Tập làm văn lớp 7

Lê Ngọc Cương

Tả sông Hương (dành cho người Huế)

Chippy Linh
27 tháng 9 2017 lúc 13:24
Sông Hương như một dải lụa hiền hòa miên man chảy rồi như một người dẫn đường xuôi dòng nước đưa chúng ta đến miệt vườn Vỹ Dạ với vườn hoa thảm cỏ xanh mướt, ngược lên Thiên Mụ để thả mình theo tiếng chuông chùa văng vẳng, rồi đột ngột rẽ vào sông Bạch Yến tới bến Huyền Không để phiêu diêu cùng với gió mây, với thế giới của hoa thơm trái ngọt và thiền giữa một không gian cổ kính. Đã biết bao lần đến Huế, lúc vội vã, lúc thong dong, nhẩn nha nhưng Huế đã để lại trong mỗi chúng ta một tình cảm hết sức đặc biệt tựa như là một cố nhân vậy. Không sao quên được bởi Huế dịu dàng quá, thậm chí đến cái nắng cũng dè dặt sợ làm người khác khó chịu, nhưng cũng rất đỗi ngây thơ tinh nghịch xiên qua vành nón Huế (nay đã là thương hiệu) trêu chọc những cô nữ sinh trường Quốc Học, Hai Bà Trưng đang tha thướt trong tà áo dài. Còn những ngày mưa Huế lại khoác trên mình tấm áo choàng cổ kính, đượm buồn dễ gợi cho khách cái cảm giác nhớ mong... Không những cảnh đẹp, người hay mà còn nghe nói Huế xưa có nhiều trò chơi lãng mạn và lịch lãm, rồi có cả những thú vui trần tục như: Thả thuyền, chơi trăng, ca Huế, ngủ đò, thả thơ. Tinh hoa của những trò chơi ấy nay vẫn còn và còn được nâng lên tầm cao mới trở thành văn hóa du lịch mà chỉ có ở Huế. Gọi là ngủ đò nhưng có ai xuống đò để ngủ bao giờ. Thoạt đầu người ta xuống đò để nghe ca Huế để thỏa mãn cái thú tiêu dao trên sông nước cùng với gió trăng và nghe chuyện nhân tình thế thái qua mỗi làn điệu ca Huế. Về sau này cũng có giai đoạn thái quá, ngủ đò có lúc dường như trở thành mua hoa bán nguyệt nhưng đó là chuyện của ngày xưa bây giờ chỉ là những câu chuyện kể lại mà thôi. Thả thơ là canh bạc văn chương vừa có tính sát phạt vừa đậm chất trí tuệ, tài năng, mưu lược nên được không ít văn nhân sĩ tử đam mê và muốn thi thố. Để có một cuộc thả thơ người ta phải kết những con đò lại với nhau thành những chiếc bằng để tổ chức thả thơ. Nhà cái sẽ trải một cái chiếu giữa thuyền cùng dăm ba ngọn đèn dầu phụng rọi vào và cuộc thả thơ bắt đầu. Cái thú tham gia của kẻ sĩ là vừa được vận dụng hết những kiến thức thánh hiền đã được học vừa được chơi vơi bồng bềnh trên sông nước lại được nghe ca Huế réo rắt, du dương bên tai, hoặc nỉ non cùng với nhã nhạc... Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian với ca nhạc cung đình, nhã nhạc trang trọng uy nghi có thần thái của ca nhạc thính phòng. Ca Huế thể theo hai dòng lớn là điệu Bắc và điệu Nam với trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc. Thú nghe ca Huế tao nhã, đầy sức quyến rũ. Đến đây du khách sẽ được ngồi trên những con thuyền rồng mà các vua chúa xưa hay ngự, trong khoang thuyền dàn nhạc rất đa dạng gồm đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, nhị, đàn tam, xênh... Các nhạc công, ca công còn rất trẻ, nam mặc áo the, quần thụng đầu đội khăn xếp, nữ vận những chiếc áo dài cổ từ thời võ vương Nguyễn Phúc Khoát giữa thế kỷ 18, trước mũi thuyền là khoảng không gian rộng để hóng mát, ngắm trăng. Huế về đêm, sông Hương trở nên huyền hoặc hơn, ánh đèn điện hắt xuống dòng sông như tráng một lớp ánh bạc, gió mơn man, dìu dịu như xoa nhẹ lòng du khách, thuyền bồng bềnh trôi giữa dòng chở đầy khách và nhạc công. Các nhạc công dụng các ngón đàn khá chau chuốt như ngón nhấn, ngón mổ, day, búng, ngón phi, ngón rãi những khúc ca tiếng nhạc lúc khoan, lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn lữ khách. Âm Bắc có âm sắc tươi vui, trang trọng như: phú lục, cổ bản, lưu thủy, khúc lộng gồm phẩm tiết, nguyên tiêu, liên hoàn, hồ quảng, tây mai, tẩu mã, kim tiền, xuân phong, long hổ, bình bản. Điệu Nam thì réo rắt, du dương như: Nam ai, Nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân. Điệu Nam là sự sáng tạo tuyệt vời có biệt tài khơi gợi nội tâm, âm hưởng của giai điệu đem lại cho người nghe cái cảm giác bâng khuâng tiếc thương, buồn cảm, nó như sợi tơ mong manh chạm vào tận đáy lòng du khách, gợi lên nhiều nỗi tương tư... Trời đã khuya lắm rồi, văng vẳng phía xa tiếng gà gáy sáng cùng tiếng chuông chùa Thiên Mụ điểm năm canh. Trong khoang thuyền nhạc vẫn réo rắt, lời ca vẫn nồng nàn, cái giọng Huế ngọt ngào và dễ thương quá, du khách vừa lâng lâng cùng cung nhã nhạc vùa say đắm trong cái ánh mắt của ca công e lệ kín đáo nhưng cũng vô cùng nồng ấm thiết tha... khúc tương tư theo yêu cầu của du khách qua giọng hát của cô gợi buồn da diết, bài quả phụ ảo não sầu thương. Sau tuần rượu chúc mừng lại có người đề nghị được nghe cô hát khúc lưu thủy. Và bằng một giọng ca thật đắm đuối pha lẫn chút giận hờn trách móc, lời ca lại cất lên giữa sông Hương trong cảnh đêm tàn. Không gian như lắng đọng, thời gian như ngừng tụ chỉ có lòng du khách đang thả hồn cùng tiếng hát mê ly... và chợt nhận ra rằng đằng sau cái giọng ca ngọt ngào ấy là nội tâm phong phú của người con gái Huế, âm thầm kín đáo và cũng rất đỗi tinh tế. Xa xa bên kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng, sóng vỗ in mạn thuyền rồi gợn vô hồi xa mãi cùng tiếng đàn réo rắt, du dương.
Bình luận (2)
Chibi Usa
27 tháng 9 2017 lúc 14:03

Xuân đến, nhà nhà đều tất bật với việc mua sắm Tết.Dòng sông Hương thơ mộng của quê hương tôi cũng hòa vào nhịp sống rộn ràng đó.

Một buổi sớm đầu xuân, tiết trời se se lạnh, sông Hương đang còn nằm ngái ngủ giữa phố phường sôi động. Dòng sông bình lặng trôi, làm gương cho những cô mây, chị gió soi mình. Mặt sông khoác một màu áo xanh lam, điểm thêm vài sắc màu sặc sỡ của những bông hoa mới nở. Bên trên dòng sông là bầu trời xanh và cao vút. Bầu trời sáng nay xanh và cao hơn vì được gội rửa bởi cơn mưa bụi tối hôm qua. Sông Hương trầm ngâm nhìn phố xá bằng đôi mắt trong sáng. Mọi ngôi nhà trên phố đều được trang trí bởi một màu đỏ thắm tươi tắn của ngói mới, của những câu đối hay và của màu áo mới của những cậu bé, cô bé tinh nghịch. Mỉm cười, dòng sông sung sướng nhìn cuộc sống thanh bình phía trên. Từng gợn sóng nhỏ trên mặt sông cũng nhảy nhót vui vẻ hẳn lên. Ngay cả những chú cá dưới sông cũng bơi lướt, nhảy múa tưng bừng. Hai bên sông, hàng phượng già đứng nghiêng mình in bóng dưới dòng sông. Từng chiếc lá tươi xanh ve vẩy đùa với gió. Hàng cỏ lim dim ngủ đang khẽ ấp ủ vài hạt sương trong trắng. Những tia nắng nhỏ nhắn chạy nhảy, nô đùa vui vẻ trên mặt sông. Trời trưa dần, sông Hương được sưởi ấm bởi ánh nắng ấm áp của bác mặt trời. Dòng sông thay bộ áo xanh thẫm nổi bật. Phố xá bỗng trở nên yên tĩnh, trầm lặng. Hóa ra mọi người đang nghỉ trưa. Sông Hương cũng khép đôi mắt to tròn ngủ giữa sự bình yên của ban trưa. Chỉ trong chớp mắt, bác mặt trời đã chuyển dần về hướng tây. Hoàng hôn từ từ lướt qua. Và tia nắng vương vấn hôn nhẹ vào đám cỏ non rồi theo nắng chiều tàn dần tan vào không gian vô tận. Dòng sông nhanh khoác lên mình tấm áo cam vàng dịu mắt. Mọi thứ chìm vào một màu tím nhạt đặc trưng của Huế. Đêm xuống, sông Hương trở nên lộng lẫy trong bộ váy dạ hội đen pha thêm ánh đèn đủ màu sắc. Mọi người lại kéo nhau đi dạo phố, tập thể dục và ngắm cảnh. Từng ánh đèn ven bờ sông lần lượt được thắp lên. Sông hương lại nghỉ ngơi sau một ngày vui chơi.

Ôi, dòng sông mới đẹp làm sao! Dù mai này có đi đâu xa tôi sẽ không bao giờ quên sông Hương, dòng sông đã cho tôi nhiều kỉ niệm đáng nhớ

Bình luận (1)
Windy
30 tháng 9 2017 lúc 0:22

Ai đã đặt tên cho dòng sông này” là bài bút kí xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết về dòng sông trữ tĩnh, thơ mộng của Huế. Mạch cảm xúc của bài kí chính là vẻ đẹp đặc trưng, riêng biệt của con sông duy nhất chảy qua dòng thành phố Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất tài tình khi lột tả được hết vẻ đẹp và linh hồn của dòng sông mang đặc trưng của Huế này.

Có lẽ vì đặc trung của thể loại bút kí nên lời văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường rất phóng khoáng, điêu luyện, nhẹ nhàng và mềm mại. Với một tấm lòng yêu Huế, yêu cảnh sắc thiên nhiên, yêu sông Hương nên Hoàng Phủ Ngọc tường đã khoác lên bài kí một màu sắc, âm hưởng riêng có của Huế.

Dòng sông Hương được tác giả ngợi ca “dòng sông duy nhất chảy qua thành phố Huế”, dòng sông vắt mình qua thành phố, chứng kiến bao nhiêu đổi thay của mảnh đất này.

Cái nhìn đầu tiên của tác giả khi viết về sông Hương là cái nhìn từ vùng thượng nguồn. Vẻ đẹp của dòng sông lúc này khiến tác giả liên tưởng đến cô gái Di gan phóng khoáng, mê dại, đầy sức hút. Qua ngòi bút của tác giả, sông Hương hiện lên thật kì vĩ “sông Hương tựa như một bản trường ca của rừng già, khi rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, lúc mãnh liệt vượt qua nhiều ghềnh thác, khi cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực sâu, lúc dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu hoa đỗ quyên rừng”. Chỉ với một vài chi tiết và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lột tả được vẻ đẹp lúc mãnh liệt, lúc dịu êm của sông Hương. Có lẽ đây chính là đặc trưng của sông hương khi ở thượng nguồn, hứng chịu nhiều biến đổi của thời tiết.

Thật độc đáo khi dưới con mắt của tác giả, sông hương tựa như “Cô gái di gan phóng khoáng và man dại với bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng”. Có lẽ đây là phép nhân hóa đầy ẩn ý nhằm gợi lên nét đẹp hoang sơ nhưng hấp dẫn của con sông này. Như vậy có thể thấy được qua ngòi bút phóng khoáng của tác giả, sông Hương vùng thượng nguồn toát lên vẻ đẹp kì bí, hùng vĩ và đầy cá tính.

Tuy nhiên đây mới chỉ là ở thượng nguôn, cùng Hoàng Phủ Ngọc tường khám phá vẻ đẹp của dòng sông này khi chảy về thành phố Huế. Có lẽ người đọc sẽ bất ngờ với vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại và uyển chuyển của nó. Tác giả đã ví sông Hương như “người tình dịu dàng và chung thủy của cố đô”. Không phải vô duyên vô cớ mà tác giả lại đi ví von so sánh đầy tính nghệ thuật như vậy.

Sông Hương khi chảy về thành phố có sức hấp dẫn tuyệt vời đối với người đọc. Ở đây chúng ta nhận ra một lối viết nhẹ nhàng, tinh tế, rất mực tài hoa của tác giả. Ông vẽ lên vẻ đẹp của sông hương không chỉ bằng ngôn ngữ mà còn bằng cả trái tim đầy tình yêu thương. Giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, sông Hương như “cô gái đẹp ngủ mơ màng” – một vẻ đẹp màu màu sắc của câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp. Và sông hương bỗng “chuyển dòng liên tục” “ôm lấy chân đồi Thiên Mụ”, “trôi giữa hai dãy đồi sững sững như thành quách”. Một sự diễn tả quá trữ tình, quá độc đáo khiên ngưỡng đọc khó cưỡng lại được vẻ đẹp tuyệt vời này.

Sông hương vừa mềm mại, vừa dịu dàng “mềm như tấm lụa”, có khi ánh lên những phản quang nhiều màu sắc sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Sự chuyển đổi màu sắc theo mùa, theo thời gian như thế này đã làm nên một nét đặc trưng cho những ai muốn ngắm nhìn sông hương thật lâu.

Hoàng Phủ Ngọc Tường tả sông hương như vẽ, vẽ lên một bức tranh hoàn mĩ và tuyệt vời nhất về dòng sông huyền thoại này. Sông Hương tạo nên nét đẹp của đất cố đô Huế, ẩn mình trong trầm tích của nét văn hóa hàng nghìn năm lịch sử.

Thú vị nhất là đoạn sông hương chảy trong lòng Huế, tác giả cứ ngỡ rằng sông Hương tìm thấy chính mình khi gặp thành phố thân yêu nên tươi vui hẳn lên.

Vẻ đẹp của dòng sông này được cảm nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhìn bằng con mắt của hội họa, sông Hương và những chi lưu của nó tạo những đường nét thật tinh tế làm nên vẻ đẹo cổ kính của cố đô; qua cách cảm nhận âm nhạc, sông hương như điệu slow chậm rãi sâu lắng, trữ tình…Một vẻ đẹp khiến người khác phải ngỡ ngàng và đắm say chẳng thể dứt ra.

Sông hương còn là chứng nhân lịch sử, là “người” chứng kiến sự đổi thay của cố đô Huế từng ngày. Trong sách Dư địa chí “dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của tổ quốc đại việt qua những thế kỉ trung đại, vẻ vang soi bóng kinh thành phú xuân của anh hùng nguyễn huệ…”

Có thể nói rằng để cảm nhận sông hương với nhiều góc độ, nhiều vẻ đẹp khác nhau, Hoàng Phủ Ngọc tường phải có trái tim nhạy cảm, yêu và thương tha thiết dòng sông thơ mộng này. Một lối viết giản dị, nhẹ nhàng nhưng đầy lôi cuốn đã khiến độc giả không thể để dứt mạch cảm xúc. Tác giả đã phát huy được đặc trưng của thể loại bút kì đầy sắc bén và tình cảm này.

“Ai đã đặt tên cho dòng sông này” thực sự là bài bút kí độc đáo. Sông hương hiện lên với tất cả vẻ đẹp mà nó mang.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
-.-Nha Đầu Ngốc -.-
Xem chi tiết
Hoàng Kim Hồng
Xem chi tiết
Phương Thảo
Xem chi tiết
Nguyễn Trần Trường Chinh
Xem chi tiết
Phạm Gia Bách
Xem chi tiết
Chu Thị Thu Hiền
Xem chi tiết
Bùi Nguyễn Minh Hảo
Xem chi tiết
Duzaconla
Xem chi tiết
Miko
Xem chi tiết