Tham khảo nhé!!!
“Bác Hồ ơi! Trái tim người vĩ đại
Ôm núi sống nước Việt chảy vào lòng
…
Trái tim Bác giàu hơn cả rừng vàng
Ôm biển bạc cho đong đầy tôm cá
Cho mai sau và muôn vàn năm nữa
Nước Việt ta sẻ ơn Bác vô cùng.”
Tôi đã đọc được đâu đó những vần thơ ấy. Những vần thơ giản dị mà đầy xúc động về Bác kính yêu. Khi tôi sinh ra, đất nước đã qua thời khói lửa, sống hòa bình và Bác cũng đã ra đi. Qua những trang sách, qua những bài học, tôi tự hào là người Việt Nam, tự hào là con cháu của Người.
Bác Hồ – người con của xứ Nghệ thân yêu, sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống yêu nước. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Côn đã tỏ ra là một đứa trẻ thông minh hơn người. Những năm tháng tuổi thơ của Người, chỉ biết đến qua sách vở thôi, cũng khiến tôi không thể không rơi nước mắt mỗi lần đọc lại. Cậu bé tinh anh ấy có một tuổi thơ vất vả hơn bao đứa trẻ khác. Năm mẹ cậu sinh thêm đứa em trai, nhưng vì thời buổi khó khăn và sức khỏe quá yếu, mẹ cậu bé Côn ngày ấy đã qua đời. Một mình chú bé 8 tuổi, vừa mất mẹ, bế đứa em đỏ hỏn mấy ngày tuổi trên tay. Em bé khóc vì đói, có mấy người hàng xóm bảo cậu bế em đi xin sữa, nhưng trong suy nghĩ của một đứa trẻ tám tuổi khi ấy đã rất chững chạc. Nguyễn Sinh Côn cho rằng chẳng ai muốn hai đứa trẻ xa lạ, không cha không mẹ lại ở nhà mình, nhất là vào những ngày Tết. Vậy là Côn một mình chăm em cho đến khi cha trở về. Lần đầu đọc cuốn sách ấy, tôi cũng chỉ là một đứa trẻ tám tuổi. Tôi đã khóc. Khóc vì thương cho đứa bé nhỏ, càng khóc vì thương cho một đứa trẻ tám tuổi như mình đã phải trải qua những đau thương chẳng dễ dàng gì. Khi tôi thử đặt mình vào hoàn cảnh đó, ngay cả lúc này, khi đã lớn hơn rất nhiều, tôi vẫn cảm thấy một nỗi đau ghê gớm và một sự bất lực đến bi thương. Nhưng đứa trẻ tám tuổi trong câu chuyện ấy, hơn một con người, đó là vĩ nhân, là anh hùng dân tộc, là Bác Hồ kính yêu, Người đã mang ánh sáng cách mạng đến cho một dân tộc lầm than thoát khỏi kiếp đời nô lệ. Nguyễn Sinh Côn lớn lên, theo cha vào Huế học tập, và từ rất sớm đã quan tâm đến tình hình dân tộc đang bị thực dân xâm lược.
Năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng lịch sử, người thanh niên hai mươi mốt tuổi Nguyễn Tất Thành đã lên chuyến tàu Đô đốc atouche - Tréville, ra đi tìm đường cứu nước cùng đôi bàn tay trắng. Bác đã đi đến nhiều nơi trên thế giới, làm mọi nghề: phụ bếp, quét tuyết, và là một trong những thành viên của tờ báo “ Người cùng khổ” bằng tiếng Pháp. Trong ba mươi năm bôn ba tại nước ngoài, Bác Hồ đã tự học được rất nhiều thứ tiếng. Có những câu chuyện kể lại việc học ngoại ngữ của Người đã trở thành tấm gương sáng của biết bao thế hệ. Chuyện kể rằng ban ngày, Bác làm phụ bếp trên tàu, sau đó sẽ đi quét tuyết ở New York để kiếm sống. Chỉ có ban đêm là thời gian rảnh để học ngoại ngữ. Mùa đông ở Âu Châu lạnh giá như đóng băng, vậy mà con người ấy chỉ có duy nhất một viên gạch để sưởi ấm. Thật cảm động biết bao trước tấm lòng cao cả của Người! Hi sinh mọi hạnh phúc cá nhân vì dân tộc, vì nhân dân mà quên mình, như Tố Hữu từng viết:
“Bác sống như trời đất của ta
Thương từng ngọn lúa mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già”.
Sau ba mươi năm đi khắp năm châu bốn bể, Người trở về lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm Cách mạng. Ra đi khi hai mươi tuổi và trở về lúc xế chiều của một đời người, Bác đã hi sinh hạnh phúc cá nhân vì độc lập dân tộc. Bởi vậy mà đâu đó tôi đã từng nghe câu nói, ý đại khái rằng Bác rất nhiều con mà lại không con! Quả thực, ở Trung Quốc, ở Mỹ, ở Nga, hay ở Pháp, có mấy vị Tổng Thống hay lãnh tụ nào như thế.
Ngay cả khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông cụ Hồ Chí Minh độc Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và được nhân dân bầu làm Chủ tịch đầu tiên của đất nước ấy, Bác vẫn sống giản dị như một ông cụ của làng quê Việt Nam:
“Nhà lá đơn sơ một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gôi
Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn.”
Ai đã từng đến thăm lăng Bác hẳn sẽ hiểu những vần thơ trên chân thực đến nhường nào!
Bác không chỉ là lãnh tụ vĩ đại, là tấm gương sáng về bài học làm người cho lớp lớp những người con của Việt Nam, Bác còn là niềm tự hào của dân tộc, là một tâm hồn thi sĩ với tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Việt Nam là một dân tộc nhỏ bé, ngoài kia, bên kia quả địa cầu có lẽ có người chưa biết đến đất nước hình chữ S nhưng cả nhân loại đều biết đến Hồ Chí Minh như một vĩ nhân, một tấm gương sáng về nghị lực sống.
Đất nước Việt Nam tự hào về Bác Hồ bởi Bác chính là sự kết tinh những tinh hoa truyền thống của bản sắc dân tộc. Nhân dân ta đã thấy ở Bác Hồ con người Việt Nam đẹp nhất và nhân dân thế giới gắn liền tên nước Việt Nam với tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt Nam – Hồ Chí Minh.
Với vai trò của một lãnh tụ cách mạng, Bác đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình đối với dân, với nước. Bác là người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, cùng Đảng dẫn đường chỉ lối cho dân tộc vùng lên phá bỏ xích xiềng nô lệ thực dân, phong kiến, giành quyền sống tự do. Người chiến sĩ cộng sản lão thành Nguyễn Ái Quốc đã trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có chủ quyền độc lập thiêng liêng. Nếu so sánh sự nghiệp đấu tranh chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc kéo dài suốt ba mươi năm của dân tộc ta là một con tàu giữa đại dương đầy bão tố thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thuyền trưởng tài ba, sáng suốt, đã đưa con tàu vượt qua trùng trùng sóng gió, cập bến vinh quang.
Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng và trong toàn xã hội đang được triển khai. Tấm gương đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được nêu là: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa có tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.
Suy nghĩ về các cấp độ đạo đức, thì Bác Hồ chúng ta là tấm gương sáng tuyệt đẹp về cả bốn cấp độ:
Một là đạo đức làm người về cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư.
Hai là đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân về ý thức tổ chức và kỷ luật, ý thức tập thể, đặt cái "tôi" trong "chúng ta".
Ba là đạo đức người chiến sĩ cộng sản, sống phấn đấu cho lý tưởng Chủ nghĩa Cộng sản, triệt để giải phóng con người, có ý thức trách nhiệm trong vai trò tiên phong, gương mẫu lôi cuốn quần chúng theo Đảng, bền chí tự học, đóng góp cho Đảng "cái đầu lạnh" với "trái tim nóng".
Bốn là đạo đức của vị lãnh tụ của một Đảng Cộng sản cầm quyền, có uy tín lớn được cả dân tộc tin yêu nhưng luôn giữ đức khiêm tốn, sống giản dị, chống mọi đặc quyền đặc lợi, không thích được tâng bốc, sùng bái cá nhân, đề xướng nguyên tắc tổ chức Đảng là dân chủ tập trung, coi người lãnh tụ là nhân vật trung tâm đứng cùng hàng để lôi cuốn toàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lôi cuốn toàn Đảng, toàn dân làm cách mạng theo hình vòng xoáy.
Không muốn lãnh tụ tự coi mình là người đứng ở đỉnh chóp của Đảng, của dân tộc, công lớn nhất giành về mình với lòng ham muốn được tung hô là vĩ đại. Và chính Bác Hồ chúng ta với cái đức như vậy mới thật là vị lãnh tụ vĩ đại.
Trong bốn cấp độ về đạo đức nêu trên, Bác Hồ luôn xem đạo đức làm người là gốc, là nền tảng. Bác Hồ cho rằng trời có bốn mùa, đất có bốn phương, người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một đức không thành người. Ở trang đầu cuốn sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc, là trường Đảng ở Trung ương, nơi bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trung, cao cấp, Bác Hồ viết: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư".
Việc nghiên cứu lý luận Mác-Lênin để hiểu sâu thêm về đạo đức trong đó có đạo đức làm người, nhưng hiểu về lý lẽ để trả bài thì dễ còn hiểu mà làm theo được là vấn đề khó.
Tôi nhớ, ngày 15-4-2003, Báo Công an Thành phố đưa tin, có anh Đồng, tài xế tắc xi, đã tìm cách trả lại cho khách là vợ chồng người Mỹ Billy Leepol một túi xách, trong đó có 18.800 USD và 49 triệu 400 đồng Việt Nam.
Đối với người lái xe tắc xi, đó là số tiền khá lớn, nếu lấy cũng không sợ bị phát hiện, nhưng anh Đồng không tham, đã trả lại cho khách. Hỏi ra, thì đã được trả lời đơn giản rằng, không tham vì đã nhập tâm lời mẹ dặn, là phải ráng làm lấy mà ăn, đừng tham của người khác, hễ tham thì thâm thôi.
Như vậy dạy để hiểu lý lẽ về đạo làm người không khó, nhưng hiểu mà làm theo là phải nhập tâm tức là phải thấm sâu vào lòng mình, thành lương tâm của mình như anh Đồng, đối với nhiều người không phải dễ.
Phải có lương tâm làm người mới có hành vi đạo đức làm người. Chúng ta cũng biết có cán bộ gọi là cao cấp, được học khá nhiều về lý luận, về chính trị, tư tưởng, nhưng chỉ tham ăn hối lộ mấy ngàn đô la mà đang tâm làm điều phạm tội, chính là vì học nhiều nhưng chưa nhập tâm.
Để có hành vi đạo đức làm người, cần phải nhập tâm rằng, trong con người có "con" và có "người". Hành vi theo "con" là theo bản năng sống như loài động vật, hành vi theo "người" là hành vi có ý thức về làm người, tức là sống có suy nghĩ về cái vinh cái nhục, cái đúng cái sai, cái xấu cái tốt, để giữ cho cuộc sống con người có niềm vui và hạnh phúc vì đã làm được điều vinh, điều đúng, điều tốt.
Muốn phát huy được nhân tính, ngoài việc đấu tranh kiềm chế thú tính, còn phải chống chủ nghĩa cá nhân vì nó dẫn đến những hành vi sai trái với đạo đức làm người.
Tu dưỡng đạo đức làm người phải là việc tự giác của mỗi người và sự phán xét của xã hội về đạo làm người đối với mỗi con người là hoàn toàn tự do, không một quyền lực nào có thể ngăn cấm.
Tuy nhiên kiểm tra phán xét thật chính xác về đạo đức của bản thân mình chỉ có lương tâm mình. Người ta có thể tạm thời che dấu lỗi lầm của mình về đạo đức để được khen lầm, kính phục lầm đối với mình.
Nhưng, nếu có ai làm như vậy thì ngoài sai lầm về đạo đức còn mang thêm tội lừa dối. Khi lương tâm được thức tỉnh, sự ân hận sẽ tăng lên gấp bội. Ân hận là biểu hiện sự trừng phạt của lương tâm.
Nhưng nếu phạm sai lầm mà có sự ân hận sâu sắc thì có thể tránh được tái phạm. Táng tận lương tâm, làm điều giả dối, điều xấu, điều ác mà không ân hận là không còn tính người.
Giữ được trọn vẹn đạo làm người rất khó, phải tự rèn luyện thường xuyên, liên tục, đừng để khôn 50 năm mà buông lỏng tu dưỡng để dại chỉ một giờ mà hỏng cả cuộc đời.
Các biểu hiện về suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ đảng viên hiện nay đều thuộc cấp độ đạo đức làm người, tức là suy thoái từ gốc.
Người là một vị lãnh tụ, là một anh hùng, là một danh nhân nên chúng ta phải học và làm theo gương của người.