng cường và mở rộng. Bên cạnh các thương nhân Trung Quốc, Gia Va, Xiêm, Nhật Bản còn có thuyền buôn các nước tư bản phương Tây. Tháng 3-1637, tàu Hà Lan Grôn cập bến ở Đường ngoài. Thuyền trưởng là Hác xinh dâng chúa Trịnh hai khẩu đại bác, nhiều đạn dược làm quà xin được buôn bán. Chúa Trịnh nhận lời và cho phép người Hà Lan được tự do buôn bán với Đường ngoài. Năm 1643, tàu Hà Lan mang theo 10 vạn lạng bạc để nộp thuế mới được chúa Trịnh cho tiếp tục buôn bán. Từ đó cho đến năm 1651, hàng năm người Hà Lan đã bỏ 25.000 lạng bạc mua tơ của chúa Trịnh, 10.000 lạng bạc mua tơ của các thế tử và của các đại thần. Tháng 6-1651, Công ty Đông ấn cử đại diện đến Đường ngoài đặt lại quan hệ buôn bán. Năm 1699, thấy việc buôn bán ngày càng ít lợi, giám đốc thương điếm Hà Lan ở Kẻ Chợ quyết định đóng cửa. Những năm 1616-1617 người Anh cũng vào buôn bán. Năm 1672, tàu buôn Anh chở thương đoàn Anh đến Đường ngoài xin được buôn bán. Chúa Trịnh đã cho phép người Anh được mở thương điếm ở phố Hiến (Hưng Yên).Năm 1683, người Anh xây thương điếm ở phía bắc Kẻ Chợ (Thăng Long).Hàng hoá thương nhân Anh chở vào là len dạ, hàng xa xỉ, súng đạn, đại bác, v.v., mua tơ lụa và một số sản phẩm khác. Năm 1697, thương điếm Anh đóng cửa ở Đường ngoài và đến năm 1720 thì các thuyền buôn của người Anh chấm dứt hẳn việc buôn bán. Từ năm 1669, Công ty Đông Ấn của người Pháp đến Đường ngoài xin được buôn bán và xin cho được mở thương điếm ở Phố Hiến. Trong chuyến đi này, có nhiều giáo sĩ Pháp khoác áo thương nhân. Năm 1680, tàu buôn Pháp từ Ấn Độ đến Đường ngoài, thuyền trưởng Sáppơ biếu chúa nhiều lễ vật, bán hàng hoá với giá rẻ hơn thương nhân các nước khác nên được nhà chúa đón tiếp niềm nở và được nhà nước tạo nhiều thuận lợi. Năm 1681, người Pháp được mở thương điếm ở Phố Hiến. Từ cuối thế kỷ XVII, Công ty Đông Ấn của Pháp ngừng hoạt động, nhưng các giáo sĩ Pháp thì lại hoạt động mạnh hơn.

Sự phát triển của công thương nghiệp đã làm xuất hiện một số thành thị mới và làm hưng thịnh, phồn vinh các trung tâm kinh tế hàng hoá cũ. Kẻ Chợ và Phố Hiến là hai đô thị nổi tiếng bấy giờ ở Đường ngoài. Kẻ Chợ (hay Kinh Kỳ) là đất Thăng Long nổi tiếng với 36 phố phường. Ngoài các phường, Kẻ Chợ còn có 8 chợ lớn: Cửa Đông, Cửa Nam, Chợ Huyện, Đình Ngang, Bà Đá, Văn Cử, Bác Cử, Đống Mác (ông Nước). Một thương nhân tên là X.Bêrơn mô tả Kẻ Chợ vào năm 1685 như sau: Thành phố Kẻ Chợ có thể so với nhiều thị trấn ở châu Á nhưng lại đông dân hơn. Những ngày mồng một, năm âm lịch là những ngày phiên chợ, nhân dân ở các làng lân cận kĩu kịt gánh hàng hoá đến, đông đúc vô cùng. Các con đường rộng bấy giờ đều trở nên chật chội đến nỗi chen qua đám đông 100 bước trong khoảng nửa tiếng đồng hồ là một điều sung sướng. Tất cả hàng hoá trong thành phố, mỗi thứ bán ở một phố riêng và các chợ đó còn chia ra làm nhiều khu là nơi mà chỉ người trong khu mới được phép mở cửa hàng, chẳng khác gì các hội, nghiệp đoàn trong các thành phố của châu âu. Kẻ Chợ là một thành phố vừa buôn bán vừa sản xuất hàng thủ công nghiệp, là trung tâm trao đổi hàng hoá ở Đường ngoài và buôn bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài.

Phố Hiến cũng là một thành thị sầm uất của Đường ngoài thời bấy giờ. Nhiều thương nhân các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp đều có mặt và buôn bán ở Phố Hiến.

Ở Đường trong có Hội An là thành phố cảng lớn nhất, từ thế kỷ XVI đã có thương nhân nước ngoài đến buôn bán, ngoài ra còn có Thanh Hà ở tả ngạn Huế.

Về ngoại thương, ở Đường trong cũng có bước phát triển mạnh từ thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII. Nhiều lái buôn nước ngoài đến buôn bán.Thuyền buôn Trung Quốc thường ra vào Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Thuận Hoá). Đầu thế kỷ XVII, các thuyền buôn Trung Quốc thường đến buôn bán ở sông Thu Bồn. Hội An từ một chợ địa phương đã phát triển thành thương cảng nổi tiếng Đường trong. Giáo sĩ Cristôphơ Bôri (Cristoforo Borrỉ) đến Đường trong năm 1618 đã mô tả Hội An "là thành phố rất lớn, mà người ta có thể nói là có hai thành phố, một của người Trung Quốc và một của người Nhật Bản. Mỗi thành phố có phố xá, quan cai trị riêng". Đến cuối thế kỷ XVII, Hoa kiều ở Hội An chiếm địa vị thương mại quan trọng nhất. Theo Pie Poavơrơ (Pierre Poivre) thì ở Hội An vào năm 1748 có tới 6000 người Hoa đều là những nhà buôn lớn. Người Nhật đến buôn bán ở Đường trong khá sớm. Trong khoảng năm 1604-1616 có tới 42 tàu buôn của Nhật đã đến Đường trong. Cũng đã có thời, người Nhật chiếm được ưu thế thương mại ở Hội An.

Đầu thế kỷ XVI đã có những người Bồ Đào Nha đặt chân đến Hội An. Việc buôn bán giữa các thương nhân Bồ Đào Nha với Đường trong vẫn tiếp tục ở thế kỷ XVII. Cùng thời gian này, thuyền buôn của người Hà Lan, người Anh, Pháp cũng ra vào buôn bán ở đây. Năm 1651, chúa Nguyễn ký hiệp ước thương mại với người Hà Lan, cho phép các tàu buôn Hà Lan được ra vào buôn bán ở các hải cảng, nhưng chẳng được bao lâu, đến năm 1654 thương điếm của Hà Lan ở Hội An đóng cửa. Từ đó thỉnh thoảng tàu buôn Hà Lan mới qua lại Đường trong. Từ năm 1613, tàu buôn của người Anh đã đến Đường trong, cập bến cảng Hội An và đến năm 1695 người Anh đề nghị với chúa Nguyễn cho lập thương điếm, nhưng việc buôn bán của người Anh ở Đường trong nhanh chóng kết thúc do hàng hoá bị ứ đọng, ít lợi nhuận. Năm 1702, bọn thực dân Anh trắng trợn xâm chiếm đảo Côn Lôn, chúng xây pháo đài bảo vệ, nhưng đến cuối năm 1703 nhân dân trên đảo nổi dậy phối hợp với quân đội của chúa Nguyễn đánh đuổi được quân Anh. Cuối thế kỷ XVII, Công ty Đông Ấn của Pháp có ý đồ xâm chiếm đảo Côn Lôn. Năm 1688, người Pháp đã thành lập một cửa hiệu ở đảo này do Vê rê (Vérret) phụ trách, chính Vê rê đã đề nghị với Chính phủ Pháp chiếm lấy đảo. Năm 1748, Công ty Đông Ấn của Pháp cử Đuy mông (Dumont) đến điều tra tình hình Đường trong và đề nghị về Pháp chiếm cù lao Chàm (trước cửa biển Hội An). Các tàu buôn của người Pháp không buôn bán gì mấy, chỉ thường qua lại để điều tra tình hình phục vụ cho âm mưu xâm lược nước ta của Chính phủ Pháp.

Nhìn chung, quan hệ ngoại thương giữa Đường trong với các nước phương Tây cũng giống như ở Đường ngoài, chỉ được phát triển khá mạnh mẽ ở thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, sau đó thuyền buôn các nước thưa thớt dần và chấm dứt hẳn.

2. Tình hình văn hoá, giáo dục, khoa học, nghệ thuật

2.1 Các đạo giáo

- Nho giáo

Trong các thế kỷ XVI-XVII-XVIII, Nho giáo vẫn được nhà nước phong kiến bảo vệ, duy trì để làm nền tảng cho các tổ chức chính trị, kinh tế của chính quyền, làm kỷ cương của xã hội. Tuy vậy, Nho giáo thời kỳ này bước vào thời kỳ suy đốn dần, không còn được độc tôn như trước. Thực trạng này được biểu hiện ở lĩnh vực giáo dục, thi cử. Các chính quyền phong kiến vẫn duy trì và mở rộng chế độ giáo dục, thi cử làm p­ương tiện đào tạo quan lại, đáp ứng nhu cầu tổ chức bộ máy ngày một đông đảo, nhưng không còn được nghiêm túc như trước. Lối học từ chương, phù phiếm vẫn duy trì không còn thích hợp. Những nguyên tắc đạo đức và lễ giáo phong kiến chỉ còn là những hình thức suông. Nội dung học tập thi cử nông cạn, khuôn sáo, không còn tính sáng tạo. Nhà sử học Lê Quý Đôn đã thừa nhận "các bậc tiền bối đã soạn thành bài, lời lẽ cổ nhã, bọn hậu sinh đua nhau làm theo, khi vào trường chỉ xén bớt những chỗ quá dài dòng đi mà thôi".

Đó là chưa nói tới một hiện tượng khá phổ biến ở cả Đường trong và Đường ngoài là nhà nước phong kiến đã bán quan tước. Những người không có học nhưng có tiền thì dùng tiền mua chức tước. Trong thi cử, nhiều vụ hối lộ và ăn hối lộ đã diễn ra trắng trợn. Thuyết "chính danh định phận", một nội dung cơ bản của Nho giáo nhằm bảo vệ chế độ đẳng cấp và tôn ty trật tự phong kiến, mất dần phép màu nhiệm. Đạo lý đảo điên. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hoá và sự tấn công của đồng tiền vào thành trì lễ giáo phong kiến đã làm cho ý thức hệ Nho giáo bị rạn nứt dần. Triết lý "chính danh định phận" của đạo Nho đã phải lùi bước trước nhân sinh quan đồng tiền là trên hết, đè bẹp tất cả.

- Phật giáo

Trong khi Nho giáo bước vào thời kỳ suy thoái dần thì Phật giáo lại được phục hưng. Các vua, chúa, quý tộc, quan lại cả hai Đường (ngoài và trong) đua nhau tôn thờ đạo Phật, bỏ nhiều tiền của để trùng tu chùa cũ, xây cất nhiều chùa, tháp mới. Các chùa Tây Phương, Phúc Long, Thiền Tông, Độc Tông, Sùng Nghiêm, Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Hương Hải, v.v., (ở Đường ngoài) và các chùa Thiên Mụ, Hoà Vang, Mỹ An, Thuận Trạch, Kính Thiên, Hà Trung, Quốc ân, v.v., (ở Đường trong) đều được sửa chữa hay xây dựng trong thời kỳ này. Đạo Phật lại được xã hội tôn sùng và phổ biến hơn thời Lê sơ.

- Đạo giáo

Đạo giáo cũng có bước phát triển, được vua, chúa tôn trọng. Việc tu tiên đắc đạo, luyện đan khá thịnh hành ở Đường ngoài.Các chúa Trịnh cho trùng tu quán Trấn Võ ở Hà Nội và cho đúc pho tượng đồng Thánh Trấn Võ cao 3,2m, nặng 6000 cân đồng, sau đó chúa Trịnh lại cho đúc tượng Trấn Võ ở quán Trấn Võ (thuộc huyện Gia Lâm - Hà Nội) cao ba thước. Một số thân vương, quan lại, quý tộc cũng cúng tiền của giúp việc xây dựng.. Ở Đường trong, chúa Nguyễn Phúc Chu hay tin vào lời nói của các thuật sĩ Nguyễn Hữu Thừa, Đặng Văn Minh.

- Thiên Chúa giáo

Từ thế kỷ XVI, đạo Thiên Chúa đã du nhập vào nước ta. Đạo Thiên Chúa ra đời từ đầu công nguyên trong lòng chế độ chiếm hữu nô lệ của Đế quốc La Mã, rồi được truyền bá rộng rãi ở các nước châu Âu từ thời phong kiến. Từ thế kỷ XVI, các giáo sĩ theo thuyền buôn phương Tây bắt đầu đến truyền đạo ở nước ta. Đến thời Lê Trang Tông, vào năm 1533, giáo sĩ Pháp đã vào truyền giáo ở vùng ven biển Nam Định (các làng Quần Anh, Ninh Cường, Trà Lũ). Từ thế kỷ XVII trở về sau, các giáo sĩ phương Tây mới đẩy mạnh hoạt động truyền giáo kết hợp với hoạt động điều tra tình hình nước ta, chuẩn bị cho công cuộc xâm lược vũ trang của các nước tư bản phương Tây. Năm 1615, một phái đoàn của Dòng Tên đã đến Đà Nẵng lập một nhà thờ Thiên Chúa giáo, sau đó lại đến Hội An. Trong khoảng từ năm 1615 đến năm 1625, Dòng Tên đã phái đến Đường trong 21 giáo sĩ thầy cả (là người Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, Nhật). Số người theo đạo ở Đường trong đến năm 1639 đã có tới 15.000 người, nhiều nhà thờ giảng đạo được dựng nên ở Đà Nẵng, Hội An, Nước Mặn, Quảng Nam. Từ đó, nhà chúa bắt đầu thi hành chính sách cấm đạo, trục xuất những người truyền giáo ngoại quốc, xử tử một số người theo đạo không chịu bỏ đạo. Kể từ khi các giáo sĩ Dòng Tên thành lập đoàn truyền giáo ở Đường trong (1615) thì hoạt động truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng, mặc dù nó bị chính quyền cấm đoán.

Sự tiến triển của việc truyền giáo ở Đường trong đã khuyến khích các giáo sĩ Dòng Tên mở rộng hoạt động ra ngoài Bắc. Năm 1627, một phái đoàn truyền giáo ở Đường ngoài được thành lập do giáo sĩ người Pháp Alếchxăng đơ Rốt (Alexandre de Rhodes) cầm đầu. Đến năm 1639, số giáo dân ở Đường ngoài lên tới 250.000 người. Từ năm 1668, khi hội truyền giáo nước ngoài ở Pháp thành lập thì hoạt động của các giáo sĩ Pháp ở Việt Nam càng ráo riết và nắm bá quyền truyền đạo ở cả hai Đường, không những thế nó còn mở rộng đến các nước quanh vùng.

Sau nhiều năm hoạt động ở Việt Nam, Alếchxăng đơ Rốt nắm khá chắc nội tình Việt Nam, ông ta đã đề nghị Chính phủ Pháp chiếm lấy nước ta. Bởi lẽ "khi đã chiếm được vị trí này thì các thương gia châu Âu đã tìm được một nguồn tài nguyên và lợi nhuận dồi dào". Đề nghị của ông ta được giáo hội Pháp và bọn quý tộc ủng hộ nhưng chưa được thực hiện vì điều kiện của Pháp bấy giờ chưa cho phép xâm lược vũ trang Việt Nam. Sau thế kỷ XVIII, bất chấp chính sách cấm đạo của nhà cầm quyền của hai miền, các giáo sĩ vẫn lén lút hoạt động, mặc dù đã có không ít giáo sĩ bị cạo trán thích chữ vào mặt (học Hoa lang đạo), bị chém đầu, bị tù đày, bị trục xuất. Thế kỷ XVIII cũng là thời kỳ Chính phủ Pháp đẩy mạnh việc điều tra dò xét tình hình nước ta. Sự truyền bá của đạo Thiên Chúa vào Việt Nam gắn liền với sự bành trướng và xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Hoạt động của giáo sĩ là nhằm chuẩn bị và mở đường cho sự xâm nhập và xâm lợc của các nước phương Tây, đặc biệt của tư bản Pháp. Trong quá trình phát triển của dân tộc ta, tiếng Việt ngày càng trở nên phong phú và trong sáng. Trên cơ sở đó, từ thế kỷ XVII, các giáo sĩ phương Tây vào truyền đạo ở Việt Nam đã dùng chữ cái latinh để ghi âm tiếng Việt. Từ những lối ghi âm đầu tiên đó, họ dần dần chỉnh lý thành một hệ thống ký hiệu ghi âm để tiện cho việc học tiếng Việt và biên soạn các sách giáo lý bằng tiếng Việt. Cũng từ đó, tiếng Việt được latinh hoá và dẫn đến sự ra đời của tiếng Việt. Năm 1621, hai giáo sĩ Pixia (người Ý) và Bôri (người Bồ Đào Nha) đã cho ra một cuốn sách kinh nghĩa bằng Nam ngữ. Sau đó, hai giáo sĩ người Bồ Đào Nha (Gaspar de Amaral và Antoine de Barbosa) đã soạn ra quyển tự vị Việt Nam - Bồ Đào Nha và tự vị Bồ Đào Nha - Việt Nam. Alếchxăngđơ Rốt đã dựa vào đấy để soạn ra quyển tự vị Việt Nam - Latinh - Bồ Đào Nha. Và ông cũng là người đầu tiên dùng chữ quốc ngữ để viết sách cho các giáo sĩ đọc. Mãi đến thế kỷ XIX, trải qua một thời gian sử dụng, sửa chữa, chữ quốc ngữ mới có được hình thức như ngày nay.

2.2 Giáo dục, thi cử

Chế độ học tập và thi cử ở Đường ngoài cũng như Đường trong thời Lê - Trịnh, Nguyễn vẫn thực hiện giống như thể lệ đã định từ thời Hồng Đức.

Ở Đường ngoài, theo quy định cứ ba năm mở một kỳ thi, năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội. Thi gồm có bốn trường (trường đầu tiên phải làm một bài kinh nghĩa; trường nhì làm bài chế, chiếu; trường thứ ba làm một bài thơ, một bài phú; trường thứ tư làm một bài văn sách. Truờng đầu phải làm theo lối văn bát cô). Nội dung đề thi hỏi về Ngũ Kinh, Tứ thư, Tính lý đại toàn, Thiếu vi thông giám đề cương, Ngốc trai tứ đạo, Trường sách Nguyên lưu chí luận. Về sau ở lần thi Đình (tiến sĩ) còn hỏi thêm nội dung hai bộ Chu lễ quảng nghĩa và Đại học diễn nghĩa. Nội dung thi ở kỳ thi Hương và Hội giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ đề thi Hương dễ hơn, ngắn hơn, lối văn quy định giản tiện hơn. Ví như bài phú ở thi Hương thì dùng thể cách Lý Bạch, đối chính song quan, cứ 4 vần bằng, 4 vần trắc xen nhau theo thể chế đời Tống (Trung Quốc), còn ở thi Hội thì phú phải dùng thể luật tám vần có đôi cách cú.

Thời Lê Trung Hưng ở Đường ngoài tổ chức tất cả được 80 khoa thi, tuyển chọn được 858 tiến sĩ. Nếu cộng cả các kỳ thi ở triều Mạc thì có tất cả 102 kỳ thi và lấy đỗ được 1243 tiến sĩ.

Ở Đường trong, chế độ học tập thi cử cũng được đẩy mạnh để phục vụ cho nhu cầu củng cố bộ máy thống trị. Khoa thi đầu tiên của chúa Nguyễn là vào năm 1660 thời Nguyễn Phúc Tần, lấy đỗ 20 người. Năm 1674, cùng với khoa thi chính đồ, hoa văn, mở thêm kỳ thi thám phỏng. Liên tục các năm 1679, 1695 đều mở các kỳ thi. Năm 1768, Nguyễn Phúc Thuần mở khoa thi Hương đầu tiên. Theo lệ thường ở Thuận Quảng, chúa Nguyễn cứ năm năm tổ chức một kỳ thi gọi là "xuân thiên quận thí", cứ chín năm một lần học trò các phủ huyện tập trung về Phú Xuân thi trong ba ngày, ngày thứ nhất làm ba bài văn tứ lục; ngày thứ hai làm một bài thơ, một bài phú; ngày thứ ba làm một bài sách vần. Những người đỗ chia làm ba hạng, hạng nhất là Hương cống được bổ làm tri phủ, tri huyện; hạng nhì là Sinh đồ bổ làm huấn đạo; hạng ba bổ lễ sinh hoặc cho nhiêu học suốt đời. Chúa Nguyễn lại cho thi một bài thơ để định thứ bậc cao cấp để bổ dụng, gọi là thi Đình.

Nhìn chung, thời bấy giờ việc thi cử ở Đường trong không phát triển bằng Đường ngoài và việc thi cử có phần đơn giản và dễ dãi hơn vì nhu cầu xây dựng chính quyền mới cần nhiều người có văn học. Điều dễ thấy là dưới thời các chúa Nguyễn chưa tổ chức một cách chính quy các kỳ thi Hội, thi Đình nào như ở Đường ngoài.

2.3 Văn học, nghệ thuật

Trong thế kỷ XVII-XVIII sự suy đồi của Nho giáo và sự thay đổi của hoàn cảnh đã góp phần làm cho văn học chữ Hán không còn thịnh đạt như thời Lê sơ, trở nên khô khăn cằn cỗi và phù phiếm. Trong lúc đó văn học chữ Nôm, đặc biệt văn học dân gian phát triển rất mạnh, hình thành cả một kho tàng văn học dân gian phong phú. Những tri thức khoa học, kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm ứng xử, v.v., được đúc kết dưới dạng ca dao, tục ngữ. Những suy tư của nhân dân lao động về đời sống chính trị, xã hội, về tình yêu nam nữ, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, v.v., được thi vị hoá đã làm phong phú cuộc sống tinh thần của con người, đồng thời thể hiện khát vọng được sống tự do, hoà bình, được giải phóng khỏi bất công xã hội đã là nội dung tư tưởng, tình cảm chủ đạo của dòng văn học bình dân thời bấy giờ.

Văn thơ Nôm phát triển mạnh hơn trước, chiếm một vị trí quan trọng trên văn đàn. Nhiều nhà thơ nôm và truyện Nôm dài xuất hiện. Một nhà thơ Nôm nổi tiếng bấy giờ là Đào Duy Từ với các bài văn Nôm Ngọa Long Cương, Tư dung vãn và một bài thơ Nôm - Hán.

Ngọa Long Cương đã thể hiện bản lĩnh và chí khí của nhiều sĩ phu đương thời muốn đem tài năng giúp đời trị nước. Bên cạnh một số bài thơ Nôm, truyện Nôm có tên tác giả, còn nhiều truyện Nôm dài khuyết danh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao như các truyện Vương Tường, Tô công phụng sứ, Bạch viên tôn các, Trê cóc, Trinh thử, v.v.. Sự xuất hiện ngày càng nhiều truyện Nôm dài đánh dấu bước phát triển của nền văn học dân tộc. Các truyện nôm phần nhiều viết theo thể lục bát, cũng có truyện viết theo thể thất ngôn bát cú chịu ảnh hưởng đậm nét của văn học dân gian. Trong một số truyện, nhiều thành ngữ, ca dao, tục ngữ được vận dụng khéo léo, nhuần nhuyễn. Một tác phẩm chữ Nôm có giá trị lớn là Thiên nam ngữ lục gồm có 8000 câu thơ lục bát bằng chữ Nôm và 31 bài thơ chữ Hán có tác dụng giáo dục tinh thần tự cường dân tộc.

Về phương diện nghệ thuật, thời kỳ lịch sử này thể hiện một bước phát triển mới mang đậm đà bản sắc dân tộc. Các hình thức âm nhạc sân khấu đã đi vào đời sống của nhân dân lao động, trở thành hình thức sinh hoạt tinh thần phong phú của nhân dân ta. Hàng loạt nhạc cụ như đàn tỳ bà, tranh, nguyệt, thập lục, nhị, sáo, tiêu, phách, trống cơm, đàn bầu, trống da, v.v., nhiều làn điệu quan họ, hát ví, hát chèo, cải lương, hò mái đẩy, hát ả đào, lý ngựa ô, hát giậm, tuồng, múa rối... được sử dụng rộng rãi ở các địa phương. Nét đặc biệt là nếu như chèo thịnh hành ở Đường ngoài thì ở Đường trong tuồng lại phát triển hơn. Nhiều nhà nghiên cứu sử học, văn học, nghệ thuật cho rằng Đào Duy Từ là người đầu tiên khai sinh ra ngành tuồng ở Đường trong. Ông là tác giả của nhiều vở tuồng trong đó có vở Sơn Hậu và các điệu múa Hoa Đăng, Nữ tướng xuất quân. Nhiều công trình kiến trúc điêu khắc như đình, chùa, tượng phật, bia đá, lăng tẩm còn lại ngày nay thể hiện bước phát triển của nghệ thuật thời bấy giờ như chùa Tây Phương (Hà Tây), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), tháp Báo Nghiêm ở chùa Bút Tháp, chùa Vạn Phúc (Bắc Ninh), chùa Hương Tích (Hà Tây), chùa Thiên Mụ, Quế Ân, Bảo Quốc (Thừa Thiên - Huê), v.v.. Nổi tiếng về điêu khắc là pho tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt và tượng Tây thiên đông độ Việt Nam lịch đại tổ thờ ở chùa Ninh Phúc, được tạc vào khoảng cuối thế kỷ XVII hết sức tinh vi, thể hiện rõ nét tinh thần và ý nghĩa của bức tượng mà tác giả muốn biểu đạt. Các trượng Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương, tượng 18 La hán ở chùa Vạn Phúc, chùa Đại Bi (Hà Tây) là những công trình nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng. Đó là những di sản văn hoá, lịch sử quý giá thể hiện sự lao động sáng tạo của nhân dân đương thời. Cũng cần phải thấy rằng qua các công trình điêu khắc thời bấy giờ người ta cũng đã thấy toát lên tính chất dân gian và tính dân tộc hết sức đậm đà phong phú. Trên những phù điêu gỗ của đình và chùa Thổ Hà (Bắc Ninh), Thổ Tang (Vĩnh Yên), đình Chu Quyến (Hà Tây), đình Cam Đà (Hà Tây), v.v., đã mô tả khá sinh động những cảnh lao động sản xuất như đi cày, bắt cá, đi săn; những cảnh vui chơi như nhảy múa, đánh vật, bơi chải; cảnh nô đùa giữa nam và nữ; cảnh đánh ghen. Những phù điêu đó chẳng những đưa nghệ thuật điêu khắc lên một trình độ mới mà còn chứng tỏ tính lạc quan, chiến đấu và sáng tạo của nhân dân ta.

Trên lĩnh vực sử học cũng đạt được nhiều thành tựu, để lại cho chúng ta ngày nay nhiều tác phẩm có giá trị. Về chính sử có bộ Đại Việt sử ký toàn thư được hoàn thành và xuất bản vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Bộ này gồm 24 quyển chép từ kỷ Hồng Bàng đến thời Lê Gia Tông (1633-1675). Đây là một công trình lịch sử đồ sộ do nhiều nhà sử học của nước ta qua nhiều đời biên soạn, từ Lê Văn Hưu đời Trần là người khởi đầu biên soạn về lịch sử Việt Nam trong thời gian từ năm 207 trước Công nguyên đến năm 1225, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh thời Lê sơ, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy và nhiều nhà sử học khác thời Lê Trung Hưng thì hoàn thành.

Đại Việt sử ký toàn thư đã thu thập và trình bày một cách có hệ thống theo lối biên niên những tư liệu về lịch sử Việt Nam trong một thời kỳ dài từ buổi đầu dựng nước đến thế kỷ XVIII, cung cấp một nguồn tư liệu gốc quan trọng không riêng cho sử học, mà cho hầu hết các ngành khoa học xã hội nghiên cứu về lịch sử, đất nước, xã hội, văn hoá, con người Việt Nam thời cổ đại và trung đại. Nó giữ vai trò như một hệ thống sử liệu gốc cơ bản và xưa nhất của lịch sử dân tộc trong phạm vi thời gian lịch sử được nó ghi chép. Nét nổi bật trong bộ sử đồ sộ này là ở chỗ nó thể hiện rất rõ nét tinh thần dân tộc, ý thức độc lập tự chủ về lãnh thổ, cương vực thống nhất, thể hiện quan điểm đúng đắn về nguồn gốc giống nòi, niềm tự hào chính đáng về quá khứ vẻ vang của dân tộc. Đương nhiên, các bộ sử đương thời không thoát khỏi quan điểm phong kiến, Nho giáo đang thống trị thời bấy giờ.


Các câu hỏi tương tự
DUY Hoàng
Xem chi tiết
Rap Monster
Xem chi tiết
Nguyễn Trần Hoàng
Xem chi tiết
Trần Thị Minh Duyên
Xem chi tiết
Nguyễn Phương Linh
Xem chi tiết
Nguyễn Thảo Vy
Xem chi tiết
Nhà phân phối ĐTDĐ GIA P...
Xem chi tiết
Phạm Lăng
Xem chi tiết
Phạm Lăng
Xem chi tiết