Bài 10: Liên Xô và các nước Đông Âu từ năm 1945 đến năm 1991

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Nguyễn  Việt Dũng

Nêu những biểu hiện về sự khủng hoảng và giải thích vì sao chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ.

Nguyễn  Việt Dũng
17 tháng 8 lúc 5:40

♦ Biểu hiện sự khủng hoảng của Liên Xô:

- Về chính trị:

+ Tới đầu những năm 80 của thế kỉ XX, Liên Xô lâm vào khủng hoảng chính trị. Tháng 3-1985, M. Goóc-ba-chốp được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và công cuộc cải tổ được tiến hành. Trong đó, cải tổ chính trị với khẩu hiệu “dân chủ hoá”, “công khai hoá” đã xác lập chế độ đa nguyên, đa đảng và hệ thống chính quyền tổng thống.

+ Ngày 19-8-1991, một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô dã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ M. Goóc-ba-chốp, nhưng không thành công. Hệ quả là: Mâu thuẫn chính trị gia tăng, Đảng Cộng sản bị đình chỉ hoạt động, chính quyển Liên bang bị tê liệt. Các nước cộng hoà tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang.

- Về kinh tế: Từ giữa những năm 70 của thế kỉ XX, nền kinh tế Liên Xô có dấu hiệu trì trệ. Công cuộc cải tổ kinh tế được thực hiện từ năm 1985, nhưng thiếu đồng bộ và hiệu quả, dẫn đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng trong những năm 1989-1991.

- Về xã hội:

+ Từ cuối những năm 70, do khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng làm cho đời sống của nhân dân Liên Xô suy giảm, niềm tin vào chủ nghĩa xã hội lung lay dẫn đến bất bình gia tăng.

+ Từ năm 1989, nhiều cuộc biểu tình, bãi công đã nổ ra.

- Về văn hóa: do sự buông lỏng quản lí văn hoá của Nhà nước đã thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên và tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội trong nước gia tăng.

♦ Nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, nguyên nhân cơ bản bao gồm:

+ Thứ nhất, do đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô mang tính chủ quan, duy ý chí; áp dụng máy móc mô hình kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp trong nhiều năm; chậm đổi mới cơ chế và hệ thống quản lí kinh tế.

+ Thứ hai, những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ hiện đại không được áp dụng kịp thời vào sản xuất; năng suất lao động xã hội suy giảm dẫn tới tình trạng trì trệ kéo dài về kinh tế, sự sa sút, khủng hoảng lòng tin trong xã hội.

+ Thứ ba, quá trình cải cách, cải tổ phạm sai lầm nghiêm trọng về đường lối, cách thức tiến hành. Việc đổi mới chính trị đi trước quá trình cải tổ kinh tế, sự xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản khiến cho khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.

+ Thứ tư, hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch ở trong nước và các thế lực bên ngoài góp phần làm gia tăng tình trạng bất ổn và rối loạn.