Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Bình Định , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 2
Số lượng câu trả lời 5
Điểm GP 0
Điểm SP 2

Người theo dõi (3)

Đang theo dõi (0)


Câu trả lời:

Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao người chúng ta yêu thương. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người đó có thể là ông bà, mẹ, anh chị hay bạn bè… Còn riêng tôi, hình ảnh người cha mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi đến hết cuộc đời.

Cha! Là duy nhất. Cha! Là tất cả. Hầu như mọi người trong chúng ta, khi nói về công ơn dưỡng dục, phần lớn thường nghĩ về mẹ. Có mấy ai nhớ rằng, trong từng nhịp thở của ta có cả một vùng trời bao la mà cha dành tặng. Tuy âm thầm lặng lẽ nhưng chan chứa vạn yêu thương. Trong trái tim tôi, chưa từng phút giây nào để lạc hình ảnh người cha thân thương với mái tóc pha sương, lốm đốm hoa râm ấy. Đôi bàn tay thô ráp chai sần vì vất vả. Đôi mắt nheo nheo dưới hàng lông mày rậm, dấu ấn của những đêm mất ngủ. Hai gò má cao cao dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Vì tôi, cha hi sinh những năm tháng thanh xuân của thời trai trẻ. Bao nhiêu yêu thương, cha dành hết cho tôi, nuôi tôi khôn lớn.

Dù nghiêm khắc, ít nói nhưng tình yêu bao la cha dành cho, tôi cảm nhận được.Vì tính chất công việc, mẹ phải làm lụng vất vả, đi sớm về khuya. Dù là người có địa vị trong xã hôi, công việc bận rộn, khó khăn trăm bề, cha vẫn cố gắng về đúng giờ, chăm sóc tôi thay mẹ. Cha lo từng giấc ngủ, từng bữa cơm ngon. Cha cuống quýt lên mỗi khi tôi ốm. Cha buồn bã, lo lắng cho từng cái hắt xì, từng lần lo khan của tôi. Một đêm tôi sốt xoàng, dù có mẹ, cha cũng chẳng ngủ được. Cha đắp chăn, tất tả lo thuốc men. Những đêm mẹ đi xa, cha sưởi ấm cho tôi ngon giấc. Những lúc mưa to, gió lớn sợ tôi giật mình tỉnh giấc, cha lo lắng không yên. Những đêm hè, cha cùng tôi ngắm trăng và những vì sao lấp lánh. Những giây phút ấy, chính là niềm hạnh phúc vô biên mà mấy ai diễm phúc có được.

Bên cha, tôi thấy ấm áp và an toàn làm sao! Cha ấp ủ tôi trong vòng tay vững chắc! Cha dạy tôi điều hay, lẽ phải, uốn nắn khuyết điểm, nâng đỡ tôi mỗi lần vấp ngã. Tôi thấy thương cha vô ngần. Sự hiện diện của cha là sự có mặt của lòng dũng mãnh trong hành động và lặng lẽ trong tình thương. Giờ tôi đã hiểu, chính sự lớn khôn, trưởng thành của tôi là niềm vui, lẽ sống của cha! Mỗi khi tôi có thành tích tốt trong học tập, cha vui, cha mừng. Mỗi khi tôi phạm lỗi, cha buồn khôn tả… Ôi! Ơn dưỡng dục của cha to lớn biết chừng nào!

Dòng sông bao giờ cũng âm thầm cuộn chảy và mạch đời vẫn sống mãi giữa tháng năm, những gì đã qua đi thì không bao giờ trở lại. Nhưng đối với tôi, những kỷ niệm về người cha thân thương vẫn sống mãi, luôn hiện hữu mãi trong tôi. Cảm ơn cha, cảm ơn cha nhiều lắm. Cha là bóng mát, là đôi cánh đưa tôi bay xa trên mọi phương trời. Bàn tay cha nâng đỡ tôi đến mọi miền Tổ quốc.

Ngày mai đây, trên vạn nẻo đường sương gió, tôi biết cha vẫn đâu đó âm thầm dõi theo từng bước chân tôi. Dẫu giờ đây, tôi không còn bé nữa, cũng như cha ngày một cằn cỗi với năm tháng, như bóng xế chiều tà, tôi vẫn thấy cha hiên ngang sừng sững như ngọn núi Thái Sơn hùng vĩ, lúc nào cũng che chắn cho tôi giữa ngàn cơn bão tố. Bởi, “cha là duy nhất, một trái tim cho tôi được thở, cha là ánh sáng một bầu trời bao la rộng mở…Cha! Là cánh gió, nâng tôi lên vút tận trời cao” . Con yêu cha lắm , cha ơi!

Câu trả lời:

Cảnh khuya ở núi rừng Việt Bắc đẹp lắm! Dưới ánh trăng khuya sáng lung linh chiếu rọi, cây cối trùng trùng điệp điệp, tầng tầng lớp lớp soi bóng huyền ảo trong cái tĩnh mịch, lành lạnh sương khói của núi rừng. Trăng là nguồn cảm hứng vô tận của biết bao thi nhân. Nhưng chỉ có một tâm hồn vĩ đại với trí tuệ kiệt xuất của Bác, mới có thể vừa chỉ huy nhằm phá vỡ những mưu đồ của bọn thực dân Pháp trong chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông khốc liệt, vừa ung dung tự tại, thưởng thức cảnh trăng khuya tại chiến khu Việt Bắc. Trước vẻ đẹp không gì sánh nổi của một đêm trăng khuya giữa núi rừng thanh vắng, Bác Hồ đã cầm bút viết lên bài thơ tuyệt tác – bài thơ Cảnh khuya! Bài thơ đã để lại cảm xúc dạt dào cho lòng người bao thế hệ.

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”

Bài thơ có nhịp điệu ngân nga như tiếng hát réo rắt của ai đó ngân trong đêm! Như đang tâm sự với người bạn tâm giao- đó là thiên nhiên và ánh trăng ngời sáng. Trong đêm khuya thanh vắng, dường như tất cả các âm thanh khác đều lắng chìm đi để nổi bật lên tiếng suối róc rách, văng vẳng một âm hưởng trong trẻo, du dương. Dưới ánh trăng vằng vặc sáng, gió đã mang tiếng ca êm đềm, trong vắt đến để người yêu trăng là Bác thưởng thức. Tiếng suối dịu êm khoan nhặt như một khúc hát trữ tình sâu lắng làm cho lòng người phải lắng lại và thốt lên: Tiếng suối trong như tiếng hát xa! Chính sự so sánh hết sức sâu sắc này làm người đọc cảm nhận rõ hơn tâm hồn thi sĩ của Người vì tiếng suối ấy được Bác lắng nghe bằng cả trái tim yêu thiên nhiên tha thiết. Dưới ngòi bút tài hoa và tâm hồn yêu thiên nhiên say đắm của mình, Người đã giúp cho mỗi chúng ta cảm nhận được sự ngọt ngào, du dương của tiếng suối chảy trong đêm Sự ví von trên làm cho ta chợt nhớ đến câu thơ trong tác phẩm “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi từng viết:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.”

Cũng là những câu thơ viết về tiếng suối, nhưng dưới lăng kính và tâm hồn của mỗi nhà thơ, cái hay của những tiếng động của núi rừng ấy được khai thác ở những khía cạnh khác nhau. Chỉ có một điểm rất chung là, khởi nguồn cho những vần thơ ấy đều là một tâm hồn yêu thiên nhiên, sự cảm khái của con người trước thiên nhiên sâu sắc. Không chỉ nghe được nhạc lòng từ tiếng suối trong vắt, tâm hồn thi nhân vĩ đại của Bác còn say sưa với ánh trăng quê gương! Ánh trăng của quê hương đẹp lắm! Ánh trăng bao phủ lên mặt đất, trùm lên tán cây cổ thụ, làm những thân cây già đại thụ sáng rực, sừng sững trong đêm, vòm lá in bóng xuống đất như muôn nghìn bông hoa đua nở! Ánh trăng chiếu vào cành lá, lấp lánh ánh sáng huyền ảo. Bóng trăng và bóng cây quấn quýt, tạo nên những khóm hoa trên mặt đất đẫm hơi sương. Ôi, thiên nhiên của đất nước dưới ngòi bút của Bác đã mang sự sống mãnh liệt. Trăng trở nên thú vị và lãng mạn trong cảnh khuya sáng ngời, lung linh, huyền ảo. Khung cảnh thật thơ mộng kết hợp với nhạc điệu tạo nên một bức tranh đầy sinh động. Vẻ đẹp bất tận của đêm trăng khuya trên núi rừng Việt Bắc đã được Bác Hồ khắc họa làm tan chảy tâm hồn của lớp lớp người dân Việt Nam!

Vào một đêm trăng thanh, giấc ngủ đã đưa mọi người vào tĩnh lặng. Tiếng suối và ánh trăng, sự kết hợp của âm thanh và ánh sáng, một sự diệu kỳ đã đánh thức tâm hồn vĩ đại của một vị lãnh tụ. Bác yêu thiên nhiên sâu sắc, nhất là thiên nhiên của quê hương xứ sở và ở đó ta nhận ra tình yêu đất nước bao la của người. Yêu thiên nhiên là yêu đất nước, chính trong những giờ phút hết sức cam go với bao suy tư toan tính cho những bước đi của dân tộc Việt, người đọc vẫn tìm thấy một Bác lãng mạng, trữ tình..

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”

Sự quyến rũ của trăng, sự dịu êm của tiếng suối, sự cuốn hút của thiên nhiên đã khiến cho lòng người không ngủ được. Tuy nhiên, tình yêu với tạo vật đã lớn nhưng tình yêu quê hương đất nước lớn lao hơn nhiều, luôn thôi thúc sâu thẳm trong tim Bác. Trong bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào, Bác cũng luôn canh cánh bên lòng nỗi niềm dân, nước. Nước nhà còn đang chìm trong khói lửa đạn bom, sao Bác có thể ngủ yên giấc ?. Bác thức trong đêm khuya trằn trọc băn khoăn. Ánh trăng vằng vặc và tiếng suối trong như tiếng hát xa đẹp như tranh vẽ ấy như càng thôi thúc Bác quyết tâm đem lại độc lập cho đất nước quê hương. Non sông đất nước đẹp như gấm như hoa này không thể nào để rơi vào tay quân xâm lược. Câu thơ chất chứa cảm xúc thật mênh mông, sâu sắc. Hồn người lắng sâu vào hồn cảnh vật và cái sâu lắng của cảnh vật tôn thêm nét sâu lắng của hồn người.

Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ! Một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam, một người có lòng nhân ái bao la và một trí tuệ kiệt xuất. Cuộc đời Người đã in dấu bao chiến công vẻ vang nhưng cũng để lại cho đời sau chan chứa những vần thơ tuyệt tác. Bài thơ “Cảnh khuya” không chỉ khơi dậy trong chúng ta tình yêu thiên nhiên, đất nước mãnh liệt, mà qua đó ta còn tìm thấy hình ảnh vị Cha già của dân tộc. Trong bảy mươi chín năm, biết bao đêm Người không ngủ vì lo nước, thương dân? Hồ Chí Minh, tên Người luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và những tác phẩm tuyệt vời của Người cũng luôn sống mãi với bao thế hệ trẻ mai sau.

Câu trả lời:

CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ TĨNH DẠ TỨ CỦA LÍ BẠCH

Lý Bạch – một nhà thơ nổi tiếng thời Đường, một ngôi sao sáng chói trên thi-văn-đàn Trung Quốc. Bài thơ Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch cũng là một kiệt tác trong thế giới Đường Thi trùng trùng điệp điệp. Hình thức cô đọng thâm thúy của bài thơ là một thử thách lớn lao mà thi nhân phải đương đầu vì "ngôn bất tận ý" (lời không nói hết được ý ) và phải dùng ngôn từ tương ứng thế nào để có thể vừa miêu tả cảnh vật vừa diễn đạt được cảm xúc lai láng của “thi tiên”.

Lý Bạch là một người có tài, nhưng ít may mắn trên đường công danh sự nghiệp. Ông hay đi ngao du sơn thủy, làm thân lữ khách nơi quán trọ tha phương, xa gia đình bạn bè. Nỗi nhớ quê lúc nào cũng bồn chồn, khắc khoải trong ông và bài thơ "Tĩnh Dạ Tứ" đã khởi hứng từ nỗi lòng nhớ quê hương tha thiết của thi nhân.

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương

Bức tranh được tô điểm bằng một vầng trăng thu huyền ảo. Trăng soi lồng lộng trên sóng nước bập bềnh biến dòng sông thành một giải lụa vàng óng ả. Ánh trăng trong trắng, lung linh tỏa sáng, bao phủ không gian vô tận và khe khẽ len qua khung cửa sổ rọi sáng đầu giường Lí Bạch. Trong giây phút huyền diệu, thi nhân đã để trọn lòng mình với thiên nhiên, đập chung nhịp đập xao xuyến của đất trời. Gió trăng vào chơi không cần gõ cửa, như người bạn cố tri từ lâu lắm rồi. Trong không gian tịch mịch giữa đêm khuya, hồn thơ đã nhập vào hồn trăng bay lâng lâng. Những tia sáng chập chờn mờ ảo của trăng làm nhà thơ ngỡ ngàng như sương khói bao phủ đầu giường. Hồn Lý Bạch chơi vơi. Sau giây phút say sưa ngắm trăng, lòng thi nhân buồn vời vợi, ngổn ngang trăm mối tơ lòng. Ánh trăng sáng vời vợi trên bầu trời cao kia, tỏa những tia sáng lặng lẽ, êm ái huyền diệu, gần gũi và thân thiết với thi nhân làm sao, đó cũng chính là vầng trăng Lý Bạch đã mải mê ngắm trên núi Nga My trong những ngày niên thiếu ở quê nhà. Lúc này sương và trăng làm nổi bật sự trống vắng vô tận, làm tăng thêm khung cảnh u uẩn đìu hiu của trời đêm cô liêu, đem lại những cảm giác mông lung hư ảo quanh quất đâu đây: sương là trăng hay trăng là sương?. Trong cái ngây ngất chếnh choáng của màn đêm mờ ảo, nhà thơ đã tài hoa hữu hình hóa cái huyền diệu của trăng và sương. Cái tĩnh lặng của không gian bàng bạc trong bài thơ đã tràn ngập cảm xúc, nội tâm và tư duy khó tả. Hình ảnh màn sương "ngờ ngợ" phủ trắng nền đất trong trời đêm đã mở ra một khoảng không gian tịch liêu cô quạnh mông lung, làm tăng thêm nỗi cô đơn của tác giả.

Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Nỗi nhớ quê trào lên bội phần, thi nhân đã dùng những hình tượng dựng cảnh, nhưng thật ra là muốn ngụ tình, gửi gắm những tâm sự thầm kín của tác giả. Những hình tượng mơ hồ gợi cảm, gợi sầu, gợi nhớ đó đã đem lại cho nhà thơ nỗi cô đơn thắm thiết, nỗi nhớ nhà dằng dặc khôn nguôi. Không có trăng nào đẹp bằng trăng thu, chẳng có trăng nào nào sáng hơn trăng quê, vầng trăng ở quê nhà bao giờ cũng lung linh sáng soi hơn trăng ở bất cứ nơi nào trên đất khách quê người. Ngẩng đầu lên ngắm trăng, cúi đầu thì nhớ cố hương da diết. Cái hoài niệm về quê cha đất cũ, về quá khứ thân thương êm đềm cứ chập chờn xôn xao ám ảnh, bồn chồn day dứt mãi trong tâm hồn thi nhân. Nỗi ngậm ngùi ảo não của người thơ đã hội nhập với cái không gian tĩnh lặng mênh mông của đất trời, đó là cái sầu của vũ trụ vô cùng. Trăng ở trời cao vẫn nhìn xuống, thi nhân khó mà đi vào giấc ngủ lãng quên. Nội tâm của người bị xâu xé dằn vặt, càng thao thức, càng tê tái chua xót. Ánh sáng của vầng trăng đã tô đậm hình bóng lung linh huyền ảo của một quá khứ, hoài niệm thương tiếc mãi mãi khó quên trong lòng người thơ, thiết tha, xao xuyến, bịn rịn, khắc khoải một cách lạ lùng.

Bài thơ đã bộc lộ những xúc cảm sống động, dạt dào, rung lên những âm vang tha thiết của nhạc điệu trữ tình. Cái "dư vị" trong bài thơ Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch chỉ là cảnh sắc của màn đêm huyền ảo với trăng, sương chập chùng nhưng rất hữu tình, đem lại những cảm xúc nao nao xót xa, đưa thi nhân đi tìm lại những mảnh ký ức, hồi tưởng của sông xưa, núi cũ, quê nhà. Nhịp thơ chấm phá đã hình tượng hóa được nỗi ưu tư sầu não tê tái một cách cụ thể, đó là cái quằn quại khổ đau của một kiếp người lang thang giữa đất trời trôi nổi, và những giọt lệ ly hương đã tuôn trào lai láng thành mạch sầu thiên cổ vô tận, biết dạt trôi về đâu ?

"Tĩnh Dạ Tứ" của Lý Bạch có âm hưởng tuyệt vời, trở thành một bài nhạc phủ (khúc hát mùa thu) trác tuyệt của Đường Thi. Ngôn từ cô đọng, không mòn sáo, dễ hiểu, giản dị, tự nhiên mà lại rất hàm súc sống động và nhiều hình tượng gợi cảm, đó là những rung động kỳ lạ, huyền ảo từ trái tim bộc trực của nhà thơ, đó là tiếng nói tri âm chí tình chân thực, là tâm hồn thanh khiết nhạy cảm tinh tế của người thơ.Với phép đối đắc địa ở câu hai câu cuối tạo nên sự sánh đôi màu nhiệm. Phải chăng đó là sự linh diệu thầm lặng của thơ, của ý tưởng ngẫu nhiên tuôn trào nhưng có một hấp lực vô hình gây tác động mạnh mẽ, gợi lên những chuỗi liên tưởng phong phú trong tâm hồn người đọc:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương

Câu trả lời:

​“Mẹ sẽ là nhành hoa
Cho con cài lên ngực”

Cứ mỗi lần câu hát ấy vang lên, trong con hình ảnh mẹ lại hiện lên bồi hồi, xúc động. Trải bao khó nhọc để sinh ra con, nuôi con khôn lớn, con thật cảm ơn cuộc đời đã ban tặng mẹ cho con.

Đã hơn mười năm kể từ ngày con u ơ cất tiếng chào đời, con luôn được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ, được nghe những câu hát mượt mà, những lời ru êm ái, thiết tha! Mẹ mãi ấm áp, hy sinh, chở che! Từng bước đi chập chững đầu đời, ai cầm tay con dắt đi từng bước một? Khi lỡ ngã đau, ai lên tiếng xúyt xoa? Ai mừng vui nhất khi con cất tiếng nói bi bô? Khi bước chân vào trường, đằng sau con không bao giờ thiếu vắng cặp mắt âu lo của mẹ! Và có ai tả được ánh mắt mừng vui ấy khi con được điểm mười ? Một đêm sốt xoàng con biết mẹ chẳng bao giờ yên giấc, bàn tay mẹ nhẹ nhàng sờ trán, đắp chăn, tất tả lo thuốc men. Cơn sốt của con là ngọn lửa đốt lòng mẹ! Cơn ho của con đã làm mặt mẹ hằn thêm những vết chân chim!

Giờ con không còn bé nữa, mẹ cũng ngày một cằn cỗi với năm tháng, như bóng xế chiều tà. Khi xưa, mẹ thật xinh đẹp, thân hình cân đối, đôi mắt nâu to tròn, cái mũi dọc dừa và mái tóc đổ dài như suối. Thế mà giờ đây, chưa đầy năm mươi, khuôn mặt trái xoan của mẹ đã hằn nhiều nếp nhăn. Làn da trắng hồng ngày nào nay đã chuyển màu tai tái, mái tóc óng ả cũng thưa dần. Bàn tay nõn nà gầy guộc hẳn đi và dần nổi lên những đường gân xanh. Cầm bàn tay ấy mà lòng con thắt lại, rưng rưng… Ôi, chính đôi bàn tay này đã ẵm bồng com thuở thơ bé, ủ ấm con trong đêm đông giá lạnh, quạt mát con giữa trưa hè oi bức. Con biết, những nếp nhăn trên trán mẹ là dấu vết của bao tháng ngày tần tảo, thức khuya dậy sớm lo miếng cơm manh áo cho con. Dù vậy, nụ cười mẹ vẫn tươi tắn như nắng mai, đôi mắt vẫn dịu dàng và chứa đựng nhiều yêu thương. Mỗi khi con buồn, ánh mắt ấy lại tỏa ra những ngọn lửa dịu dàng, ấm nóng đến chói chang. Mỗi khi con vui ánh mắt đó lại tràn đầy niềm tin yêu, trìu mến. Con rất thích nằm trong lòng mẹ, được mẹ vỗ về, được ngửi hơi ấm thơm tho tỏa ra từ lòng mẹ. Chao ơi, cái cảm giác ấy sao êm dịu và gần gũi vô cùng.

Con cảm thấy mình thật may mắn khi có mẹ! Phải chăng hạnh phúc của con người không phải những điều quá xa xôi mà nó luôn hiện hữu quanh ta, trong tổ ấm gia đình và cảm nhận của mỗi người ? Với con, hạnh phúc không chỉ là những điều to tát mà còn là sự quan tâm, hi sinh thầm lặng, là tình người mà chúng ta dành trọn cho nhau. Con đã hiểu ra được điều ấy từ chính cuộc đời mẹ.

Ôi! Tình mẹ tràn đầy, đẹp đẽ như mặt nước hồ buổi sớm mà vẫn chân chất, mộc mạc, gần gũi, tinh tươm tựa trang giấy học trò. Có lẽ khi con chưa biết chữ thì tình mẫu tử đã thể hiện đủ đầy, lung linh như ánh trăng rằm trong những câu ca dao, dân ca. Nay trên các phương tiện thông tin đại chúng hình ảnh người mẹ lại càng được tôn vinh nhưng chưa bao giờ đủ để nói lên sự hy sinh và tình yêu của người mẹ.

Có lẽ, trong mắt mọi người, mẹ chỉ là một người bình thường nhưng với con, mẹ bao giờ cũng đẹp nhất, một vẻ đẹp của sự lam lũ, nhân hậu như loài hoa cúc trắng kín đáo tỏa mùi hương dìu dịu. Lắm lúc, con cứ nghĩ mẹ là cô Tiên, một cô Tiên tuyệt vời mà ông Trời đã ban xuống để nuôi nấng, dạy dỗ cho con trưởng thành được như hôm nay. Mẹ không chỉ là thần tượng mà còn là hạnh phúc, là niềm tin và lẽ sống của đời con.

“Mẹ cho con tất cả
Hết quãng đời tuổi xanh
Cả yêu thương dịu ngọt
Rộng hơn biển trời xanh”…

Câu trả lời:

​“Mẹ sẽ là nhành hoa
Cho con cài lên ngực”

Cứ mỗi lần câu hát ấy vang lên, trong con hình ảnh mẹ lại hiện lên bồi hồi, xúc động. Trải bao khó nhọc để sinh ra con, nuôi con khôn lớn, con thật cảm ơn cuộc đời đã ban tặng mẹ cho con.

Đã hơn mười năm kể từ ngày con u ơ cất tiếng chào đời, con luôn được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ, được nghe những câu hát mượt mà, những lời ru êm ái, thiết tha! Mẹ mãi ấm áp, hy sinh, chở che! Từng bước đi chập chững đầu đời, ai cầm tay con dắt đi từng bước một? Khi lỡ ngã đau, ai lên tiếng xúyt xoa? Ai mừng vui nhất khi con cất tiếng nói bi bô? Khi bước chân vào trường, đằng sau con không bao giờ thiếu vắng cặp mắt âu lo của mẹ! Và có ai tả được ánh mắt mừng vui ấy khi con được điểm mười ? Một đêm sốt xoàng con biết mẹ chẳng bao giờ yên giấc, bàn tay mẹ nhẹ nhàng sờ trán, đắp chăn, tất tả lo thuốc men. Cơn sốt của con là ngọn lửa đốt lòng mẹ! Cơn ho của con đã làm mặt mẹ hằn thêm những vết chân chim!

Giờ con không còn bé nữa, mẹ cũng ngày một cằn cỗi với năm tháng, như bóng xế chiều tà. Khi xưa, mẹ thật xinh đẹp, thân hình cân đối, đôi mắt nâu to tròn, cái mũi dọc dừa và mái tóc đổ dài như suối. Thế mà giờ đây, chưa đầy năm mươi, khuôn mặt trái xoan của mẹ đã hằn nhiều nếp nhăn. Làn da trắng hồng ngày nào nay đã chuyển màu tai tái, mái tóc óng ả cũng thưa dần. Bàn tay nõn nà gầy guộc hẳn đi và dần nổi lên những đường gân xanh. Cầm bàn tay ấy mà lòng con thắt lại, rưng rưng… Ôi, chính đôi bàn tay này đã ẵm bồng com thuở thơ bé, ủ ấm con trong đêm đông giá lạnh, quạt mát con giữa trưa hè oi bức. Con biết, những nếp nhăn trên trán mẹ là dấu vết của bao tháng ngày tần tảo, thức khuya dậy sớm lo miếng cơm manh áo cho con. Dù vậy, nụ cười mẹ vẫn tươi tắn như nắng mai, đôi mắt vẫn dịu dàng và chứa đựng nhiều yêu thương. Mỗi khi con buồn, ánh mắt ấy lại tỏa ra những ngọn lửa dịu dàng, ấm nóng đến chói chang. Mỗi khi con vui ánh mắt đó lại tràn đầy niềm tin yêu, trìu mến. Con rất thích nằm trong lòng mẹ, được mẹ vỗ về, được ngửi hơi ấm thơm tho tỏa ra từ lòng mẹ. Chao ơi, cái cảm giác ấy sao êm dịu và gần gũi vô cùng.

Con cảm thấy mình thật may mắn khi có mẹ! Phải chăng hạnh phúc của con người không phải những điều quá xa xôi mà nó luôn hiện hữu quanh ta, trong tổ ấm gia đình và cảm nhận của mỗi người ? Với con, hạnh phúc không chỉ là những điều to tát mà còn là sự quan tâm, hi sinh thầm lặng, là tình người mà chúng ta dành trọn cho nhau. Con đã hiểu ra được điều ấy từ chính cuộc đời mẹ.

Ôi! Tình mẹ tràn đầy, đẹp đẽ như mặt nước hồ buổi sớm mà vẫn chân chất, mộc mạc, gần gũi, tinh tươm tựa trang giấy học trò. Có lẽ khi con chưa biết chữ thì tình mẫu tử đã thể hiện đủ đầy, lung linh như ánh trăng rằm trong những câu ca dao, dân ca. Nay trên các phương tiện thông tin đại chúng hình ảnh người mẹ lại càng được tôn vinh nhưng chưa bao giờ đủ để nói lên sự hy sinh và tình yêu của người mẹ.

Có lẽ, trong mắt mọi người, mẹ chỉ là một người bình thường nhưng với con, mẹ bao giờ cũng đẹp nhất, một vẻ đẹp của sự lam lũ, nhân hậu như loài hoa cúc trắng kín đáo tỏa mùi hương dìu dịu. Lắm lúc, con cứ nghĩ mẹ là cô Tiên, một cô Tiên tuyệt vời mà ông Trời đã ban xuống để nuôi nấng, dạy dỗ cho con trưởng thành được như hôm nay. Mẹ không chỉ là thần tượng mà còn là hạnh phúc, là niềm tin và lẽ sống của đời con.

“Mẹ cho con tất cả
Hết quãng đời tuổi xanh
Cả yêu thương dịu ngọt
Rộng hơn biển trời xanh”…