Tập làm văn lớp 7

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Phạm Yến

Nghi luan hoa sen co ve dep gian di

Mai Hà Chi
3 tháng 8 2017 lúc 13:42
Hoa sen là một lọai hoa thanh khiết và có truyền thống lâu đời nhất ở phương Đông. Đây là một lòai thực vật sống dưới nước có nguồn gốc Á Châu và chiếm giữ một vị trí cổ xưa trong tất cả nền văn hóa đặc biệt của phật giáo. Những cánh, nhụy và gương hạt đã cấu thành một bông hoa sen có nét đẹp thanh thóat và màu tươi sáng. Trong thế giới loài hoa ,sen chưa hẳn đã đẹp .Sen không lộng lẫy như đóa hồng nhung ,không kiêu sa như cẩm chướng ...nhưng trong nó ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu sắc . Hoa sen mang một vẻ đẹp khác thường ,đó là vẻ đẹp thanh tao ,trang nhã ...nhưng lại vô cùng giản dị . Trong làn gió chiều ,hương gió thơm ngan ngát bay xa .. Hoa sen mọc trong bùn, sống trong bùn nhưng vượt lên khỏi nó để hướng đến mặt trời mà không hề bị bùn làm ô nhiễm, vấy bẩn. Cũng giống như một người được sinh ra trên thế giới, tồn tại giữa cuộc đời nhưng đã vượt thoát khỏi sự tham lam, sâu hận, dục vọng và không bị vấy bẩn, ô nhiễm bởi dòng đời. Ở Việt Nam, sen được xếp vào bộ tứ quý (4 mùa): Lan, sen, cúc, mai và xếp vào hàng “tứ quân tử” cùng tùng, trúc, cúc. Hoa sen rất thích hợp với môi trường có khí hậu nhiệt đới như nước ta. Từ Bắc vào Nam, nó có mặt khắp mọi nơi, gần gũi và thân thiết với mọi người như cây tre, cây đa… Nếu ở miền Bắc, hoa sen chỉ nở vào mùa hè, thì ở hầu khắp miền Nam quanh năm đâu đâu cũng thấy sen khoe sắc thắm, Làng quê nơi Bác sinh ra cũng có tên là Làng Sen, và có lẽ hoa sen đẹp nhất khi được ví với hình tượng Bác Hồ, người cha già dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” Trong lòng mỗi người dân Việt, sen là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính chất dân tộc. Chính vì thế, hoa sen luôn là nguồn cảm hứng bất tuyệt của thi ca và nghệ thuật... Có lẽ, không người Việt Nam nào không thuộc bài ca dao đầy tính triết lý này: “Trong đầm gì đẹp bằng sen Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng Nhuỵ vàng bông trắng là xanh Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” Người Việt đã cảm nhận được ý hay “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, sen sống trong bùn nhưng sen vươn lên trên lầy, toả hương thơm ngát. Sen có một sức sống mạnh mẽ đến kỳ lạ và tự tính của sen là tinh khiết, vô nhiễm. Nó tượng trưng cho bản tính thân thiện, phong thái tao nhã, tinh thần “vươn dậy” trong mọi nghịch cảnh của con người Việt Nam. Đặc biệt trong tư tưởng Phật giáo, hoa sen được tôn quý và chiếm vị trí rất quan trọng. Tinh thần “cư trần bất nhiễm trần”, đó cũng chính là ý nghĩa của hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển của Phật pháp, trí tuệ dẫn đến niết bàn. Trong các công trình kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam, sen luôn trở thành hình tượng nghệ thuật. Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu lấy cảm hứng từ hoa sen là chùa Một Cột. Theo truyền thuyết, ngôi chùa này được hình thành từ một giấc mộng đài sen của vua Lý Thái Tông. Chùa có hình dáng hoa sen, mọc lên từ hồ nước, chỉ với “một cột” như một cọng sen. Ở đây, hoa sen là sự giác ngộ, đạt được sự trong sáng và giải thoát khỏi bùn nhơ... Giản dị, tao nhã và thuần khiết, sen là hiện thân cho tính cách, lối sống và tâm hồn người Việt. Sen còn là món quà vô giá từ thiên nhiên, bởi từ sen có thể chế biến những thực phẩm bổ dưỡng, những bài thuốc đặc trị. Gương sen hình phễu, nhẹ, xốp, màu đỏ tía, không có mùi, có tác dụng cầm máu rất hiệu quả lên được chế biến thành nhiều loại thuốc để chữa bệnh băng huyết, cao huyết áp,… Hạt sen nhỏ, có màu vàng, vừa là món ăn dân dã quen thuộc, lại là một loại thuốc rất tốt dành để chữa bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh. Tâm sen màu xanh, nằm giữa hạt sen, có thể dùng để ướp trà, tạo lên hương vị thơm dịu. Lá sen khô nghiền vụn và lá sen tươi, tất cả đều thái nhỏ, hoà với nước uống mỗi ngày còn giúp thanh nhiệt. Ngó sen vừa là một loại thuốc chữa các bệnh về gan, lại vừa là món ăn quen thuộc của người Việt, trong bữa cơm mà có một bát nộm ngó sen, vừa ngon lại giúp dễ tiêu hóa, khó ai có thể từ chối được. Ngày xuân, nhà ai cũng đều có một hộp mứt sen đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp với trầu cau, nước trà mang lại một không khí ấm áp mà thân thương, vui vẻ mà lịch sự. Nhớ hồi bé, ngày hè, mẹ thường nấu cho bát chè sen với đường, vừa thơm, ngọt lại mát, đi chơi cả ngày nhưng vẫn yên tâm không sợ bị ốm. Hoa sen đúng là loại hoa mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước chúng ta, một loại hoa mạng đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Hãng hàng không Vietnam-airline đã chọn hình ảnh bông sen sáu cánh làm biểu tượng của mình sau bao thời gian chắt lọ, suy nghĩ. Phải chăng đó cũng là biểu tượng mà người Việt Nam muốn cho bạn bè quốc tế trên khắp năm châu được biết đến. Đóa sen hồng giờ đã được nâng lên không trung, bay đến với khắp mọi nơi trên thế giới, mang niềm vui đoàn tụ, hạnh phúc, hòa bình và đã giúp khoảng cách giữa người và người, giữa các cộng đồng trên thế giới được xích lại gần nhau. Trong mắt của bạn bè thế giới, hình ảnh của bông sen sẽ in đậm và động lại trong tư tưởng của mọi người về một đất nước anh hùng, bất khuất dù phải trải qua bao cuộc bể dâu, bao trận chiến tang thương, khốc liệt nhưng giờ đây vẫn vững bước đi lên hội nhập với thế giới. Và rồi đây, tôi lại thầm cảm ơn, cảm ơn đóa sen mang tên “Việt Nam” đã tỏa hương thơm ngát. Dù thời gian đang hằn những bước chân vào tạo hóa nhưng tôi tin bông hoa sen dù có trải qua bao cuộc đổi thay vẫn sẽ giữ được vẻ đẹp thanh khiết, mùi hương dịu dàng giống như con người Việt Nam vẫn luôn vươn lên để tỏa sáng như đóa sen vươn mình đón nắng mai nơi bùn đất. Và rồi một ngày, sắc sen rạng rỡ giữa cuộc sống mến thương. “Sen vẫn thế, âm thầm và lặng lẽ Rồi một mai, bừng sáng giữa khung trời Từ sâu thẳm chốn bùn lầy đất mẹ Ngát hương sen, nét đẹp chẳng phai phôi” Sen thơm, hương lại hữu sắc. Dù trong hoàn cảnh nào sen cũng hàm chứa trong nó sự tinh tế, thuần khiết, cao đẹp. Nó thật sự là biểu trưng tiêu biểu nhất cho văn hoá và cốt cách nhân văn của người Việt Nam. ~ Chúc bn học tốt~
Eren Jeager
3 tháng 8 2017 lúc 15:55
“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.


Đất nước Việt Nam thân yêu có muôn vàn cây lá khác nhau, hoa thơm qủa ngọt bốn mùa. Một màu xanh bát ngát bao trùm sông núi. Cảnh trí thiên nhiên tuyệt vời “non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Lòng người hồn hậu, giàu tình yêu thương. Những khúc dân ca, những bài ca dao cùng với sữa mẹ, lời ru của bà đã thấm sâu vào tâm hồn mỗi chúng ta. Con trâu, con cò, con bống, hoa sen, hoa bưởi, hoa cà… cùng với lời ca tình nghĩa đem đến cho ta men say cuộc đời, làm vơi đi ít nhiều lam lũ, vất vả. Tiếng hát của ai đã từng làm xúc động, tự hào:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Chẳng thanh lịch cũng con người Thượng kinh”. Tiếng ca của ai đã từng làm ta bâng khuâng:

“Hoa thơm thơm lạ thơm lùng
Thơm cành, thơm rễ, người trồng cũng thơm”.


Và còn hoa sen trong đầm đã làm ta say mê từ thuở ấu thơ qua lời ru của mẹ. Năm tháng đã trôi qua, hồi tưởng lại, ta càng cảm thấy lòng mẹ ngạt ngào hương sen:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.


Cảnh đầm sen đẹp quá. Và lòng người cũng đẹp như sen. Sen là loại cây, loại hoa đẹp nhất trong đầm. Hoa súng, hoa lục bình, hoa muống màu tím biếc đã đẹp, nhưng không thể so sánh với sen. Bằng cách nói so sánh “gì đẹp bằng”, tác giả tự hào khẳng định: “trong đầm gì đẹp bằng sen”. Câu thứ hai giới thiệu cụ thể vẻ đẹp của đầm sen. Nhà thơ dân gian đang cùng chúng ta say mê ngắm đầm sen một ngày hè đẹp”

“Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng”


Trên mặt hồ trong vắt, lá sen xanh xoè ra như những chiếc lọng xinh xinh, những bông sen trắng, sen hồng nở xòe ra, nhị hoa màu vàng tươi, tỏa hương thơm ngào ngạt. Lá, hoa, nhị, xanh, trăng, vàng, bấy nhiêu nét vẽ chấm phá trong một câu câu thơ tám từ mà làm nổi bật vẻ đẹp của sen với màu sắc hài hòa. Sự thần diệu của lời ca là chẳng nói đến hương sen mà người đọc vẫn cảm thấy hương sen tỏa ngát, tâm hồn lâng lâng.

Câu thứ ba đổi vần một cách kỳ lạ. hai hình ảnh “lá xanh” và “nhị vàng” được giao hoán cho nhau. Câu thứ ba hầu như khép lại câu thứ hai (giản lược) hai chữ “lại chen”. Nghệ thuật đổi vần ở đây chứng tỏ một bút pháp già dặn, điêu luyện của một nghệ sĩ cao tay, tạo nên một ấn tượng đặc biệt. Ta như cảm thấy có một bàn tay thon thả, xinh xinh của thiếu nữ đang lật đi lật lại từng lá sen xanh, nâng niu từng bông sen trắng, ngắm nghía trầm trồ nhị vàng của búp sen.

“Nhị vàng, bông trắng, lá xanh”


Vẻ đẹp của đầm sen, của hoa sen cũng là vẻ đẹp của làng quê, của thiên nhiên đất nước. Tác giả miêu tả vẻ đẹp rực rỡ cảu đầm sen với tình yêu cỏ hoa tạo vật, với tất cả niềm tự hào dân tộc, và tự hào về đất mẹ quê cha.

Câu cuối bài ca dao mang một hàm nghĩa, một ẩn ý sâu sắc, đẹp đẽ. Lời thơ được cấu trúc bằng biện pháp tương phản “gần bùn”, “mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bùn hôi tanh. Sen mọc từ sự hôi tanh của bùn nhưng sen rực rỡ, thơm ngát thế! Câu ca dao đã đưa ta đến một liên tưởng thú vị. Cuộc đời của nhân dân ta ngày xưa, dưới ách thống trị của vua quan, địa chủ, cường hào, sưu thuế nặng nề, trải qua nhiều khó nhọc, thiếu thốn. Cuộc đời vật lộn giữa bùn đen hôi tanh, nhưng tâm thế của nhân dân ta rất vững vàng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Có thể tác giả bài ca dao này là một nhà thơ nghèo, từ chiêm nghiệm cuộc đời mà nêu lên một triết lỹ nhân sinh cao đẹp của nhân dân ta, ca ngợi bản lĩnh dân tộc: Sống thanh cao, sống trong sạch.

Ca dao dân ca có biết bao bài đặc sắc nói về hoa lá. Có bài nói về dáng trúc mang tiết tháo người hiền “trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”. Có bài nói về hoa nhài tinh khiết, trong trắng. Dân ca Quan họ có bài nói về trăm loài chim, trăm loài hoa… Qua đó ta thấy tâm hồn nhân dân ta rất đẹp, biết yêu mến quý trọng hoa thơm cỏ lạ mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Với lòng yêu hoa lá, chúng ta cảm thấy thú vị được thưởng thức cái hay, cái đẹp của bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen…” này. Ta yêu thêm vẻ đẹp đồng quê, yêu thêm tâm hồn và tâm thế cao quý của con người Việt Nam:

“Rủ nhau ra tắm hồ sen,
Nước trong bóng mát, hương chen cạnh mình.
Cứ chi vườn ngọc, ao quỳnh
Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay”…


Trong chúng ta, ai đã có lần được ngắm sen Hồ Tây, sen hồ Tĩnh Tâm (Huế), sen Đồng Tháp Mười…? Nghĩ về đầm sen, hương sen, chúng ta tự hào biết bao về người con vĩ đại của làng Sen thân thuộc như nhà thơ Bảo Định Giang đã ngợi ca:


Tháp Mười đẹp nhất bông sen,
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

0o0^^^Nhi^^^0o0
3 tháng 8 2017 lúc 16:29

Hoàng Phủ Ngọc Tường

"Tháp Mười đẹp nhất bông sen..."



Đó là một trong nhiều điều tôi tò mò muốn biết khi về thăm Đồng Tháp Mười, vì từ bé đến giờ tôi chưa hề thấy sen mọc hoang. Ở Huế cũng như khắp các làng quê miền Bắc, miền Trung tôi đã đi qua, sen được trồng trong những đầm, hồ dành riêng, không xen lẫn với các loài thủy thực vật khác, và nhất là không tự mọc theo kiểu cây dại. Mùa thu mặt hồ xanh biếc vắng lặng làm bâng khuâng, tưởng như linh hồn bông sen đã lặn về ẩn náu đâu dưới thủy cung.

Về Đồng Tháp Mười mới biết, ở đây sen nở mênh mông chi địa, chung sống không nề hà cùng lau sậy, cỏ lác, cỏ năn... tự mình thơm ngát giữa đầm lầy. Liên tưởng tới câu ca dao ngợi khen phẩm chất bông sen thuộc lòng từ nhỏ, "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", tôi chợt thấy buồn cười vì một điều vô nghĩa đã tồn tại quá lâu trong văn chương.

Không thể bảo rằng bông sen "gần bùn" bởi vì sen chính là từ bùn ngoi lên, được bùn nuôi dưỡng, thậm chí được dành một cọng riêng không chung với lá nhờ thế mà đủ sống, mà thơm tho gởi hương cho gió. Mẹ vắt mình nuôi con khôn lớn thành đạt làm quan, con bước lên thượng lưu xã hội, cúi xuống ngửi ngửi mùi mồ hôi trên áo mẹ, chê là hôi hám. Ăn ở bất hiếu bất nghĩa như vậy, đâu phải là phẩm chất của bông sen? Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, chỉ bùn cống rãnh mới dơ bẩn; còn bùn dưới đáy hồ sâu nơi sen mọc, tinh sạch thế, có gì đâu mà "hôi tanh"? Có lần tôi về tận chót Mũi Cà Mau, bì bõm lội giữa bãi bùn mênh mông, chỉ thấy ngất ngây một mùi phù sa đôn hậu. Về Tháp Mười lần này, tôi được nếm món thịt chuột ram mỡ nhấm với rượu đế nơi một quán cóc ven kênh Tư Mới. Thú thực, vừa nghe tới "chuột" là tôi thấy ớn; nhưng ăn vào thì lại là chuyện khác! Chỉ chuột cống rãnh mới ghê tởm, còn con chuột đồng, ngẫm lại có khác chi con thỏ? Đem liên kết hai ý niệm "bùn" và "chuột" này, tôi kết luận rằng những người dân thị thành (như tôi) không được phép lầm tưởng những thứ cống rãnh phố phường với bùn đất đồng nội, nếu không muốn mang tội "trịch thượng" đối với cội nguồn. Câu nói "gần bùn, hôi tanh" gì gì đấy về bông sen quả là phảng phất miệng lưỡi của gã trịch thượng loại đó.

Thế không lẽ ca dao lại dạy cho trẻ em sự vong ơn bội nghĩa hay sao? Tôi không tin, vì ca dao tục ngữ vốn đuợc sáng tạo nên bằng đạo lý của nhân dân. Chẳng qua là mấy anh đồ Nho tự cao tự đại nào đấy đã chen vào, chính họ đã thở ra cái khẩu khí hãnh tiến và bội bạc kiểu thế này: "Một ngày dựa mạn thuyền rồng- còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài". Bài ca dao "Trong đầm gì đẹp bằng sen" cũng thuộc loại "khẩu khí" nói trên. Theo Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam Văn học Sử yếu, bài ca dao này được kết hợp bởi hai thể Phú và Tỷ, "vừa tả hoa sen (phú), vừa ví quân tử với hoa sen (tỷ)". Quân tử bị bắt quả tang ở đây đích thị là đồ Nho rồi, còn ai vào đấy nữa! Sự lỡ miệng nằm trong câu cuối (gần bùn, hôi tanh) để phá vỡ hình tượng cao quí của bông sen trong toàn bài, khiến thi sĩ Phùng Quán đùng đùng nổi giận "Tất cả là trong cái chữ gần. Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột "những manh tâm bội nghĩa vong ân", và bởi thế, Quán đòi: "Nhân danh bùn- nhân danh sen- Tôi đề nghị đuổi câu thơ phản trắc này ra khỏi kho báu nhân dân" (Thơ Phùng Quán- NXB Hội Nhà văn). Thực ra, Bông Sen vẫn là biểu tượng tâm linh của Phật giáo; nhưng Phật giáo không nói "gần bùn", mà nói "từ bùn mọc ra- liên hoa xuất ư nê" như bài kệ của thiền sư Minh Lương (thế kỷ XVII). Tiếc thay, hình tượng bông sen được tôn vinh theo kiểu đó đã tiếp tục lừa dối quá lâu trong sách vở xưa nay.

Đó là câu chuyện Nhàn đàm giữa anh Hồ Bông và tôi trong chuyến giao du về xứ Đồng Tháp Mười quê hương anh. Nhạc sĩ Hồ Bông nguyên là Trưởng đoàn ca múa nhạc Bông Sen, suốt đời nâng niu lòai hoa đẹp nhất Tháp Mười này. Vậy nên mỗi lần mở màn giới thiệu đoàn nghệ thuật của mình trước công chúng, anh vẫn đọc bài thơ Bông Sen, với câu cuối đầy trìu mến như sau:

Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Từ bùn nên vẫn đạm thanh hương bùn"

Tất nhiên câu khẩu hứng của anh Hồ Bông chưa hay, thậm chí chưa đủ sức thay thế nguyên bản. Nhưng tôi tâm phục tấm lòng "biết ơn bùn- đất" nơi con người nghệ sĩ Hồ Bông. Đúng, sen có đức giáo hóa, có đức khiêm nhường, thanh khiết hơn mọi hoa khác, dù nó mau tàn, người ta vẫn thích chọn hoa sen làm hoa dâng chúng Phật.


Các câu hỏi tương tự
Elizabeth
Xem chi tiết
Elizabeth
Xem chi tiết
phamquytu
Xem chi tiết
nguyenthibichloan
Xem chi tiết
Rinkaki
Xem chi tiết
Phương Linh Nguyễn
Xem chi tiết
Lan Anh Nguyễn
Xem chi tiết
thuan
Xem chi tiết
Binh Nguyen
Xem chi tiết