Từ bé đến lớn, em thường chỉ được đưa đến những khu vui chơi thiếu nhi hoặc những trung tâm giải trí. Lần đầu tiên em được đến một nơi trang nghiêm là lần đi hội chùa Hương với bà nội.
Vào khoảng sau rằm tháng Giêng, theo thông lệ bà em thường hay đi hội chùa Hương, lần này em nằng nặc xin đi theo nên bà đồng ý. Ngồi trên taxi khoảng hơn nửa tiếng, em và bà đã đến nơi. Từ xa nhìn lại, chùa Hương là một công trình kiến trúc uy nghiêm mà vẫn hài hòa với hang động tự nhiên và núi rừng nên nơi đây toát lên vẻ cổ kính, hoang sơ. Em nhìn dòng người đông đúc mà choáng ngợp. Trên cầu thang dài và rộng là hàng ngàn người, nhiều nhất vẫn là các vị sư, còn có khách du lịch, người đi thăm hội như em và bà.
Đi cùng đoàn người lên hang động, em thấy khói hương lượn lờ trong không khí. Bà em theo đạo Phật, vì vậy lúc này em thấy bà vô cùng kính cẩn cầm chuỗi tràng hạt thắp nén hương nơi tôn kính. Em cũng học theo bà bái lạy đức Phật. Rồi đoàn người tản ra, em theo bà đi dọc các đền miếu cầu phúc cho gia đình, xem quẻ bói và đi dạo quanh khuôn viên rộng lớn của chùa. Một số người đi đò, hoặc lên trên núi, nhưng bà và em chỉ đi dạo thêm một lúc rồi về nhà.
Mặc dù còn nhỏ và chưa hiểu hết ý nghĩa của lễ hội lớn này, tuy nhiên em vẫn cảm nhận được sự long trọng và ý nghĩa đặc biệt của hội chùa Hương. Có lẽ trong tương lai, hội chùa Hương vẫn mãi là một nét văn hóa tôn giáo quan trọng của người Việt Nam.
Hằng năm, cứ đến mùa xuân, quê em lại tưng bứng mở hội đua thuyền trên sông Hồng. Sáng hôm ấy, hai bên bờ sông suốt đường đua dài 1000m, kẻ khua trống, người thổi kèn tàu, đông vui và náo nhiệt. Đường đua bắt đầu ở một khúc đầu làng em. Dưới sông năm con thuyền đua đã xếp thành hàng ngang ở vạch xuất phát. Trên thuyền, các tay đua là những thanh niên khoẻ mạnh ngồi thành hàng, tay lăm lăm mái chèo. Mỗi đội có một màu áo khác nhau. Đến giờ xuất phát, kèn trống nổi lên thì các chiếc thuyền lao nhanh vun vút về đích. Hai bên bờ sông tiếng hò reo, cổ vũ của người xem làm náo động cả một khúc sông. Đội làng em đã về đích trước tiên. Cuối hội là phần troa giải thưởng, ai cũng có mặt đông đủ để chúc mừng các tay đua.
Hội đua thuyền là nét văn hoá truyền thống của quê hương em. Em sẽ học giỏi, tập thể thao cho cơ thể mạnh để được tham gia hội đua thuyền.
Mùa xuân về với những cơn mưa phùn nhè nhẹ, với những tia nắng mới ấm áp, với bao cánh đào, cánh mai bung xòe rực rỡ và với không khí lễ hội tưng bừng khắp mọi nẻo đất nước. Năm nay, thủ đô Hà Nội tổ chức lễ hội đua thuyền ở Hồ Tây.
Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 9 tháng Giêng Âm lịch, nhằm tạo không khí xuân vui tươi và nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng. Lễ khai mạc diễn ra với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc và tiếng trống khai xuân rộn vang. Trên sông, hai mươi bảy chiếc chiếc thuyền rồng được trang trí những viền vàng đỏ hoặc vàng xanh xen kẽ rực rỡ. Họ còn cắm lá cờ bảy sắc ở đuôi thuyền. Mỗi thuyền mặc một bộ đồng phục khác nhau và khoác chiếc áo phao màu cam bên ngoài. Những người tham gia đua tươi cười, sẵn sàng tham gia cuộc đua. Khi tiếng trống vang lên ra hiệu cuộc đua bắt đầu, những người đua thuyền vung tay chèo lái. Mái chèo quẫy tung mặt nước. Ven hồ, những khán giả hò reo cổ vũ. Những hàng liễu, hàng hoa sữa hay bằng lăng ở đó cũng ngả mình theo gió như biết trận đua đang diễn ra tưng bừng. Gió trên hồ khá lớn, làm lá cờ tung bay phấp phới. Những hồi trống vang lên không dứt để tiếp thêm sức mạnh cho các đội người đua thuyền. Mọi người hò hét chúc mừng đội đua đã vô địch.
Em cảm thấy lễ hội đua thuyền hôm đó rất vui, hào hứng và cuồng nhiệt. Quả thực, lễ hội truyền thống luôn để lại cho thế hệ chúng em những hiểu biết quý báu. Em hi vọng mùa xuân năm sau sẽ lại được xem lễ hội này.