Đề cương ôn tập văn 7 học kì II

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Hân지아

Hãy giải thích các câu tục ngữ sau

1. "Lá lành đùm lá rách"

2. "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn."

3. "Thương người như thể thương thân"

4. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"

Huỳnh lê thảo vy
23 tháng 4 2019 lúc 13:24

1,

Những câu tục ngữ được xem là "túi khôn" của nhân loại. Sau những câu văn ngắn gọn, có vần điệu, có lớp nghĩa hiển ngôn hiển hiện rõ ràng là lớp nghĩa hàm ẩn sâu xa. Ở đó, nhân dân ta đã thể hiện kinh nghiệm, tư tưởng, quan điểm, hay đơn giản hơn là những điều quan sát được trong thiên nhiên và sự liên tưởng qua việc quan sát đó. Sự kiện ấy đã xuất hiện trong nhiều câu tục ngữ và nổi bật là câu: "Lá lành đùm lá rách".

Với những hình ảnh gần gũi, giản dị, câu tục ngữ này dễ dàng tạo nên một ấn tượng riêng trong lòng người đọc. Ngắn gọn thế nhưng câu tục ngữ lại chứa đựng những ba nghĩa chính. Xét về nghĩa đen có người bảo "Lá lành đùm lá rách" là để chỉ một hiện tượng tự nhiên. Trên cây, những chiếc lá lành lặn, mạnh mẽ bao giờ cũng vươn lên và cũng luôn ỏ phía trên những chiếc lá có đôi chút rách nát, yếu ớt như để che chở, bao học. Tuy đó chỉ là một cái nhìn chủ quan của dân gian xưa về một hiện tượng tự nhiên nhưng nó cũng đã thể hiện tình cảm của họ thời đó. Còn có một cách giải thích khác được lưu truyền. Cách giải thích ấy cho rằng "Lá lành đùm lá rách" là để chỉ những lớp lá khi gói luôn là những chiếc lá không mấy lành lặn rồi mới đốn những chiếc lá lành lặn, đẹp đẽ. Cái cách gói ấy đã có từ muôn đời, đến nay đã thành cái lệ, cái tập tục, cái thói quen của những người làm bánh.

Nhưng dù lớp nghĩa đen nay có là gì đi nữa thì ẩn sâu trong nó vẫn là một lớp nghĩa bóng đẹp đẽ, sâu xa. Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, bao bọc, che chở những con người khó khăn hơn, và cả những chiếc lá rách nát, xấu xí để cuộc sống sẽ như một cái cây tươi tốt, đâm chồi nảy lộc. Những ý nghĩ sâu sắc ấy đã dạy cho chúng tôi một bài học về cách làm người, về cách ứng xử trong xã hội, trong cuộc sống này. Qua đó mỗi người cũng đã tự thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình là phải bao bọc, chở che cho những con người bất hạnh hơn. Nói đúng ra là phải biết thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau để cuộc sống bớt khổ đau, đói nghèo và bất hạnh. Có vậy, mối quan hệ giữa con người trong xã hội mới đúng nghĩa "đồng bào" mà cha ông xưa đã răn dạy.

Những câu tục ngữ luôn như vậy, ngắn gọn mà chứa đựng một bài học sâu sắc. Hi vọng rồi đây, vốn kiến thức của em sẽ ngày một dày hơn lên, có thêm nhiều những câu ca dao, tục ngữ hay như vậy. Chắc chắn em sẽ cố gắng hết mình để nghe lời và thực hiện tốt những gì đã được đúc kết từ mỗi lời dạy đó.

Thu Trang
23 tháng 4 2019 lúc 21:07

1,

Một trong những đạo lý truyền thống của ông cha ta từ xưa đến nay đó chính là tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia trong cuộc sống. Đó là thứ tinh thần cao quý, có thể giúp con người ta vượt qua bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Điều này đã được ông cha ta đúc rút qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.

Qua câu tục ngữ trên, ông cha ta muốn gửi gắn đến con cháu muôn đời bức thông điệp gì? “Lá” ở đây là hình ảnh mang tính biểu tượng. “Lá lành” là tượng trưng cho những cuộc sống đầy đủ, ấm no,hạnh phúc, trong khi đó, “lá rách” lại tượng trưng cho những mảnh đời bất hạnh, thiếu thốn, đau khổ trong cuộc sống . “Đùm” là động từ mang nghĩa đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ. Như vậy, với câu tục ngữ ngắn gọn và sâu sắc, ông cha ta đã khuyên nhủ con cháu muôn đời bài học về cách chia sẻ, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người trong cuộc đời.

Đây là một quan niệm hoàn toàn hợp lý và có ý nghĩa. Thật vậy, con người sinh ra trong cuộc đời không phải ai cũng có cho mình một cuộc sống như mình mong muốn. Có những người khi sinh ra đã bị tật nguyền, mặc những căn bệnh bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, mất mát,..Cũng trong khi đó, có những người sinh ra đã có một cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc. Mà một xã hội có ý nghĩa, để phát triển được, thì xã hội ấy cần có sự sẻ chia, sẻ chia giữa những người giàu và nghèo, đầy đủ và khó khăn, Một sự giúp đỡ lúc hoạn nạn, nghịch cảnh cũng giống như một ngọn lửa ấm áp sưởi ấm tâm hồn lạnh giá, tan vỡ của một trái tim đang chứa đầy khổ đau. Dù chỉ nhỏ hay là lớn, nhưng nó cũng đáng quý và đáng trân trọng vô cùng. Bác Hồ trong nạn đói năm 1945 đã kêu gọi nhân dân góp gạo cứu đồng bào với khẩu hiệu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, người dân trên khắp mọi miền đất nước góp gạo nuôi chiến sĩ, bộ đội. Ngày nay, sự sẻ chia, tương thân tương ái cũng được thể hiện rất rõ, ngày càng nhiều những tổ chức từ thiện, những tấm lòng hảo tâm đứng lên kêu gọi quyên góp để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Ngọn lửa của trái tim nhân ái như được lan ra với toàn dân tộc.

“Lá lành đùm lá rách” là một đạo lý truyền thống của dân tộc, nó giúp xã hội ngày một gắn kết, tình yêu thương giữa con người ngày càng đi lên, đời sống ngày càng phát triển, xóa đói giảm nghèo. Và vì cho đi là nhận lại. Khi ta biết sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, ta cũng sẽ nhận lại cho mình được sự thanh thản, nhẹ nhõm trong tâm hồn, sự yêu mến, cảm kích của những người xung quanh, để rồi đổi lại khi chính bản thân cần sự giúp đỡ, họ cũng luôn sẵn sàng trợ giúp ta. Có những người cả đời làm từ thiện nhưng họ không mong nhận lại được cái gì cao cả mà chỉ đơn thuần là trái tim hô rung cảm, yêu thương với người khác, họ cho đi với ước nguyện hướng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Do đó, mỗi con người trong cuộc sống luôn cần biết yêu thương, sẻ chia đối với những người khác, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Cần hiểu rằng, sẻ chia không nhất thiết cứ là vật chất mới đáng quý, mà sẻ chia còn sẻ về mặt tinh thần, có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít, nhưng quan trọng nhất, sự sẻ chia ấy cần xuất phát từ chính trái tim, thay vi vụ lợi hay cầu danh vọng. Những con người khi cộng đồng cần họ, họ quay lưng lại, vô cảm , xa lánh với những mảnh đời khó khăn trong xã hội là những kẻ thật đáng phê phán biết bao. Mỗi người cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội để luôn cư xử, hành động một cách vị tha nhất.

Một xã hội phát triển là một xã hội mà ở đó những cá nhân luôn yêu thương, đùm bọc, cùng hướng về mục tiêu chung, mà căn cốt của điều đó, con người cần phải biết sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, có như thể cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp, giàu tình yêu thương, vị tha.

2,

Từ xa xưa ông cha ta đã đúc rút ra rất nhiều những bài học đạo lý vô cùng sâu sắc , một trong số đó chính là tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Điều này được thể hiện rất rõ qua câu ca dao "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Vậy ông cha ta muốn nhắn gửi điều gì qua câu tục ngữ trên? Trước hết cần phải hiểu , "bầu" Và "bí" là hai loại quả tương đương nhau về tính chất, hình dạng, cùng một chủng loại, đều là những cây thân leo và thường được trồng trên cùng một giàn. Hai loại cây ấy chính là tượng trưng cho những con người trong cùng một quê hương, một dân tộc, một đất nước. Khi nói, "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", ông cha ta muốn nhắn gửi đến thế hệ con cháu sau này, cần phải biết yêu thương, trợ giúp lẫn nhau, không phân biệt màu da , xuất thân, hoàn cảnh, địa vị , đã là con người cần phải biết yêu thương chính đồng loại, chính những con người giống mình.

Lời nhắn gửi của ông cha ta là hoàn toàn đúng đắn và có ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Thật vậy , xã hội này sẽ chẳng thể tồn tại nếu thiếu đi tình yêu thương giữa con người với con người. Điều này được thể hiện qua những thứ tình cảm khác nhau ,từ tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè ,tình cảm xóm giềng đến tình yêu quê hương, dân tộc . Con người ta trước mọi khó khăn thử thách hiếm khi có thể tự mình vượt qua tất cả nếu không cần nhờ đến sự trợ giúp của những người xung quanh. Hay trong cuộc sống này vẫn còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đang trông chờ vào những tấm lòng cao cả ,những trái tim ấm áp cưu mang và cứu giúp .Vậy nên tinh thần tương thân tương ái là khá phổ biến cho cuộc sống hôm nay, không khó để thấy hình ảnh của những nhóm thiện nguyện, tổ chức từ thiện ngày càng xuất hiện nhiều hơn như Mùa Hè Xanh hay Cơm Có Thịt và rất nhiều những mạnh thường quân đã cùng chung tay góp sức gây quỹ để ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, đồng bào những vùng lũ lụt ,sạt lở để hi vọng góp một phần nhỏ của mình, để khiến cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Chính tình yêu thương , sự sẻ chia là ngọn lửa thắp sáng lên trái tim của mỗi người.

Biết yêu thương , sẻ chia của những người xung quanh cũng giúp con người ta tự hoàn thiện chính bản thân mình. Đó là khi ta biết sống chậm lại , mở rộng trái tim mình, cảm nhận về những góc khuất của cuộc sống, lan tỏa tình yêu đến mọi hoàn cảnh trong cuộc sống. Ta biết nhận thức về chính bản thân mình và trân trọng những gì ta đã và đang có. Thay vì trong xã hội hôm nay, vẫn còn những kẻ sống một cách thờ ơ , vô trách nhiệm , lạnh lùng với chính những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình . Họ đôi khi vô cảm , khinh miệt , chỉ trích những người ăn xin những người lao động nghèo và cho rằng họ không đáng được tôn trọng . Đó là lối sống đáng bị lên án và phê phán vì nó không chỉ thể hiện một sự vô trách nhiệm đối với chính cuộc sống, chính những người xung quanh trong cùng một cộng đồng của mình mà còn cho thấy một sự tha hóa về đạo đức , tính cách.

"Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" là một câu ca dao đã tồn tại từ bao đời nay , giúp định hướng con người có một lối sống đúng đắn, có ý nghĩa trong xã hội đó chính là lối sống tương thân tương ái , yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ những người xung quanh , đặc biệt là những người có chung dòng máu , chung quê hương, đất nước . Tuy nhiên , để biết san sẻ tình yêu thương , trước hết con người cần hoàn thiện chính bản thân mình cả về mặt đạo đức lẫn trí tuệ. Luôn trân trọng những con người quanh ta , luôn có thái độ sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống vì cho đi là nhận lại. Khi tôi biết cho đi, rồi đến một lúc nào đó ta sẽ nhận lại cho mình những điều hoàn toàn xứng đáng. Một ngọn lửa nhỏ trong một trái tim nhỏ bé rồi cũng sẽ trở thành một ngọn đuốc rực cháy trong mỗi trái tim, và ngọn đuốc ấy sẽ sưởi ấm cả cộng đồng, để xã hội này ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, không còn sự thiếu thốn, không có sự khổ cực.

Mỗi người đều là một bông hoa của tạo hóa, ai cũng cần được trân trọng cần nâng niu. Tuy rằng mỗi bông hoa có thể khác biệt về nguồn gốc, về giống loài , về hương thơm hay hình sắc , nhưng đều có một mục đích chung là làm đẹp cho đời. Vậy nên, hãy là những bông hoa trong cùng một vườn hoa , thay vì đứng một mình vả tỏa hương, hãy hòa vào cùng những bông hoa khác để cả vườn hoa mang đến hương thơm ngọt ngào nhất cho cuộc sống này.

3,

Kho tàng ca dao, tục ngữ của văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều câu nói hay về truyền thống đạo đức của dân tộc, một trong số đó phải kể đến truyền thống nhân ái, yêu thương, tinh thần tương thân tương ái giữa con người với con người. Câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân" là biểu hiện rất rõ cho nét đẹp đó.

Trước hết, ta cần hiểu "Thương người như thể thương thân" nghĩa là như thế nào?. "Thương" là cảm xúc xót xa, đồng cảm trước một số phận, một cảnh ngộ nào đó hay có thể là sự chăm sóc, giữ gìn, quý trọng bản thân mình và những người xung quanh. Đó phải là thứ tình cảm, cảm xúc chân thành, sâu sắc giữa người với người, người với muôn loài, muôn vật.... "Thương người" ở đây có nghĩa là dành tình cảm cho người khác, không phải là mình và phải bằng tấm lòng của mình có thể thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia và giúp đỡ người khác. "Thương thân" chính là sự quý trọng bản thân mình, từ "như" đã biểu thị quan hệ tương đồng, ngang bằng trong sự so sánh về mặt nào đó giữa các sự vật, sự việc. Câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân" là lời khuyên nhủ mỗi người đối xử tốt với bản thân mình như thế nào, hiểu được nỗi khó khăn, thiếu thốn của mình ra sao thì mình sẽ đồng cảm, sẻ chia với người khác như vậy.

Một câu tục ngữ quen thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người với ý nghĩa giáo dục rất lớn. Không chỉ yêu thương bản thân mình mà hãy quan tâm đến những người bên cạnh ta bằng những tình cảm chân thành và giản dị nhất. Mỗi người chúng ta đều được cha mẹ sinh ra và trao cho một số phận, được làm người là điều vô cùng may mắn, cho dù số phận của mỗi người đều không giống nhau: Có người được tạo hóa ban tặng dung nhan xinh đẹp, có người lại có những khiếm khuyết trên cơ thể, có người sinh ra đã sống trong cảnh giàu sang, nhưng có những người sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh,... Tuy vậy, dù cho ta có gặp phải bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải yêu thương và trân trọng bản thân mình bởi nếu không tự yêu bản thân mình thì sao ta có thể yêu thương người khác được. Cuộc sống không phải lúc nào cũng mỉm cười với ta, đôi khi ta cũng gặp niềm vui, nỗi buồn, có lúc ta khỏe mạnh nhưng cũng có lúc ta đau ốm, buồn bã, cũng có thể ta đang gặp phải một chuyện gì đó không vui hay đau ốm, bệnh tật... Những lúc đó không có người thân bên cạnh hay không có ai quan tâm, chia sẻ cùng thì chắc chắn ta sẽ rất buồn phiền, ta sẽ thấy tủi thân, cô đơn, lo lắng, ta sẽ tự thấy thương cho chính mình.

Thương bản thân mình là vậy, liệu rằng khi ta vô tình bắt gặp một hoàn cảnh như gặp chính mình trong đó thì ta sẽ thế nào? Liệu ta có đồng cảm với họ hay ta quay mặt thờ ơ như không biết, thậm chí còn dè bỉu coi khinh? Đó còn phụ thuộc vào tình cách, vào sự nhận thức ở mỗi người. "Thương người" ở đây được hiểu là khi ta bắt gặp một ai đó khi nhìn thấy họ nghèo khó, rách rưới hay những cụ già chống gậy đi ăn xin, những em bé trời lạnh không có quần áo mặc hoặc những người bệnh tật không có người thân chăm sóc, không có tiền chạy chữa thuốc thang hay những vùng miền hằng năm gánh chịu lũ lụt, thiên tai... Trước những hình ảnh xúc động đó, trái tim ta rung động bởi sự thương xót, thấu hiểu được nỗi đau, nỗi khổ của họ. Tình thương ấy có thể chỉ là những hành động chia sẻ, động viên bằng tinh thần nhưng cũng có thể là những đóng góp bằng vật chất dù ít hay nhiều vì "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Đó là một hành động ý nghĩa, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn của những người dân trong cùng một đất nước. Chẳng hạn như trên đường ta gặp một cụ già ăn xin, nếu có điều kiện thì ta giúp đỡ hoặc đi qua ta bắt gặp một em bé đang khóc không có người thân bên cạnh, ta có thể dừng xe hỏi han rồi đưa em bé đó vào phòng công an nơi gần nhất để mong tìm được người thân của mình. Những chương trình từ thiện hằng năm, những em bé kém may mắn bị mắc bệnh hiểm nghèo hay những vùng miền bị thiên tai lũ lụt cần lắm những tấm lòng hảo tâm, đó chính là tình người với nhau. Mình thương bản thân mình như thế nào thì hãy đồng cảm và sẻ chia với người khác như thế đó, đó cũng chính là thông điệp mà ông cha ta muốn gửi gắm vào câu tục ngữ.

4,

Có thể nói rằng trong cuộc sống, đạo đức là một yếu tố rất quan trọng, nó thể hiện sự văn minh, lịch sự, nếp sống, tính cách. Chắc chắn rằng trong một phần nào có thể đánh giá được phẩm chất, giá trị bản thân con người. Và dường như ta lại thấy được rằng có rất nhiều mặt để đánh giá đạo đức, phẩm chất của con người. Những giá trị đạo đức đó được thể hiện qua sự biết ơn. Và câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” được đánh giá là một trong những câu tục ngữ hay nhất và đặc sắc nhất nói về điều này.

Câu tục ngữ thật ngắn gọn trên đều mang một triết lí nhân văn sâu xa. Đó là cần phải biết ơn những người đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi cchúng ta.

Câu tục ngữ này dường như cũng đã mượn hình ảnh "ăn quả" và "trồng cây" ý muốn nói, khi được hưởng thụ những trái ngọt, trái thơm, cần nhớ tới công sức, mồ hôi nước mắt của người đã làm ra nó. Qủa thực những điều đó được ẩn dụ nhằm khuyên răn thái độ của mỗi con người xử sự làm sao cho đúng, và đã là cho phải đối với những người đã giúp đỡ mình để không phải hổ thẹn với lương tâm của chính mình. Một trái chín thơm đó đâu phải làm ra được một cách dễ dàng chứ? Người trồng họ phải mất biết bao công sức mới có thể có được cho nên người ăn quả phải nhớ công lao của họ.

Hành động đó dường như cũng đã thể hiện một tư tưởng cao đẹp, một lối ứng xử đúng đắn. Qủa thật ta nên biết được rằng chính lòng biết ơn đối với người khác đó chính là một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ xưa tới nay. Đó là lối sống ân nghĩa mặn mà, thuỷ chung sâu sắc giữa con người với con người trong gia đình, trong xã hội với nhau. Ta như biết được rằng tất cả những gì chúng ta đang hưởng thụ hiện tại không phải tự dưng mà có. Đó dường như cũng chính là công sức của biết bao lớp người. Đó có thể là từ những bát cơm dẻo trên tay cũng do bàn tay người nông dân làm ra. Rồi cả khi là những tấm áo ta mặc, chiếc giày ta đi cũng đều bởi những bàn tay khéo léo của người thợ cùng với sự miệt mài, cần cù trong đó

Khi chúng ta sinh ra chúng ta đã mang ơn người sinh thành đó chính là cha mẹ. Chúng ta phải thầm biết ơn cũng như phải cảm ơn cha mẹ vì đã cho bạn có mặt trên cuộc đời này. Cha mẹ luôn là người yêu thương chúng ta vô điều kiện đã nuôi nấng chúng ta lên người.

Và vẫn còn rất nhiều, rất nhiều những công trình vĩ đại nữa mà thế hệ trước đã làm nên nhằm mục đích phục vụ thế hệ sau. Tất cả những điều đó chính là những công sức lớn lao, sự tâm huyết của mỗi người dồn lại đã tạo nên. Và đây chính là những thành quả thật đáng khâm phục để ngày nay chúng ta cần biết ơn, phục hồi, tu dưỡng, phát triển những di sản đó. Qủa thật ta nên hiểu được rằng chúng những lòng biết ơn, kính trọng không phải chỉ là lời nói mà còn cần hành động để có thể thể hiện được hết ân nghĩa của ta. Đó có thể chính là bài học thiết thực về đạo lí mà mỗi con người cần phải có. Lòng nhớ ơn dường như luôn luôn mang một tình cảm cao đẹp, nó như đã thật thấm nhuần tư tưởng nhân văn. Nó giáo dục chúng ta cần biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ và đó còn có cả những anh hùng vĩ đại đã hi sinh, lấy thân mình, mồ hôi, nước mắt và xương máu để bảo vệ nền độc lập cho đất nước, giữ vững bình yên vùng trời Tổ quốc. Họ đã cho chúng ta có những năm tháng sống vui sống khoẻ và có ích cho xã hội, phần để thực hiện đúng trách nhiệm, bổn phận của chúng ta, phần vì không hổ thẹn với những người ngã xuống giành lấy sự độc lập.

Tất cả chúng ta có ai hiểu được rằng, một sự biết ơn được thể hiện như một đoá hoa mai ửng hé trong nắng vàng, đó chính là một lòng kính trọng bộc lộ như một ánh sao đêm sáng rọi trên trời cao. Những cử chỉ cao đẹp, những hành động dù chỉ là nhỏ nhất cũng đều mang một tấm lòng cao thượng và chúng ta cũng cần phải biết ơn họ. Ta như thấy được rằng chính những người có nhân nghĩa là những người biết ơn đồng thời cũng biết giúp đỡ người khác mà dường như cũng không chút tính toan do dự. Có thể thấy được rằng chính những hành động đó đã khơi dậy tấm lòng của biết bao nhiêu con người, rồi thế giới này sẽ mãi là một thế giới giàu nhân nghĩa và hạnh phúc.

Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thực sự là một bài học như đã khéo léo truyền tải vào đó những lời dạy đáng ghi nhớ cho chính chúng ta. Chúng ta hãy nhớ đến những công lao của các thế hệ đi trước và cả những người đã giúp chúng ta có được thành công như ngày hôm nay. Có như vậy cuộc sống mới thực sự trở lên có ý nghĩa biết bao, đáng sống biết bao.

Bài văn mẫu lớp 7 số 2: CHỨNG MINH VỀ CÂU NÓI "ĂN QUẢ NHỚ KẺ TRỒNG CÂY" LỚP 7 HAY NHẤT

Từ xa xưa, lối sống ân nghĩa thủy chung của dân tộc ta là một niềm tự hào của con người Việt Nam. Vì vậy mà ông cha ta muốn truyền lại lối sống ấy cho thế hệ tương lai qua câu tục ngữ: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Ta cùng đi tìm hiểu về câu tục ngữ thì trước hết, ta phải hiểu ý nghĩa của nó. Có lẽ không ai là không biết nếu muốn có trái thơm quả ngọt để ăn thì chúng ta phải trồng cây, chăm sóc, bón phân và tưới nước hàng ngày, để cây lớn lên và tươi tốt. Và người trồng cây sẽ là người đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để chăm bón cây hàng ngày cho đến lúc cây ra quả, để chúng ta được thưởng thức vị ngọt lịm của những trái chín. Có lẽ, người xưa muốn nhắn nhủ chúng ta khi ta được thưởng thức trái ngọt, đừng mải mê với vị ngọt mà quên mất trong đó cũng có vị đắng của những giọt mồ hôi, của vất vả và gian lao của những người cho ta quả ngọt ấy. Qua câu tục ngữ, ông cha ta muốn nhắn nhủ với chúng ta một lối sống ân tình thủy chung, khi ta được sống hạnh phúc sung sướng đừng quên đi những ngày tháng khổ đau vất vả, khi ta tận hưởng bao điều tốt đẹp chớ quên đi người đã tạo ra thành quả đó.

Trong chiều dài của lịch sử dân tộc, nhân dân ta dù khó khăn gian khổ vẫn giữ vững nếp sống tình nghĩa ấy. Có biết không để chúng ta được sống một cuộc sống công bằng văn minh, biết bao lớp người đã hy sinh không tiếc thân mình bảo vệ bờ cõi. Các anh không tiếc đời xanh, xả thân giữ lấy từng tấc đất, biết bao máu xương đã chôn vùi nơi biên ải, biết bao người chiến sĩ mà ta không biết mặt biết tên đã ngã xuống nơi sa trường. Tất cả vì sự độc lập của dân tộc, vì để có được cuộc sống ấm no cho chúng ta ngày hôm nay. Các bạn có biết để chúng ta trở thành một con người khỏe mạnh, sống hạnh phúc, cha mẹ đã vất vả bao năm tháng để nuôi chúng ta. Trồng cây và trồng người, cả hai đều rất khó khăn, nhưng con người không hề nản lòng, người ta dùng cả cuộc đời mình để trồng cây và trồng người. Có lẽ để ta đứng trên những tòa nhà trọc trời, nhìn khặp mọi nơi trên thành phố thì biết bao nhiều người công nhân đã phải lao động không ngừng, đặt nền móng, đắp từng cục gạnh từ dưới mặt đất. Những điều đó tuy đã là chuyện quá khứ nhưng ta không nên quên, bởi không có quá khứ sẽ không có hiện tại, không có người kiến tạo sẽ không có cuộc sống của chúng ta như ngày hôm nay.

Vậy chúng ta phải làm gì để xứng đáng với câu nói của cha ông? Ta hãy nhớ kĩ những năm tháng khó khăn của một thời đã qua, nhớ những giọt mồ hôi lăn dài trong quá khứ. Xin đừng lãng quên và coi nhẹ nó, hãy sống với nỗi nhớ và sự biết ơn, nối tiếp truyền thống bao đời của dân tộc ta. Hơn nữa, chúng ta phải cố gắng và nỗ lực thật nhiều để dựng xây và làm giàu thêm nữa những giá trị đẹp đẽ để không uổng công sức của những người đi đầu, tạo lập ra những giá trị đó.

Trong xã hội hiện nay, vẫn có rất nhiều những kẻ vong ơn bội nghĩa mà ta cần phải lên án. Những kẻ quen với lối sống hưởng thụ, quen lối ăn chơi trên sự khó nhọc của người khác và tệ hơn họ không hề biết ơn mà còn coi thường sự khó nhọc ấy. Nếu những kẻ đó biến mất, xã hội sẽ công bằng và dân chủ hơn rất nhiều.

Tóm lại, "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là câu tục ngữ rất ý nghĩa, nó trở thành một bài học răn dạy ta sống nghĩa tình và thủy chung.Như vậy, "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là câu tục ngữ có giá trị nhân văn sâu sắc và đúng đắn ở mọi nơi, mọi lúc. Chúng ta luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau giữa những người dân trong cùng một đất nước, có như vậy mới tạo dựng được các mối quan hệ xã hội và làm cho xã hội ngày một phát triển hơn toàn diện hơn, đồng đều hơn.


Các câu hỏi tương tự
Tuan Phan
Xem chi tiết
Trần Thanh Hằng
Xem chi tiết
trà nguyễn
Xem chi tiết
Quân Tôm
Xem chi tiết
Phạm Minh
Xem chi tiết
HwangJin.ARMY
Xem chi tiết
nhân lê
Xem chi tiết
chu đại dương
Xem chi tiết
Ngan Dang Bao
Xem chi tiết