Bài viết số 1 - Văn lớp 12

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

MỤC LỤC - Bài viết số 1 - Văn lớp 12

Đề 1 : Goethe, một văn hào Đức nói : " Tôi là một người, nghĩa là một kẻ chiến đấu". Đời có phải là một trường tranh đấu không ? Giá trị của sự tranh đấu ra sao ?

Đề 2 : Rô - manh Rô - lap, một nhà văn lớn nước Pháp nói : "Niềm vui mà cuộc sống có được là niềm vui sáng tạo. Tình yêu, thiên tài, hành động....tất cả đều sáng lên dưới ngọn đuốc của niềm vui ấy". Anh (chị) hiểu ý kiến trên ra sao ? Với anh (chị) niềm vui lớn nhất trong cuộc sống hiện nay là những gì ?

Đề 3 : Các Mác đã từng nói : " Trong khoa học, không làm gì có đường cái rộng và chỉ có người nào không sợ gian nan, cố lần mò trên những con đường gồng ghềnh, lởm chởm của nó thì người ấy mới đạt được đến những đỉnh cao chói lọi.". Hãy giải thích và chứng minh câu nói trên.

Bài viết số 1 - Văn lớp 12

Để 1 : Goethe, một văn hào Đức nói : " Tôi là một người, nghĩa là một kẻ chiến đấu". Đời có phải là một trường tranh đấu không ? Giá trị của sự tranh đấu ra sao ?

Bài làm

             Mỗi người tùy theo hoàn cảnh riêng của mình mà cảm nhận cuộc đời một cách khác nhau. Phần lớn các thi sĩ để cho cuộc đời chỉ là một giấc mộng. Cũng như các bậc hiền sĩ triết gia cho cuộc đời chỉ là một hí trường, một tấn tuồng múa rối. Thế nhưng, nếu nhìn vào thực tế, ai chẳng thấy cuộc đời là một trường tranh đấu. Bởi vậy Goethe, một nhà văn hào Đức đã nói : "Tôi là một người, nghĩa là một kẻ chiến đấu". Câu nói này có ý nghĩa ra sao ? Đời có phải là một trường tranh đấu không ? Giá trị thực tiễn của sự tranh đấu ấy như thế nào ? Chúng ta thử cùng nhau đào  sâu, bàn luận sau đây để có thể có một nhận định rõ rệt và cụ thể.

             Về mặt  kết cấu, câu nói của Goethe là một định nghĩa nhằm khẳng định mạnh mẽ : Đời quả là một cuộc tranh đấu. Muốn tồn tại được ở đời, con người phải đấu tranh không ngừng nghỉ. Không những chỉ tranh đấu với chính bản thân mà còn phải đấu tranh với xã hội và thiên nhiên nữa.

             Sống ở đời, con người thực ra ai cũng thế, đã chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường xã hội, của hoàn cảnh vây bọc chung quanh mình. Trong đó, xấu tốt, hay dở lẫn lộn, nhiều lúc cái xấu, cái dở lại nhiều hơn cái tốt cái hay. Chính vì thế để vươn tới chỗ chân, thiện, mĩ, chúng ta phải từng giời, từng phút đấu tranh với bản thân. Nói rõ hơn, con người phải đấu tranh với những thói hư tật xấu của chính mình, sự tham lam, sự ích kỉ, sự cầu an đến sự lười biếng và còn biết bao nết xấu nữa luôn luôn sẵn sàng cùng chúng ta trượt dốc. Nếu không kiên tâm tranh đấu với các thói hư tật xấu đó, con người rất dễ dàng bị biến thành những kẻ vô dụng với xã hội, hơn thế nữa, biến thành những vật chướng ngại làm càn trở bước tiến chung của xã hội.

            Cuộc đời chính là một nơi khai diễn những cuộc đấu tranh không mệt mỏi. Con người không chỉ tranh đấu với bản thân mình như vừa nói mà còn phải đấu tranh với xã hội. Không kể việc phải lao động dưới nhiều hình thức : chân tay, trí óc, lao động sáng tạo nghệ thuật để tồn tại, con người phải đấu tranh với những lực lượng thống trị phản động áp bức, bóc lột, bọn tư sản đế quốc để bảo vệ lợi ích của những người lao động nghèo khổ. Ngay giây phút này, chúng ta thử hình dung trên khắp miền đất nước này, có biết bao con người, biết bao tấm lòng sẵn sàng "mình vì mọi mọi người và mọi người vì mình" đang ra sức miệt mài tranh đấu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống từ quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa....bằng tất cả năng lực và nhiệt tình của mình để bảo vệ chính nghĩa và đặc biệt xây dựng bảo vệ Tổ quốc ngày một giàu mạnh và tiến bộ, văn minh hơn. Nếu không có cuộc đấu tranh tích cực và bền bỉ đó dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì chắc chắn không có độc lập, tự do bền vững cho đất nước, hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc và cho mỗi cá nhân.

           Ngoài hai cuộc đấu tranh vừ đề cập, con người, nói chung còn phải đấu tranh không ngừng với nhiều thảm họa do thiên nhiên gây ra nữa. Từ biết bao đời, sinh mệnh và hạnh phúc của sinh linh chúng ta luôn luôn bị đe dọa bởi thiên tai với đủ các hình thức : bão tỗ, mưa dông, lụt lội, động đất, núi lửa... Đó là chưa nói đến hàng ngày, hàng giờ trên ruộng đòng, sông nước, rừng núi xa xôi, quạnh vắng có biết bao nhiêu con người dầm mưa dãi nắng, gội phong sương mang hết sinh lực của mình để tranh đấu với thiên nhiên khai thác tài nguyên, làm nên hoa mầu và của cải vật chất cần thiết cho sự sống chung dân tộc và đồng loại.

          Cuối cùng, chúng ta không thể không nhắc đến những cuộc tranh đấu có tính đặc biệt. Có thể lựa chọn ra một trong số vô vàn trường hợp cụ thể. Đó là cuộc đấu tranh thầm lặng của các nhà bác học, các  giáo sư bác sĩ trong phòng thí nghiệm miệt mài ngày đêm. Các nhà trí thức đánh kính này nhiều lúc đã hi sinh hạnh phúc của cá nhân mình, không ngại hiểm nguy, không màng tiền tài của cải. Các vị đã tự nhốt mình trong bốn bức tường của phòng thí nghiệm bất kể ngày đêm để tìm ra thứ thuốc quý chữa lành cho những căn bệnh dữ của nhân loại như : bệnh dịch hạch, bệnh lao phổi, bệnh sốt rét, bệnh phong hủi, bệnh ung thư và sắp tới là bệnh si đa, bệnh gan nhiễm siêu vi B....

          Nhìn lại từ những điều vừa trình bày ở trên đủ cho ta thấy sự tranh đấu có một giá trị thật to lớn. Đây là một yếu tố quan trọng làm nên hạnh phúc của con người từ mỗi cá nhân đến một dân tộc và cả nhân loại. Chính sự đấu tranh chân chính và mạnh liệt đó đã đem lại sự công bằng và bác ái, sự khỏe mạnh và no ấm cho tất cả mọi người. Đây là một động lực dùng để đưa con người đến chỗ chân, thiện, mĩ.

          Như thế, đúng như nhận định của Goethe - văn hào Đức : "Tôi là một người, nghĩa là một kẻ chiến đấu", đời quả là một trường tranh đấu lớn không ngừng nghỉ. Con người không những phải tranh đấu với chính bản thân mình để tự hoàn thiện mà phải đấu tranh với xã hội và với cả thiên nhiên nữa. Có điều cần lưu ý là cuộc đấu tranh ấy chỉ thực sự có giá trị khi trút bỏ được tính cách vị kỉ, thấp hèn, tự phát mà nhắm tới phục vụ cho chính nghĩa, cho chân lí dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Đảng của giai cấp công nhân để cùng mọi người tiến tới một tương lai tốt đẹp rạng rỡ.