Nền văn minh Trung Quốc bắt nguồn tại các khu vực thung lũng dọc theo Hoàng Hà và Trường Giang trong Thời đại đồ đá mới, nhưng cái nôi của nền văn minh Trung Quốc được cho là tại Hoàng Hà. Với hàng ngàn năm lịch sử tồn tại và phát triển, đây là một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới.[1] Các văn bản ghi chép lịch sử của Trung Quốc được tìm thấy có niên đại cổ nhất là từ đời nhà Thương (khoảng 1700-1046 TCN), mặc dù một vài văn bản khác như Sử ký (khoảng 100 TCN) và Trúc thư kỷ niên khẳng định rằng triều đại nhà Hạ đã tồn tại trước nhà Thương.[2][3] Một số phong tục văn hóa, văn học và triết học được phát triển mạnh trong suốt thời kỳ nhà Chu.
Năm 221 trước Công nguyên được coi là năm Trung Quốc bắt đầu thống nhất trở thành một đế chế rộng lớn, với vị Hoàng đế Tần Thủy Hoàng cai trị, đánh dấu sự khởi đầu của đế quốc Trung Hoa. Vào thời kỳ này, Tần Thủy Hoàng cho xây dựng Vạn lý trường thành để bảo vệ đất nước khỏi các tộc người phương Bắc. Ông cho thống nhất chữ viết, các đơn vị đo lường và tiền tệ.
Trải qua hơn 3.000 năm đế chế (khoảng 2000 TCN - 1912 SCN), văn minh Trung Hoa phát triển rực rỡ, với những thành tựu đáng nể, gồm các phát minh vĩ đại như giấy, nghề in, la bàn... Trong thời gian này, có hai nền đế chế trên toàn Trung Quốc phụ thuộc vào các tộc người ngoại tộc, là người Mông Cổ lập nên nhà Nguyên và người Mãn Châu lập nên nhà Thanh.