Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
“Tối hôm sau.
Bấy giờ lại vào nửa đêm. Trời tối như mực. Bên ngoài mưa rét, gió thổi ào ào. Mèo con vẫn nằm thức. Nó đoán hôm nay thằng chuột cống sẽ đến. Có lúc mèo con tức giận nóng sôi người, chỉ mong cái thằng khốn kiếp ấy đến ngay để đánh nhau.
Nhưng có lúc mèo con lại rợn. Thằng chuột cống ấy to quá và nó già rồi, khôn lắm, lại còn cả một lũ chuột đàn em của nó nữa. Một mình mèo con liệu có chống đỡ nổi với cả bọn chúng không? Mà đêm hôm, trên nhà ngủ say cả, chẳng có ai đến bênh mèo con đâu! Gió vẫn thổi mưa vẫn rơi lộp bộp. Chít chít…Lũ chuột đã rúc rích. Sột soạt sột… cả chín mười thằng ăn trộm đã vào đến bếp, chạy lung tung.
- A, a, chít chít. Hôm nay toàn thức ăn ngày Tết cả, thơm quá, béo quá, anh em ơi! Hãy lên vật cái thằng nồi đồng trước đã.
Bác nồi đồng run lập cập trên cái chạn cao.
- Ngoao! – Mèo con kêu một tiếng dữ tợn, khác hẳn với mọi khi.
- A, a, chít chít, cái thằng mèo nhép hôm nọ đấy mà, đánh bỏ mẹ nó đi anh em ơi! Lũ chuột hích nhau, nhưng bọn ăn trộm vốn hèn nhát, cứ thằng nọ đùn thằng kia.
- Ngoao! Gừ!
- Ôi, nó là mèo thật rồi – Lũ chuột vỡ chạy tán loạn.”
(Trích “Cái Tết của mèo con” của Nguyễn Đình Thi)
Câu 1. (1 điểm) Hãy cho biết câu chuyện “Cái Tết của mèo con” thuộc thể loại truyện gì? Nêu những căn cứ để xác định thể loại truyện của câu chuyện trên.
Câu 2. (2 điểm) Cho biết câu chuyện “Cái Tết của mèo con” được kể bằng ngôi kể nào? Nêu tác dụng của ngôi kể đó.
Câu 3. (1 điểm) Tìm một từ ghép và một từ láy trong câu văn: “Bên ngoài mưa rét, gió thổi ào ào”
Câu 4. (1 điểm)Trong đoạn trích trên có một biện pháp tu từ so sánh. Hãy chỉ rõ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 5. (1 điểm) Qua câu chuyện“Cái Tết của mèo con”, em rút ra cho bản thân bài học nào?
Thu gọn